5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW: Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Hôm nay 13.8, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40). Dịp này, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh xoay quanh việc triển khai và kết quả thực chỉ thị.
* Thưa ông, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc triển khai Chỉ thị 40 như thế nào trong 5 năm qua?
Ông Nguyễn Quang Dinh: Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí cũng như tầm quan trọng của tín dụng CSXH trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Đến nay, Chủ tịch UBND cấp xã đều tham gia Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện. Các địa phương quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác cho vay, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc đồng thời chủ động rà soát, bổ sung kịp thời vào danh sách những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, đảm bảo các hộ đủ điều kiện vay vốn tín dụng CSXH.
Trong 5 năm qua, có 193.207 lượt hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, hơn 54 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo điều kiện cho 21.928 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; tạo việc làm cho 11.948 lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm, 284 lao động tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài xây dựng, cải tạo 90.191 công trình nước sạch vệ sinh, xây dựng 2.851 ngôi nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng. Đặc biệt, tín dụng CSXH đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,1% năm 2014 xuống 7,57%, tỷ lệ hộ cận nghèo từ 9,15% năm 2014 xuống 3,32%, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Ông có thể cho biết nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH trong 5 năm qua?
Ông Nguyễn Quang Dinh: Trong 5 năm qua, nguồn vốn từ ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện đã ủy thác đến Ngân hàng CSXH cho vay số tiền hơn 163 tỷ đồng. Mỗi năm bổ sung gần 33 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với trước khi có Chỉ thị 40 (bình quân mỗi năm bổ sung hơn 6,2 tỷ đồng). Nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương sang Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đến nay đạt 238 tỷ đồng (chiếm 5,3% tổng nguồn vốn tại Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam), trong đó, ngân sách tỉnh 202 tỷ đồng, ngân sách huyện 36 tỷ đồng. Điển hình một số địa phương đã thực hiện tốt ủy thác vốn là TP.Hội An với hơn 7,2 tỷ đồng, TP.Tam Kỳ hơn 5,3 tỷ đồng, huyện Núi Thành hơn 3,2 tỷ đồng, huyện Phước Sơn hơn 2,2 tỷ đồng... Ngoài ra, Hội Hỗ trợ người tàn tật Việt Nam đã chuyển 200 triệu đồng giúp Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đưa tín dụng ưu đãi đến người khuyết tật tại huyện Núi Thành.
Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương đã giúp Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương. Ngoài ra, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, cùng với ngân hàng quản lý việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn.
Thời gian qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan báo, đài, Mặt trận, các tổ chức hội, đoàn thể thông tin, tuyên truyền kịp thời nội dung Chỉ thị 40. Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cũng đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội nhận ủy thác cho vay và quản lý tốt nguồn vốn vay trên cơ sở thành lập và duy trì hoạt động của mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện tốt điểm giao dịch ở xã. Đồng thời chú trọng công tác quy hoạch , đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ thực hiện tín dụng CSXH.
* Chỉ thị 40 thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với chính sách thiết yếu, kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống. Ông cho biết, những chuyển biến sau 5 năm triển khai thực hiện chỉ thị?
Ông Nguyễn Quang Dinh: Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đã thay đổi sâu sắc về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp ngày càng xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng CSXH, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng CSXH thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Quan trọng hơn, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tín dụng CSXH, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế việc cho vay nặng lãi, tín dụng đen; cải thiện đời sống, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 30.6.2019, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tăng 4 chương trình so với trước khi có Chỉ thị 40 với tổng dư nợ đạt 4.483 tỷ đồng, hơn 133 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, tăng trưởng tín dụng trong 5 năm là 1.269 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng CSXH được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong 5 năm đã giải ngân cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 5.640 tỷ đồng với hơn 193 nghìn lượt hộ vay. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng CSXH luôn được củng cố, nâng cao, nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh đã giảm từ 0,3% thời điểm cuối năm 2014 xuống còn 0,14%/tổng dư nợ tại thời điểm này, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05%. Chất lượng tín dụng CSXH luôn được giữ vững, vốn Nhà nước giao đang được bảo toàn là tín hiệu rất đáng mừng.
Trân trọng cảm ơn ông!