"Diễm phúc" là may mắn
Sống trong đời, hễ ai gặp nhiều may mắn, tiền bạc dồi dào, sự nghiệp vẻ vang, con ngoan vợ hiền..., nói chung là có được những thứ mà thiên hạ mơ ước thì thường được khen là “có diễm phúc”. Báo chí, sách vở cũng thường dùng từ “diễm phúc” theo nghĩa này.
1. Ta thử trích dẫn một vài đoạn văn sử dụng từ này.
- Chúng tôi thường nói mình thật diễm phúc biết bao khi được dùng tuổi xuân phụng sự Đức Giê-hô-va (Kinh Thánh - Truyền đạo 12:1).
- Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân. (Đức Đạt Lai Lạt Ma)
- Tôi chưa một lần được ngồi trong lớp thầy giảng nhưng có diễm phúc được thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Thầy đã để lại trong tôi những ký ức đẹp về một người thầy giản dị, nghiêm khắc nhưng nhân hậu. (http://www.baobacninh.com.vn/chi-tiet-hdnd-tinh/-/details/20182/-hay-song-la-nguoi-tu-te-).
- Chia sẻ trong xúc động khi nhận được sự đón đợi đầy yêu thương của mọi người, Như Quỳnh thổ lộ: “Tôi thật có diễm phúc khi suốt bao nhiêu năm qua vẫn được các bạn dành cho mình nhiều tình cảm đến vậy”. (https://laodong.vn/giai-tri/nhu-quynh-hanh-phuc-va-goi-fan-ha-noi-la-nguoi-tinh-mua-dong-587851.ldo).
Qua một vài trích dẫn, ta thấy từ “diễm phúc” đều được dùng theo nghĩa “hạnh phúc”, “may mắn”, thậm chí là vô cùng may mắn hoặc hạnh phúc lớn lao...
2. Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh không có mục từ này. Còn từ điển https://vi.wiktionary.org/wiki trên mạng thì định nghĩa:
Diễm: tốt đẹp; phúc: tốt lành
Diễm phúc: Hạnh phúc tốt đẹp.
Ví dụ: Diễm phúc của gia đình hòa thuận.
Đây là điều nhầm lẫn vì người ta quan tâm nhiều đến chữ phúc chứ không để ý đến chữ diễm. Chữ diễm làm thay đổi ý nghĩa thông thường của chữ phúc, cũng như cái má lúm đồng tiền hay cái răng khểnh đôi khi làm thay đổi chân dung cô gái! Hẳn ai cũng biết rằng chữ “diễm” có nghĩa là đẹp, chẳng hạn như trong một vài từ Hán Việt: diễm lệ (đẹp rực rỡ; đẹp lộng lẫy); diễm ngộ (gặp gỡ người đẹp); diễm tỳ (con hầu đẹp); diễm sắc (sắc đẹp của phụ nữ); kiều diễm (dịu dàng, xinh đẹp)... Để ý một chút, ta sẽ thấy vẻ đẹp trong những từ này đều thiên về cái đẹp dịu dàng của phái nữ, chứ không phải là cái đẹp chung chung. Như vậy, ta phải ngầm hiểu “diễm phúc” cũng phải liên quan đến người đẹp!
Người phương Tây khi dịch thơ Đường thì ít khi đạt, nhưng cách định nghĩa các từ tiếng Hán của họ phải nói là rất hay, chính xác và lột tả được phần nội dung mà đôi khi ta còn thấy mơ hồ trong tiếng Việt. Ta có thể thấy rõ được điều này trong định nghĩa về “diễm phúc”. Tự điển Hán - Anh Văn Lâm định nghĩa “diễm phúc” như sau: “luck in love (of males)”, có nghĩa là “may mắn trong tình yêu (nói về phái nam)”. Một từ điển khác còn định nghĩa rõ ràng hơn nữa: “lucky to be loved by pretty girls” (may mắn được các cô gái xinh xắn yêu thương)!
Như vậy, “diễm phúc” không phải là “hạnh phúc tốt đẹp” mà có nghĩa là “may mắn được yêu” hay “có phúc được yêu”, để nói về người đàn ông có số đào hoa, được nhiều phụ nữ trẻ đẹp yêu thương, chiều chuộng, như Don Juan phương Tây hoặc các nhân vật chính trong tiểu thuyết võ hiệp. Đàn ông mà được nhiều cô gái trẻ đẹp yêu thương thì hiển nhiên là may mắn, nhưng đó là cái may mắn trong tình yêu, nghĩa là có được “cái phúc” với người đẹp, chứ không phải là gặp “cái phúc” trên đường đời, như nhiều người thường lầm tưởng. Có lẽ nhiều người viết, khi sử dụng từ này, thường chỉ chú trọng đến chữ phúc mà bỏ qua chữ diễm, nên mới thường có sự lẫn lộn giữa “diễm phúc” với “hồng phúc”, vì chính “hồng phúc” mới là “phúc lớn”.
3. Trong tác phẩm Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung, nhân vật chính Vi Tiểu Bảo là một tên láu cá, vô lại, nhưng lại rất trọng nghĩa khí giang hồ; xuất thân từ kỹ viện nhưng lại trở thành một nhân vật thân cận của vua Khang Hy. Y dùng mọi thủ đoạn để lấy được đồng thời bảy phụ nữ xinh đẹp nhất trong thiên hạ. Y không cầu mong được phong tướng phong hầu, mà sống cảnh thần tiên trên hoang đảo với bảy mỹ nhân xinh như ngọc, để hưởng niềm vui mà sách xưa gọi là “hưởng cái thú ôn nhu”. Câu nói đắc ý của y, khi có ý sánh mình với vua, giúp ta hiểu rõ thêm ý nghĩa khác nhau của hai chữ “diễm phúc” và “hồng phúc”: “Ta có bảy phu nhân đẹp như hoa như ngọc, thiên hạ không thể tìm đâu ra nữ nhân thứ tám đẹp tới mức này. Hoàng thượng hồng phúc sánh ngang trời, Vi Tiểu Bảo ta cũng có diễm phúc sánh ngang trời”.
Làm hoàng đế, nắm quyền sinh sát cả thiên hạ, quốc thái dân an, dĩ nhiên là “đại hồng phúc”. Là người đàn ông mà được “hưởng cái thú ôn nhu” với bảy mỹ nhân cùng một lúc dĩ nhiên là “đại diễm phúc”.
Nhưng có được “diễm phúc” chưa hẳn đã là “phúc” mà lắm khi là “họa”. Ca dao ta có câu:
Một vợ thì nằm giường lèo
Có gối tai bèo, sáo rủ, màn treo
Hai vợ thì nằm chèo queo
Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm.
Ba vợ đã bị đẩy xuống nằm ở chuồng heo, thì bảy vợ không biết sẽ bị đẩy xuống tận đẩu, tận đâu! Cho nên, nếu được quyền tự do chọn lựa thì không biết cánh mày râu thích mình được hưởng “diễm phúc” hay “hồng phúc”?