Ứng dụng khoa học kỹ thuật, phục hưng nghề tơ tằm
Đã bắt đầu có những kết nối trong cộng đồng tơ lụa thế giới, khi ngày càng có nhiều hơn các quốc gia cùng chung tay để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này.
Festival Văn hóa tơ lụa – thổ cẩm Việt Nam và thế giới lần thứ V như một nhịp cầu để những câu chuyện xung quanh việc trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất tơ lụa được tôn vinh, mở ra các thị trường mới thông qua cuộc trưng bày từ sản phẩm, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với các tổ chức và thị trường quốc tế. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành sản xuất truyền thống này ngày càng được quan tâm mạnh mẽ. Hiện nay, cùng với Công ty CP Tơ lụa đã bắt đầu triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất dâu tằm tơ ở xã Điện Quang (Điện Bàn), đã có thêm sự vào cuộc của một doanh nghiệp nước ngoài với dự án lai tạo giống tằm biến đổi gen Bombyx Mori với giống tằm trong nước để tạo ra sản phẩm công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.
Liệu ngành sản xuất tơ lụa Việt, tơ lụa xứ Quảng sẽ có những sự chuẩn bị như thế nào để tiếp nhận khoa học công nghệ vào ngành nghề đã có tuổi đời hơn 400 năm này? Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ ông Lê Thái Vũ – Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam và ông Đặng Vĩnh Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam xoay quanh vấn đề này.
* Thưa ông Đặng Vĩnh Thọ, ông đánh giá như thế nào đối với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tơ lụa tại Việt Nam trong những năm gần đây?
Ông Đặng Vĩnh Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam: Muốn ngành dâu tằm tơ đạt hiệu quả cao tương xứng với giá trị của nó, trước hết cần phải có giống dâu năng suất cao, có quy trình thâm canh cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm tiên tiến trên cơ sở chuyển giao công nghệ mới, cho nông dân áp dụng đại trà để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Khi giải quyết được các vấn đề này mới có thể nâng cao được hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Từ đó, tăng thu nhập cho người trồng dâu nuôi tằm, tạo vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững.
Lâm Đồng hiện nay đã xây dựng mô hình chuỗi sản xuất hàng hóa, tôi cho là rất hay. Các cơ sở ươm tơ kết hợp với các hộ nuôi tằm con rồi bán tằm lớn cho bà con nông dân sau đó thu mua toàn bộ kén để ươm tơ. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có hơn 200 hộ nuôi tằm con tập trung. Có thể nói việc thay đổi các giống dâu lai mới, nuôi tằm con tập trung, thay đổi công nghệ ươm tơ từ ươm cơ khí qua ươm tự động và giá cả tơ lụa thế giới ổn định là những cách thức gỡ nút thắt cho ngành dâu tằm tơ Việt Nam trong những năm qua.
Hiện nay cả nước có gần 100 dãy ươm tơ tự động. Số lượng máy ươm gấp hai lần so với năm 2017. Sản lượng tơ cả nước khoảng 1.600 tấn. Trong quá trình sản xuất dâu tằm tơ thì trứng giống tằm đóng vai trò vô cùng quan trọng, chất lượng trứng giống không tốt sẽ ảnh hưởng xấu kết quả lứa tằm và thu nhập của người nông dân. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng tới chất lượng kén và tơ. Hiện nay, ở Việt Nam, giống tằm lai từ nguyên lưỡng hệ đều nhập khẩu gần như 100% từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Đây là một thách thức lớn của ngành dâu tằm tơ Việt Nam.
* Vậy về phía Quảng Nam, khoảng hơn một năm nay, xem chừng ngành sản xuất dâu tằm rất sôi động vì các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật, thưa ông Lê Thái Vũ?
Ông Lê Thái Vũ - Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam: Khoa học kỹ thuật và công nghệ trong ngành sản xuất tơ lụa bao gồm máy móc thiết bị và công nghệ hoàn thiện sản phẩm, công nghệ nhuộm. Trong đó, công nghệ sản xuất trứng giống tằm cực kỳ quan trọng. Hiện tại chúng tôi đã đưa về Gò Nổi những máy móc hiện đại như máy cắt dâu, máy gõ kén. Ngày xưa phải mua rang về làm bủa kén, công gỡ kén rất tốn kém. Bây giờ mỗi con kén làm mỗi tổ, khi ấn nút thì kén tự động dỡ ra. Tất cả quy trình sản xuất trứng giống sau này đều được chuyển giao về để người dân trực tiếp sản xuất. Tức là từ việc trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất trứng giống, ươm tơ dệt lụa đến hoàn thiện sản phẩm sau này đều sẽ dùng đến khoa học công nghệ từ máy móc thiết bị hiện đại đến dòng ươm tơ tự động. Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm chuyển giao đến hợp tác xã và người dân.
Hiện nay, chúng tôi ký kết hợp đồng liên kết với nhiều tập đoàn, hiệp hội tơ lụa trên thế giới, với mong muốn Việt Nam sẽ tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu về tơ lụa, phục vụ cho chế biến sâu. Khi đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho tơ lụa, việc tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ không phải là quá khó. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, công ty đang liên kết với HTX Điện Quang triển khai thí điểm trồng dâu ở các khu vực bồi bãi ven sông. Trên cơ sở đó, công ty sẽ phối hợp với bà con nông dân mở rộng diện tích đất trồng dâu ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Công ty đang xúc tiến thủ tục đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất dâu tằm tơ lụa ở xã Điện Quang, để chủ động trong việc sản xuất trứng giống cung ứng cho các hộ trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh. Sau đó chúng tôi sẽ thu mua kén để ươm tơ. Tháng 10 này dự kiến bên phía Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ chăm sóc trứng giống tằm cho phía Quảng Nam thông qua Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản do trường Đại học Nữ Chiêu Hòa dẫn đầu.
* Vậy điều cần thiết nhất hiện nay nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người nông dân trồng dâu nuôi tằm tiếp nhận các kỹ thuật công nghệ cao là gì, thưa hai ông?
Ông Đặng Vĩnh Thọ: Đầu tiên khi đã xác định thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay là đều phải nhập 100% giống tằm từ Trung Quốc, thì chúng tôi nghĩ, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần có biện pháp và tạo điều kiện để ngành dâu tằm tơ chủ động được trứng giống tằm lai lưỡng hệ phục vụ cho bà con nông dân. Chưa kể về lâu dài, ngành sản xuất dâu tằm tơ Việt Nam trong vài thập kỷ tới sẽ vừa có thị trường thế giới, vừa có thị trường trong nước vì nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng theo nhịp độ phát triển kinh tế xã hội, trong khi các nước có truyền thống sản xuất dâu tằm tơ như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc vài năm gần đây sản lượng giảm xuống đáng kể.
Về phía Quảng Nam, tôi được biết UBND tỉnh đã có chủ trương khôi phục ngành dâu tằm tơ, đây là một chủ trương rất hay. Tuy nhiên, để phát triển xuyên suốt, tôi nghĩ cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến huyện, xã. Bên cạnh đó, cần quy hoạch vùng trồng dâu, chọn giống dâu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương; xây dựng mô hình nuôi tằm con tập trung; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc nuôi tằm lớn và thu hoạch kén. Tỉnh phải có chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp để cho bà con nông dân vay vốn đầu tư nhà và dụng cụ, thiết bị nuôi tằm.
Ông Lê Thái Vũ: Sản xuất tốt, kỹ thuật tốt thì mới tạo ra sản phẩm tốt. Có sản phẩm tốt cần phải có sự kết nối thị trường. Từ nhiều cuộc festival, chúng tôi mong muốn tạo ra sự kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh và người làm nghề truyền thống. Festival năm này từ cả việc giới thiệu các ứng dụng khoa học kỹ thuật, đến tạo thị trường cho sản phẩm tơ lụa gần như đã làm được. Tôi khằng định, việc can thiệp khoa học kỹ thuật hiện nay trong nuôi tằm là cần thiết, thế giới họ đã làm từ lâu. Chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống nhà nuôi tằm, ươm kén với các trang thiết bị chuyên biệt được nhập từ nước ngoài, có thể bảo đảm môi trường cho tằm phát triển tốt nhất, và chất lượng tơ theo chuẩn thế giới. Kỹ thuật canh tác dâu cũng sẽ được cơ giới hóa, để giảm sức lao động của con người. Người nông dân sẽ được đào tạo về các kỹ thuật vận hành cũng như tổ chức để họ tiếp cận dần các tiến bộ khoa học này vào trong nghề sản xuất của mình. Tôi nghĩ điều này không khó với người nông dân xứ Quảng.
Cảm ơn hai ông về cuộc trò chuyện này!