Hội thảo khoa học "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ"
(QNO) - Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (9.8.1914 - 9.8.2019), sáng 9.8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và Huyện ủy Đại Lộc phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ”. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - bà Nguyễn Thị Thu Lan; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng - ông Trần Đình Hồng; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc - ông Nguyễn Công Thanh chủ trì hội thảo.
Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh; đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 5; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum; lãnh đạo huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong và ngoài tỉnh, đại diện gia tộc và gia đình đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ.
Trong diễn văn khai mạc hội thảo, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc - ông Nguyễn Công Thanh cho biết, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ sinh ngày 9.8.1914 trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng ở làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa (nay thuộc xã Đại Hòa, Đại Lộc). Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân sống khổ cực dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, ngay từ nhỏ Huỳnh Ngọc Huệ đã sớm hình thành và nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc. Tháng 9.1934, sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học tại Trường Tiểu học Đại Hòa, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thi vào Trường Kỹ nghệ thực hành Huế (Thừa Thiên Huế). Học giỏi, lại có khả năng truyền thụ tốt nên đồng chí được giữ lại trường làm giáo viên.
Quá trình học và dạy học, Huỳnh Ngọc Huệ dần tiếp thu tư tưởng vô sản. Năm 1937, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Cuối năm 1937 cùng các đồng chí Tố Hữu, Đào Duy Dzếnh được cử làm đại diện cho Đoàn Thanh niên dân chủ trong nhà trường, làm thư ký Hội Ái hữu Trường Kỹ nghệ thực hành Huế và Bí thư Chi bộ nhà trường.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Huỳnh Ngọc Huệ nhiều lần bị địch bắt, tù đày tại các nhà lao Đăk Glei, Đăk Tô (Kon Tum), Thừa Phủ (Thừa Thiên Huế), Hỏa Lò (Hà Nội), Con Gà (Đà Nẵng). Dù khó khăn, gian khổ bởi những thiếu thốn của cuộc kháng chiến, hay sự tra tấn dã man của nhà lao thực dân nhưng không làm suy giảm ý chí chiến đấu của đồng chí. Ở người chiến sĩ cộng sản kiên trung này luôn toát lên tinh thần hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì hòa bình, độc lập tự do.
Sau này, đồng chí trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Phó Bí thư Liên khu ủy 5, đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam), tham gia sáng lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tháng 4.1949, trong lúc chuẩn bị ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, đồng chí không may bị nhiễm trùng uốn ván và từ trần ngày 27.4.1949 tại huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đánh giá, đây là cơ hội để chúng ta tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn cũng như bày tỏ tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trong phong trào cách mạng của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, Liên khu 5 và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Qua đó, khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giáo dục và phát huy tinh thần yêu nước, nhiệt huyết tuổi trẻ, truyền thống hiếu học của đất và người xứ Quảng Nam cho thế hệ hôm nay và mai sau.
“Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng, tôi hoan nghênh và chân thành cảm ơn toàn thể quý vị đến tham dự hội thảo khoa học về “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ” hôm nay. Mong rằng, qua hội thảo lần này, từ nhiều giác độ khác nhau sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin bổ ích, những đánh giá xác đáng, quan trọng về đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ như mục đích hội thảo đề ra” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đề nghị.
Ban tổ chức hội thảo cho biết, trong quá trình chuẩn bị đã nhận được 25 bài tham luận khoa học của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương. Tại hội thảo, các tham luận được trình bày đã tập trung làm rõ hơn về truyền thống quê hương, gia đình của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ; quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của đồng chí với phong trào cách mạng quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, phong trào cách mạng Liên khu 5 nói chung, nhất là vai trò của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và là người đồng sáng lập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Cạnh đó, nhiều tham luận nêu bật những bài học về phẩm chất, đạo đức cách mạng rút ra từ quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí. Giá trị bài học đó trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Cũng tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đề nghị huyện Đại Lộc xây dựng đề án tiến hành tôn tạo, mở rộng quy mô khu mộ của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ. Sau đó trình UBND tỉnh để có sự chỉ đạo cơ quan liên quan xúc tiến triển khai, với sự chung tay tham gia của Đà Nẵng, Quảng Ngãi để khu mộ xứng tầm với công lao đóng góp của đồng chí.