Vượt lên nỗi đau da cam - Bài 2: Nghị lực cô gái da cam

VÕ VĂN TRƯỜNG 08/08/2019 14:05

Đơn thân, mềm yếu có thể vỡ ra như những giọt nước mắt, nhưng giữa cuộc đời khắc nghiệt, không biết sao chị có thể trụ vững vàng đến thế? Tôi tự hỏi để câu trả lời chưa bao giờ là cuối...

Bà Võ Thị Hóa - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An thăm, tặng quà chị Trịnh Thị Thanh Thúy. Ảnh: V.V.T
Bà Võ Thị Hóa - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An thăm, tặng quà chị Trịnh Thị Thanh Thúy. Ảnh: V.V.T

Không làm thân tầm gửi

Hơn 30 năm nay, chị Trịnh Thị Thanh Thúy ở thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP.Hội An phải dùng tay để di chuyển. Là nạn nhân chất độc da cam, với đôi chân teo, co quắp, không đi lại được, những tưởng cuộc đời chị chỉ như cây tầm gửi sống dựa vào người khác, thế nhưng bằng ý chí và nỗ lực phi thường, chị đã “đứng dậy”, từ đi xe lăn, đến tập đi xe máy học nghề làm ra hàng hóa để bán cho du khách… rồi trở thành trụ cột của gia đình, đơn thân nuôi hai con vào đại học.

Riêng tư một tí, chị Thúy tâm sự: “Ba của hai con gái chị bỏ đi đã lâu, thôi thì đó cũng là chuyện duyên nợ. Gặp nhau đã duyên nợ, rồi chia tay cũng rứa. Chị không hề oán trách ai, ông trời cho mình được gì mình nhận lấy, ổng lấy đi của mình cái gì thì mình chịu thôi”. “Rứa hai đứa con ông trời có cho không?”. Chị cười tươi, nụ cười vẫn lạc quan yêu đời lắm.

Ông Lê Văn Nhì - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Cẩm Hà nói, chị Thúy là một trong số  ít những hội viên da cam địa phương đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, những đau đớn thể chất, tinh thần, phấn đấu vươn lên bằng chính nghị lực của bản thân. Họ luôn tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường, cho dù chất độc da cam vẫn đang ngày đêm dày vò. Con gái thứ nhất của chị Thúy là Phạm Thị Khánh Ngọc đã tốt nghiệp khoa kiến trúc Trường Đại học Giao thông vận tải, đang tìm việc và làm phụ mẹ, con gái thứ hai Phạm Thị Khánh Châu đang học năm 2 Đại học Kinh tế. Chị Thúy là con liệt sĩ Trịnh Văn Lộc, là cán bộ hoạt động nội thành, hy sinh năm 1966.

Để có đủ điều kiện nuôi con vào đại học, chị Thúy đã quyết chí học đan móc sợi, làm ra những sản phẩm thủ công đẹp mắt bán cho du khách tại Hội An. Có hàng tự tay mình làm ra, chị lại lò mò tập đi xe máy cải tiến, vì xe lăn đi lại vất vả và chậm chạp. Sau một ngày làm việc tỉ mẫn, tối đến chị dùng xe máy ba bánh đi đến các địa điểm thường có đông khách nước ngoài qua lại để bán những sản phẩm thủ công do chính tay chị làm ra. Lâu thành quen, nhiều người biết đến chị, quý mến chị nên trợ giúp bằng cách mua hàng.

Gửi niềm tin vào cuộc sống

Thường trực trên chiếc xe lăn với công việc nhưng trong lúc trò chuyện bao giờ chị Thúy cũng cười rất tươi. Chị bảo, nhiều khi buồn lo đủ điều, nhưng bản tính lạc quan đủ khỏa lấp. Ngày trước khó đến vậy cũng qua được, chừ cuộc sống đã ổn, chỉ lo làm ăn trả nợ dần khoản tiền vay cho con ăn học nữa thôi, còn gì để không vui sống, ai trên cuộc đời này chẳng phải lao động để mưu sinh. Thương ba ngày xưa cũng chỉ là thầy giáo nghèo nhưng vẫn đi làm cách mạng, đâu biết ngày sau đền đáp thế nào. Có nhiều nạn nhân da cam thế hệ mình, rồi con, cháu… nằm liệt trên giường, người cũng chẳng ra người nữa…, mình như vậy vẫn còn may mắn hơn, phải tự động viên bản thân nỗ lực hơn nữa.

Tôi hỏi về các con, chị Thúy xúc động xen lẫn niềm tự hào trong từng lời kể. Con gái đầu của chị bước vào giảng đường đại học với bao nhiêu tâm trạng bồi hồi, lo lắng, vừa học vừa lo cho mẹ, cho em và bà ngoại ở nhà. Là con gái, nhưng thấu hiểu gia cảnh nên Phạm Thị Khánh Ngọc rất tằn tiện chi tiêu, cố gắng học tập. Ngoài giờ học trên lớp và những giờ học thêm để bổ sung kiến thức Ngọc đi dạy kèm và làm nhiều việc khác kiếm thêm khoản tiền nhỏ trang trải cho sinh hoạt, học tập và giảm bớt sự cực khổ, vất vả của  mẹ nơi quê nhà... Đến lượt cô con gái thứ hai vào đại học cũng vậy, noi gương chị biết tự lo phần nào cho mình, giảm gánh nặng cho mẹ… “Ôi các con của mẹ!”. Nước mắt chị chảy dài trên gò má hào vào những giọt mồ hôi làm chúng tôi không thể cầm lòng.

Chị - người phụ nữ đơn thân, mềm yếu có thể vỡ ra như những giọt nước mắt, không biết sao chị có thể trụ vững vàng đến thế? Tôi tự hỏi để câu trả lời chưa bao giờ là cuối…

Như cảm nhận được suy nghĩ của tôi, bà Võ Thị Hóa - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An bảo: “Ông bà ta có câu “Nếu cuộc đời lấy đi thứ gì của ai đó thì sẽ bù đắp cho họ thứ khác”. Quả đúng vậy, nếu cuộc đời lấy đi sức khỏe của các nạn nhân nhiễm chất độc da cam thì lại cho họ một nghị lực sống phi thường với một tấm lòng sẻ chia để vượt qua khó khăn và trở thành những tấm gương tiêu biểu giữa đời thường”.

_______

Bài 3: Đồng cảm và sẻ chia

Bà Nguyễn Thị Xuân, một trong 2 nạn nhân da cam của Quảng Nam cùng 8 đại biểu da cam khác của Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2006. Tại đây bà Xuân có thêm những người bạn mới đồng cảnh kết thân, san sẻ, động viên nhau vượt lên nỗi đau.

VÕ VĂN TRƯỜNG