Tắc trách hay là ác?

P.H 08/08/2019 10:46

Hôm qua 7.8, truyền thông ngập tràn thông tin gây đau đớn: “Học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón” .

Khi biết mức học phí ở Trường quốc tế Gateway, tôi đã phải thừa nhận với bạn tôi rằng, sự an toàn của chúng ta, con cái chúng ta, không phụ thuộc vào tiền nhiều hay tiền ít. Trang điện tử “zing.vn” cho hay “học phí bậc tiểu học năm học 2019 - 2020 là hơn 117 triệu đồng (chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, xe đưa đón và phí trông muộn)”.

Đó là một cái chết ám ảnh, dù tôi không có mặt ở đó và không có đoạn camera nào ở trên xe buýt ghi hình lại. Trí óc của người bình thường nào cũng sẽ hình dung được một đứa bé 7 tuổi bị bỏ quên trên chiếc xe đóng kín cửa suốt gần một ngày, hoảng loạn gọi mẹ trong giờ phút chống chọi giữa lằn sinh tử. Công an đã khởi tố vụ án vô ý làm chết người. Nhưng tất cả chẳng là gì vì điều quan trọng nhất là đứa trẻ không còn. Sự tắc trách của những người liên quan gây ra cái chết cho đứa trẻ, đồng nghĩa với cái ác. Nó tô đậm sự bất an trong tôi, rằng không có nơi nào là an toàn, mà tự mỗi phụ huynh phải lường trước mọi nguy cơ, hiểm họa có thể xảy ra để mà xoay xở.

Sự tắc trách đầy rẫy ở cơ quan công quyền hay nơi cung cấp dịch vụ công hoặc tư, khi mà những cơ chế giám sát thường lỏng lẻo và chế tài thì quá nhẹ, không đủ sức răn đe những kẻ vi phạm. Khi hậu quả khôn lường xảy ra, thì lại thói muôn thuở “mất bò mới lo làm chuồng”. Trưa qua, trên các chương trình truyền hình, kênh youtube hay mạng xã hội, người ta lại bày trẻ cách thoát khỏi ô tô, xe buýt khi bị khóa trái cửa. Như những lần trước đó, khi xảy ra việc, người ta bày cách để đứa trẻ thoát khỏi các đối tượng xâm hại tình dục ở nơi công cộng, nơi vắng vẻ. Kỹ năng sống sót, kỹ năng tự vệ hay kỹ năng ứng phó cần thiết khác trong đời sống hằng ngày, lẽ ra phải được đưa vào nhà trường nhiều hơn, đậm đặc hơn là nhồi nhét những hàm, những công thức toán học vật lý và hằng hà sa số kiến thức vô bổ khác mà phần nhiều là khi buông sách, chẳng biết áp dụng gì vào cuộc sống.

Ở phía Bắc, dư luận phẫn nộ với sự tắc trách của Trường quốc tế Gateway, thì ở phía Nam, một vụ việc xảy ra cùng ngày cũng gây bất bình không kém. Báo Bình Thuận đưa tin: Bé trai 11 tuổi bị bạo hành dã man và nghi bị xâm hại tình dục tại một ngôi chùa. Bé trai được gửi vào chùa để theo khóa tu mùa hè 3 tháng và đã bị vị sư ở đó làm cho kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác. 

Ở Tam Kỳ, vài năm trở lại đây cũng đã có dịch vụ đưa đón trẻ. Chiều nay đón con ở trường mầm non, trông thấy xe khách của dịch vụ này, tôi lại nghĩ đến đứa trẻ bạc mệnh ở Hà Nội. Bảo vệ trẻ em, dường như người lớn chúng ta đã thiếu trí tưởng tượng để nghĩ đến những thảm họa có thể xảy ra với trẻ. Chúng ta thiếu nghiêm cẩn hay chúng ta không còn biết trông cậy vào ai, tin vào ai, giữa bao nhiêu mối nguy và cái ác chờ chực trẻ con ở ngoài kia?

P.H