Vượt lên nỗi đau da cam - Bài 1: Mình còn có đôi tay

VÕ VĂN TRƯỜNG 07/08/2019 15:24

Chiến tranh đã kết thúc gần 45 năm nhưng hậu quả mà nó để lại, đặc biệt là hệ lụy của chất độc da cam vẫn hiện hữu. Đã có rất nhiều người chết và những nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo, di chứng chất độc da cam đã truyền qua thế hệ con, cháu của họ. Có biết bao người bị tước đi quyền làm cha làm mẹ; nhiều trẻ em sinh ra không được làm người bình thường... Song, đây đó vẫn có những số phận da cam đã vượt lên nỗi đau, làm được những việc có ích cho bản thân, cho cuộc đời. Những nghị lực ấy, những con người ấy đáng trân quý biết bao.

Công việc hàng ngày của anh Mạo. Ảnh: V.V.T
Công việc hàng ngày của anh Mạo. Ảnh: V.V.T

BÀI 1:  MÌNH CÒN CÓ ĐÔI TAY

“…Mình đã và sẽ vươn lên bằng chính sức lao động của mình, không làm gánh nặng cho xã hội. Mất đôi chân nhưng mình còn có đôi tay”.

Những ngày xưa gian khó

Trong không khí khá oi nồng một ngày tháng Tám, chúng tôi đến thăm gia đình anh Võ Bá Mạo ở thôn Bình An, xã Tam Hòa, Núi Thành. Khá bất ngờ khi cơ ngơi nhà anh là một cơ sở điện máy rộng rãi. Dụng cụ điện máy nằm la liệt, còn anh gần như bò trên đống đồ nghề đầy luyn nhớt, đen đúa, mồ hôi nhễ nhại... Anh cán bộ thôn cùng đi góp chuyện, anh Mạo bây chừ là một thợ máy thứ thiệt, bởi cơ sở anh không chỉ sửa chữa honda, các dụng cụ điện máy thông thường mà còn là điểm thợ máy duy nhất ở đây “can thiệp” giúp bà con ngư dân sửa chữa máy móc những con tàu vươn khơi bám biển bị hỏng hóc, rồi bảo trì, bão dưỡng... Ngư dân địa phương rất tin tưởng tay nghề của anh Mạo, thợ ra lò từ một trường nghề  ở TP.Đà Nẵng. Bản tính cởi mở, như người quen đã lâu, anh Mạo nói vui, xem chừng gia đình mình bây giờ cái gì cũng có. Vợ có, nhà có, con cái có, chỉ thiếu là... không thiếu thứ gì! Tôi chợt nghĩ phải chăng đây là cái chất lạc quan của người quê Thủ Thiệm.

Hôm vợ sinh, nhận tin báo con có đầy đủ chân tay, lành lặn, mình mừng quá, nước mắt ứa ra cả ngày hôm đó”. (Anh Võ Bá Mạo - nạn nhân chất độc da cam ở Núi Thành)

Để có được như ngày hôm nay, với anh Mạo đó là hành trình gian khó của một cậu bé hai chân không thể đi lại được. Anh đã phải truân chuyên đi tìm con chữ nhờ tấm lưng bè bạn, những người hàng xóm tốt bụng. Gắng mãi rồi anh Mạo cũng đã học đến lớp 11 Trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ. Nỗ lực đó cách đây 20 năm là kỳ tích của cậu bé vùng bãi ngang ven biển khuyết tật do di chứng chất độc da cam chiến tranh để lại. Biết con đường học hành không thể tiếp tục, anh Mạo quyết chí ra tận Đà Nẵng xin và được nhận học nghề tại Trường Công nhân kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi. Hai năm học tập là những tháng ngày cơ cực và đầy quyết tâm của anh Mạo. Ra trường anh Mạo tiếp tục bồi dưỡng kiến thức điện máy ở một vài nơi rồi lấy vợ - chị Võ Thị Ba (quê Tam An, Phú Ninh) và quyết định ở quê lập nghiệp.

Thế rồi mái ấm của vợ chồng anh Mạo tăng thêm bội phần niềm vui khi lần lượt hai con gái chào đời lành lặn, khỏe mạnh. Nay hai con gái của anh Mạo đã lập gia đình. Ông Võ Thắng - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Tam Hòa cho hay, anh Mạo là con liệt sĩ Võ Sang hy sinh năm 1973, mẹ tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày nay cũng đã mất. Anh Mạo là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai.

Hạnh phúc giản đơn quý giá

Sạp tạp hóa của chị Ba vợ anh Mạo chỉ kê đúng hai chiếc bàn gỗ con con, hàng hóa bày bán chỉ mấy mớ rau, vài rổ cá, cân thịt,... nhưng bà con chòm xóm lui tới khá đông bởi tiện đường đi lại nhưng cái chính là giúp vợ chồng anh Mạo khuyết tật vui tính, chăm chỉ làm ăn. Ngồi trò chuyện cùng vợ chồng anh, tôi mới vỡ ra nhiều điều, có lẽ đây cũng là lần đầu tiên anh Mạo tâm sự điều này.

“Mình tàn tật có được người vợ ai cũng mừng, nhưng mình thì đâm lo, nhất là thời gian vợ mang thai con gái đầu. Mình không bao giờ dám hé lộ suy nghĩ trăn trở của mình. Hôm vợ sinh, nhận tin báo con có đầy đủ chân tay, lành lặn, mình mừng quá, nước mắt ứa ra cả ngày hôm đó”. Anh kể, từng hỏi một bác sĩ, nếu trẻ sinh ra bình thường liệu có còn bị chất độc da cam nữa không. Bác sĩ ấy bảo, không chắc đâu anh ạ, phải ít nhất đến 6 tuổi mới tạm gọi yên tâm. Năm năm đằng đẵng anh sống trong lo âu, anh gọi đó là “bản án treo” của mình. “May thay trời thương cả hai con lành lặn. Anh Mạo nói vui, mình cũng là thằng liều, rứa mà nhớ lại những ngày tháng đó sao mình mềm yếu quá! Ai có rơi vào hoàn cảnh mình mới hiểu” - anh Mạo chia sẻ.

Bà con hàng xóm láng giềng ai cũng thương tính chăm chỉ siêng năng của vợ chồng anh Mạo. Chuyện lập nghiệp, ban đầu vợ chồng anh được Hội Nạn nhân da cam địa phương san sẻ nguồn vốn vay lãi suất thấp để sắm sửa đồ nghề. Mới đây anh vay tiếp 35 triệu đồng để sửa sang nhà cửa cho tươm tất, mua thêm đồ nghề điện máy để có thể đảm nhiệm “thay tim” cho những con tàu. Cuộc sống ổn định, vợ chồng anh mua sắm đầy đủ đồ dùng sinh hoạt gia đình….

Ông Phạm Văn Quyện - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Núi Thành chia sẻ, toàn huyện có hơn 900 nạn nhân da cam, anh Mạo là điển hình đặc biệt vươn lên đáng để nhiều trường hợp khác trong điều kiện khuyết tật, bệnh tật còn có khả năng lao động có thể học tập, trước hết là học nghị lực vượt khó. Ông Quyện kể, lần đầu tiên tiếp xúc anh Mạo, ông quá bất ngờ khi thấy anh đi từ dưới bếp lên nhà bằng… bốn chân, rồi bắt tay sửa chữa máy móc. Sẵn điện thoại ông chộp ngay bức ảnh, giờ vẫn đang treo tại phòng làm việc của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Núi Thành.

Chia tay vợ chồng anh Mạo, tôi vẫn nhớ những lời gan ruột của anh: “Từ khi được sự hỗ trợ, giúp đỡ, vợ chồng tôi thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn với con cái, gia đình và xã hội. Mình đã và sẽ vươn lên bằng chính sức lao động của mình, không làm gánh nặng cho xã hội. Mất đôi chân nhưng mình còn có đôi tay…”.

---------------------

Bài 2: Nghị lực cô gái da cam

Đơn thân, mềm yếu có thể vỡ ra như những giọt nước mắt, nhưng giữa cuộc đời khắc nghiệt không hiểu sao chị vẫn có thể  vững vàng đến thế? Tôi tự hỏi để câu trả lời chưa bao giờ là cuối ...

VÕ VĂN TRƯỜNG