Nuôi con bằng sữa mẹ

XUÂN HIỀN 07/08/2019 10:46

Tuần lễ “Nuôi con bằng sữa mẹ” (từ ngày 1 - 7.8) đang được nhiều quốc gia hưởng ứng. Tại Việt Nam, hiện đã có 29 bệnh viện ký cam kết thực hành nuôi con bằng sữa mẹ do Bộ Y tế phát động, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Chăm sóc trẻ sơ sinh bằng phương pháp Kangaroo tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: X.H
Chăm sóc trẻ sơ sinh bằng phương pháp Kangaroo tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: X.H
Nâng cao nhận thức

Ngày đầu mới sinh, dù còn khá đau đớn nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) vẫn cố gắng để con được bú mẹ. Hiểu được tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, chị Thảo chia sẻ, đứa con đầu tiên vì sợ không đủ sữa nên chị phải dùng đến sữa công thức. Nhưng thông qua các đợt tư vấn của cán bộ y tế, cộng thêm việc tìm hiểu về lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh qua các kênh thông tin, đến đứa con thứ hai, chị nói không với sữa công thức. Đây cũng là một trong số rất nhiều thay đổi về quan điểm chăm sóc trẻ sơ sinh đối với phụ nữ hiện nay. Lợi ích của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ ngày càng được nhận thức rõ ràng hơn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để cung cấp cho trẻ sơ sinh các chất dinh dưỡng cần thiết. WHO còn khuyến cáo cho trẻ bú sớm ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, trẻ em phát triển sẽ khỏe mạnh khi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.

Đại diện Phòng Truyền thông - Giáo dục sức khỏe của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) cho biết, đơn vị này thường xuyên cung cấp tài liệu truyền thông cho các trạm y tế và triển khai hoạt động truyền thông tại nhiều địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của sữa mẹ. Tại các cơ sở y tế, việc thúc đẩy các nơi này thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế về nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm (EENC) và chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo (KMC) được thực hiện nghiêm túc, góp phần tăng tỷ lệ trẻ được bú sớm trong một giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Các bà mẹ hiện nay vẫn bị nhiễu loạn vì thông tin quảng cáo của công ty sữa, tuy nhiên tín hiệu mừng là ngày càng nhiều các bà mẹ nỗ lực để có sữa cho con. Theo báo cáo đánh giá công tác chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu của khu vực Tây Thái Bình Dương năm 2016 - 2017, tại Việt Nam, 73% trẻ mới sinh được cho bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh. Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và duy trì nguồn sữa quý giá là điều không đơn giản. “Nhiều bà mẹ sau sinh vẫn mang theo bình bú vì nghĩ rằng mình không đủ sữa. Thực sự, dung tích dạ dày em bé ngày đầu tiên chỉ bằng trái nho, nghĩa là chỉ cần 5 - 7ml sữa cho mỗi cữ bú là đủ. Chính vì vậy, để đủ sữa cho con bú thì cách làm hiệu quả nhất là cho con bú sớm, bú đúng cách và bú theo nhu cầu của trẻ. Một số bà mẹ phải nằm ICU (săn sóc tích cực) vì phải trải qua phẫu thuật nặng nề, không được tiếp xúc da kề da với trẻ trong những giờ đầu sau sinh. Chính vì vậy, sữa về chậm hơn. Nhưng không nên quá lo lắng. Vẫn có thể massage, hút sữa để giúp bầu vú mẹ có sữa cho con bú” - bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh chia sẻ.

Chú trọng thực hành

Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ là đề án do Bộ Y tế phát động với cam kết thực hiện triển khai hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ, không quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Đã có 29 bệnh viện đến từ 9 tỉnh thành ký cam kết thực hiện triển khai đề án này, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Từ khảo sát đánh giá ban đầu ở 20 bệnh viện thuộc 4 tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Nam, đại diện Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em cho biết, thông qua các số liệu về thực hành tỷ lệ bú sớm sau sinh, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn, tỷ lệ được tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, tỷ lệ nằm cùng phòng/không cách ly mẹ con ngay sau sinh... cho thấy việc thúc đẩy thực hành cho trẻ bú sớm sau sinh và tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ giúp tăng tỷ lệ trẻ được bú sớm sau sinh và được bú mẹ hoàn toàn trong thời gian tại bệnh viện. Theo đó, khuyến cáo từ Bộ Y tế cho rằng, cần thiết phải giảm tỷ lệ sinh mổ chủ động lần đầu vì đây là trở ngại chính với thực hành cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và tăng cường tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ. Các đơn vị y tế cần tăng cường tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ thông qua tài liệu trên mạng, có kế hoạch hoạt động cho nhóm nuôi con bằng sữa mẹ...

Hiện nay đã có nhiều bệnh viện cải thiện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, nuôi con bằng sữa mẹ trong sinh mổ, triển khai phòng sinh thân thiện như cho phép gia đình vào phòng sinh... Theo đề án Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, các bệnh viện sẽ hỗ trợ bà mẹ sinh thường và sinh mổ cho con bú trong vòng 90 phút đầu sau sinh bằng cách thực hiện chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, bảo đảm cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trước khi xuất viện và không quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Để được công nhận danh hiệu “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc”, các bệnh viện phải đạt các tiêu chí về chất lượng bệnh viện, các bảng kiểm về chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ, về nuôi con bằng sữa mẹ và đạt khảo sát hàng quý về sự hài lòng của sản phụ qua điện thoại di động.

Tại Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhiều năm nay đã tổ chức các lớp học tiền sản cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé, kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ cũng như hỗ trợ các sản phụ sau sinh về cách thực hành cho bé bú mẹ sớm. Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh cho biết thêm, hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hoàn thành tất cả tiêu chí trong đề án Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Trong tháng 8 này, Bộ Y tế sẽ tổ chức Lễ trao danh hiệu dành cho các bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc.

XUÂN HIỀN