Vốn khó, khó vốn

H.N 07/08/2019 10:34

Trong Thông báo số 256/TB-UBND tỉnh, ngày 31.7.2019 nêu kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tại cuộc họp thường kỳ tháng 7, có nội dung: đồng ý chủ trương nghiên cứu địa điểm đầu tư dự án Trung tâm sản xuất giống nông, lâm nghiệp công nghệ cao tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam.

Theo định hướng của công ty này, trước mắt là nuôi cấy mô các loại cây để phục vụ rừng trồng của bà con, như cây keo; sau đó là giống trái cây, rau củ bản địa. Định hướng này, khiến tôi sực nhớ câu chuyện của một nông dân ở khu vực Nghĩa Nam (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc). Hồi tháng 3, cây chuối vườn nhà bỗng dưng bệnh thối rễ và chết hàng loạt, ông muốn trồng loại cây khác thay thế nhưng hỏi nguồn cung ứng vài nơi trong huyện đều không ưng ý. Thương lái thì ngày nào cũng ngang ngõ rao bán cây con. 100.000 đồng/cây mít con, loại mít theo thương lái là 3 năm cho trái. Lại có quảng cáo mít siêu sớm vì chỉ trồng 1 năm là cho trái. Ổi, chanh, xoài tùy loại từ 50.000 – 150.000 đồng/cây nhưng đều là giống lai. Nếu trồng dặm vài cây quanh hàng rào thì không sao, nhưng muốn chuyển hết cả vườn chuối hơn 2.000m2 sang trồng cây ăn trái, thì quá nhiều tiền. Quan trọng hơn là tìm cây bản địa, loại giống của vùng Đại Lộc hay của Quảng Nam thì không biết tìm đâu cho đủ. Loay hoay một hồi, ông quay về gầy lại vườn chuối, vì dù sao cũng là “giống mình”.

Do vậy, dù dự án chỉ mới ở giai đoạn sơ khởi, và còn lâu lắm thì Trung tâm sản xuất giống này mới đi vào hoạt động nhưng đây là tin vui không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho người dân.

Theo ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam, công ty đang làm các thủ tục cho việc giải phóng mặt bằng. Dự án được sự hỗ trợ và ủng hộ tối đa của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp thì còn rất nhiều, nhất là tiếp cận ngân hàng để có thể vay vốn.

Không rõ ông Hùng đã biết thông tin về việc 4 ngân hàng lớn giảm lãi suất hay chưa, nếu biết thì có thể tìm vốn. Theo các ngân hàng này, mức trần lãi suất cho vay mới giảm thêm 0,5% so với hiện tại sẽ được áp dụng từ ngày 1.8.2019 đến ngày 31.12.2019, dành cho các đối tượng khách hàng ưu tiên theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đó là các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khởi nghiệp. Như vậy, dự án Trung tâm giống, nằm trong danh mục này nên sẽ thuận lợi.

Nói thì nói vậy, nhưng theo nhiều chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận vốn ngân hàng đã khó, huống hồ là tiếp cận vốn lãi suất thấp. Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải là tài sản thế chấp, chưa kể họ ngại ngần vì thủ tục vay ngân hàng luôn không hề đơn giản. Cùng với đó, họ luôn được/bị phía ngân hàng soi rất kỹ. Nếu năng lực tài chính hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo, sức chịu đựng trước biến động kinh tế vĩ mô kém thì các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Cũng đã có nhiều giải pháp để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, nhưng trên thực tế, vẫn “không ăn thua”.

Hỗ trợ doanh nghiệp, rõ ràng không chỉ là chia sẻ và động viên.

H.N