Đồng bào Co không trông chờ, ỷ lại

VĂN PHIN 06/08/2019 13:21

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc Co ở xã miền núi Tam Trà (huyện Núi Thành) chịu khó đầu tư sản xuất – kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Đồng bào dân tộc Co ở xã Tam Trà (Núi Thành) phát triển chăn nuôi. Ảnh: Văn Phin
Đồng bào dân tộc Co ở xã Tam Trà (Núi Thành) phát triển chăn nuôi. Ảnh: Văn Phin
 Ông Trần Văn Anh – người dân tộc Co ở thôn Phú Tân (xã Tam Trà) những năm trước đây sống dựa vào trồng lúa và hoa màu, thu nhập thấp, đời sống bấp bênh, gia đình diện hộ nghèo. Được sự hướng dẫn, vận động, giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương, năm 2015, gia đình ông Anh được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và ông đã dùng số vốn này đầu tư phát quang đất đồi, mua giống cây keo để trồng. Đến nay, gia đình ông trồng được 5ha cây keo và đã cho thu hoạch. Cùng với thu hoạch cây keo và các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, bình quân mỗi năm hộ ông Anh có thu nhập 60 đến 70 triệu đồng. Gia đình ông Anh còn được vay từ nguồn vốn ưu đãi 12 triệu đồng để xây dựng công trình vệ sinh, khoan giếng nước sạch để phục vụ đời sống, sinh hoạt. Ông bộc bạch: “Có được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi động viên nhau chịu khó làm ăn, phát quang đất đồi, trồng keo kết hợp làm lúa nước, chăn nuôi bò, heo, gà… để có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ vậy, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, có tiền nuôi con ăn học và có chút ít của dư dả để dành, tôi rất vui!”.

Cùng với gia đình ông Trần Văn Anh, ở thôn Phú Tân (xã Tam Trà), nhiều hộ đồng bào Co cũng được sự hỗ trợ của Nhà nước đã từng bước vươn lên thoát nghèo, có đời sống ổn định và không ít hộ trở nên khá giả. Có thể kể đến trường hợp gia đình chị Trần Thị Minh. Chị được vay nguồn vốn ưu đãi 50 triệu đồng về trồng 7ha cây keo, qua thời gian chăm sóc, gia đình chị có nguồn thu nhập khá và ổn định. Nhờ vậy, chị có điều kiện nuôi 3 con ăn học đến nơi đến chốn (hiện tại có 1 cháu đang là bác sĩ, 1 cháu đã tốt nghiệp đại học và 1 cháu tốt nghiệp THPT, chuẩn bị vào trường đại học). Còn chị Nguyễn Thị Thu Đồng (cũng ở thôn Phú Tân) vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi về trồng 7ha keo lai, kết hợp mở xưởng gỗ đem lại thu nhập bình quân 60 - 80 triệu đồng/năm. Trường hợp chị Trần Thị Hà (thôn Phú Tân) cũng vay 50 triệu đồng về thành lập cơ sở xay xát gạo tại quê nhà, kết hợp trồng cây keo lai, thu nhập trên dưới 80 triệu đồng/năm; gia đình chị nuôi con ăn học đàng hoàng, hiện có 1 cháu đang theo học đại học y dược. Ở thôn Phú Tứ (xã Tam Trà), nhiều hộ đồng bào Co cũng được vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất – kinh doanh đạt hiệu quả; điển hình là hộ ông Nguyễn Ngọc Thanh vay 30 triệu đồng về làm vườn kết hợp nuôi heo, gà… Đến nay, gia đình ông có mô hình kinh tế vườn đem lại hiệu quả, cho nguồn thu nhập ổn định hàng tháng 4 đến 5 triệu đồng/lao động…

Xã miền núi Tam Trà hiện có 4 thôn, trong đó có 3 thôn có đồng bào dân tộc Co sinh sống với tổng cộng 312 hộ, 1.193 nhân khẩu. Theo điều tra, đến thời điểm cuối năm 2018, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc Co chiếm tỷ lệ 13,46% với 42 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo: 19,55% với 61 hộ. Hầu hết hộ dân đều có ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bà Trần Thị Hà – người dân tộc Co (thôn Phú Tân, Tam Trà) chia sẻ: “Bản thân tôi và các hộ khác làm ăn có hiệu quả, trước hết là nhờ sự quan tâm của Nhà nước, nhưng quan trọng hơn là chúng tôi biết tự chăm lo phát triển kinh tế, vận động người đồng bào mình cùng tự nỗ lực vượt khó, vươn lên, không phải cứ trông chờ ỷ lại vào Đảng và Nhà nước. Mỗi gia đình đều phải tìm cho mình hướng đi đúng để phát triển kinh tế; biết học tập, nâng cao trình độ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả tại các địa phương khác, học tập các gương người tốt, việc tốt trong sản xuất nông – lâm nghiệp để từ đó áp dụng cho bản thân và địa phương mình”.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Tam Trà cho biết, mấy năm gần đây, Nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực về vốn, cây trồng, con vật nuôi, kết hợp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt – chăn nuôi… nên đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay, diện mạo làng quê vùng núi có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư làm ăn, vươn lên khá giàu… ”Chúng tôi tiếp tục phát huy thành quả đạt được, vận động đồng bào dân tộc Co phát huy nội lực tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho bà con trong thời gian đến” - ông Bình nói.

VĂN PHIN