Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho thanh thiếu niên: Đa dạng, linh hoạt
Giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho thanh thiếu niên là việc cần thiết phải thực hiện. Có như vậy, thế hệ tương lai mới nắm vững quy tắc an toàn, hành động đúng đắn nhằm bảo vệ chính mình và người khác.
Những tháng đầu năm 2019, Ban ATGT tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong thanh thiếu niên, với nhiều hình thức đa dạng. Điển hình, “Ngày hội văn hóa giao thông cho trẻ em” không chỉ đơn thuần trao tặng mũ bảo hiểm (MBH), mà còn trang bị kiến thức cho các em về cách tham gia giao thông an toàn, phòng tránh như thế nào cho đúng, đâu là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội… Ban ATGT tỉnh treo hơn 350 panô tuyên truyền tại các cổng trường và trao tặng 861 bộ truyện “Làm quen với luật giao thông” cho tất cả các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ sở giáo dục phát huy hiệu quả giờ học thực hành trên mô hình giáo dục ATGT, được xây dựng ngay trong khuôn viên nhà trường. Hàng ngày, vào giờ đến lớp và tan học, nhà trường cử tổ, đội sao đỏ đứng trước cổng trường để nhắc nhở các bạn đi bộ, đi xe đạp đúng phạm vi quy định…
Với tinh thần xung kích, ngay sau lễ phát động “Tuổi trẻ Quảng Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác” và khởi động “Năm Thanh niên tình nguyện”, Tỉnh đoàn Quảng Nam đã trao tặng 600 lô gô phản quang đảm bảo ATGT mang chủ đề “Yên chặng đường đêm” cho Thành đoàn Tam Kỳ. Hướng đến mục tiêu xây dựng địa phương an toàn, giảm thiểu TNGT về đêm, các đoàn tình nguyện của tuổi trẻ tỉnh nhà đã thi công và bàn giao một số công trình thắp sáng đường quê. Trong đó, xã Phước Mỹ (Phước Sơn) có 2km; xã Trà Đông (Bắc Trà My) 1,6km. Tại Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (Nam Giang), công trình thanh niên “Thắp sáng 1km đường quê bằng năng lượng mặt trời” cũng được lắp đặt. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Xuân Đức cho biết, nhân dịp “Ngày hội đoàn viên công đoàn, thanh niên công nhân” tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Ban tổ chức đã trao tặng 50 MBH đạt chuẩn, cấp đổi 50 giấy phép lái xe, thay nhớt miễn phí và tập huấn lái xe an toàn cho 200 thanh niên là công nhân. Đội hình thanh niên tình nguyện sơ cấp cứu TNGT trên tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh tại Núi Thành, Thăng Bình và Phước Sơn tiếp tục được củng cố.
Nỗi lo chưa dứt
Thời gian qua, nỗ lực từ nhiều phía nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, nâng cao nhận thức chấp hành luật giao thông là điều đáng ghi nhận. Thế nhưng, kết quả đạt chưa như mong muốn do không đồng bộ trong tổ chức thực hiện, sự thờ sơ của một bộ phận làm cha làm mẹ đối với an toàn của con em, nhiều cấp chính quyền địa phương chăm lo phát triển kinh tế hơn là bàn bạc, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, trong số 101 vụ TNGT đường bộ xảy ra 6 tháng đầu năm, độ tuổi từ dưới 27 trở xuống chiếm đến 48 vụ; tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT thừa nhận thực tế, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, nhất là khu vực nông thôn. Cảnh tượng người điều khiển phương tiện sau sử dụng rượu, bia, không đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy đâu cũng có. Đáng báo động, đối tượng vi phạm trật tự ATGT là người trẻ xuất hiện tràn lan. Không được trang bị kiến thức cơ bản nhất để lưu thông an toàn, trẻ em chưa đủ tuổi vẫn được cha mẹ giao xe máy điều khiển. Ngoài tiếp tay để con em mình vi phạm, chuyện nuông chiều này vô tình tạo tâm lý coi thường pháp luật...
Có thể nói, cách hành xử của cha mẹ là tấm gương để con trẻ noi theo, kể cả việc chấp hành luật giao thông. Nhiều phụ huynh chở con nhưng cố tình vượt đèn đỏ, không đội MBH cho con vô tình hình thành ý thức xấu trong con trẻ. Chưa kể nhiều em sau khi được trang bị kiến thức ATGT đã nhắc nhở cha mẹ không vượt đèn đỏ là điều đáng để người lớn suy ngẫm. Quy định người điều khiển, người ngồi trên xe máy điện, kể cả xe đạp điện phải đội MBH đã có từ lâu, song phụ huynh vẫn không mấy quan tâm trang bị, dặn dò con sử dụng đúng. Chính vì vậy, học sinh điều khiển xe đạp điện “nói không” với MBH diễn ra nhức nhối. Thực trạng vừa nêu còn cho thấy khâu giáo dục, phối hợp giáo dục trật tự ATGT ở ghế nhà trường còn lắm nhiêu khê. Việc triển khai chủ yếu bằng lý thuyết, còn thực hành không có cũng không sao. Do cả nể và muốn an phận, có trường không xử phạt tới nơi tới chốn học sinh vi phạm theo quy định, dù cơ quan chức năng đã gửi giấy báo về tận nơi.
Ở địa phương, hàng chục triệu đồng dùng để in giấy cam kết chấp hành pháp luật ATGT giữa chính quyền với hộ gia đình đã bị lãng phí, khi mà khâu hậu kiểm không hề được nhắc đến. Nên cuối năm, gia đình không chấp hành vẫn được cấp “Gia đình văn hóa”, thậm chí “Gia đình văn hóa” tiêu biểu nhiều năm liền. Có thể khẳng định, chính một bộ phận người lớn đang là tấm gương xấu để tuổi trẻ “tuân thủ” bằng chính hành động coi thường pháp luật, chạy theo thành tích trên giấy tờ. Nếu không từng bước chấn chỉnh, đừng hy vọng một môi trường giao thông an toàn bền vững trong hiện tại và cả tương lai.