Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở
Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt trong thời gian qua trên địa bàn huyện Thăng Bình đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
Theo Ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được huyện quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tiến bộ. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn dân cư. Dân chủ trực tiếp được mở rộng.
Tuy nhiên, sự bất cập của một số chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng xấu đến tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dân chủ. Có thể kể đến, đơn giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng hoặc quy định về thu hồi, chuyển đổi mục đích đối với đất lúa, đất sản xuất chưa thỏa đáng. Tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” diễn ra ở không ít nơi khiến người dân phản ứng.
Theo ông Võ Tấn Thuận - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể cần quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn nữa quan điểm chỉ đạo của tỉnh, huyện về quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Người đứng đầu các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc kéo dài. Các tổ chức chính trị - xã hội và Mặt trận cần thực hiện tốt hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận với thông tin mới, nhất là thông tin về các chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, thực hành dân chủ ngày càng sâu rộng hơn trong đời sống xã hội.