"Phục sinh" một dòng sông
Dòng Thu Bồn từ thượng nguồn chảy đến Điện Bàn, tại Vĩnh Điện tách thành hai nhánh. Một nhánh chảy xuống phía nam Hội An, đoạn qua Thanh Hà gọi sông Thanh Hà, ngã rẽ qua Hội An là sông Hoài, ngã qua phía nam Cẩm Nam gọi sông Cẩm Nam. Đây là dòng chính Thu Bồn đổ ra cửa Đại ở biển Đông, cách cửa Đại 15km là cụm đảo Cù Lao Chàm.
Nhánh khác chảy vòng qua phía bắc Hội An. Nhánh sông này nhỏ, chảy qua các xã Điện Dương, Điện Nam, Điện Ngọc đổ vào xã Hòa Quý, Hòa Hải có hình cong cong uốn lượn như cổ con cò nên dân gian gọi sông Cổ Cò. Thời vua Minh Mạng vì sông hẹp và ngoằn ngoèo lắm khúc nên chính quyền huy động sức dân đào rộng ra và uốn dòng cho thẳng nên gọi sông Đào. Việc “phục sinh” sông Cổ Cò có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó kết nối hạ tầng đô thị Đà Nẵng - Hội An và tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực bắc Thu Bồn...
1. Theo Đại Nam nhất thống chí, Lộ Cảnh giang - sông Cổ Cò, nằm vùng cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía bắc, đến phía tây núi Tam Thai (cụm núi Ngũ Hành Sơn) nhập với sông Cẩm Lệ. Thế kỷ XVII, được coi là thời huy hoàng trong quá trình giao thương, buôn bán tại cảng thị Hội An. Các thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa… lúc bấy giờ đi lại Hội An - Đà Nẵng qua sông Cổ Cò, là đường sông huyết mạch nối từ cửa Hàn đến sông Thu Bồn qua phố cổ Hội An, tuyến giao thương tấp nập này gắn liền với sự phồn thịnh ở hai đầu như một nhịp cầu kết nối Hội An - Đà Nẵng.
Từ cuối thế kỷ XIX, sông Cổ Cò bắt đầu bị bồi lấp, nước nông cạn, tàu thuyền không đi lại được. Toàn tuyến sông Cổ Cò từ Đà Nẵng đến Hội An dài hơn 29km, đoạn chảy qua Đà Nẵng hơn 9km, Quảng Nam hơn 19km, chỉ còn lại một vài khúc sông cạn và ngắn. Năm 2003, việc nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động từ việc khảo sát và lập dự án, sau khi chính quyền Đà Nẵng - Quảng Nam thống nhất khơi thông dòng sông này. Sự kết nối hạ tầng đô thị Đà Nẵng - Hội An sẽ đưa dòng sông Cổ Cò trở thành điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc và đẩy mạnh phát triển đô thị, tạo ra những khu đô thị sinh thái thiên nhiên ven sông. Trong mùa lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, có hàng vạn du khách đổ về đây trẩy hội, nơi con sông Cổ Cò huyền thoại bình yên, hiền hòa, thơ mộng bỗng nhiên sôi động theo mùa. Dòng sông uốn lượn, quấn quít bao quanh cụm núi Ngũ Hành Sơn, tạo nên một vùng cảnh quan non nước hữu tình với những hoạt động trở nên sôi nổi như đua thuyền đoạt lệnh, phục dựng cảnh tướng Trần Khắc Chung cứu Huyền Trân công chúa ngày xa lắt, xa lơ…
Trong một thời gian dài, giao thông đường sông giữa Đà Nẵng - Hội An rơi vào bế tắc và sông Cổ Cò bị lãng quên, như Hội An vốn từng là một thương cảng lớn đã lùi vào dĩ vãng, phủ lấp bao lớp rêu xanh trên những mái ngói phố cũ, tường xưa. Con sông mà Đại Sán mô tả là Lộ Cảnh giang, nay là sông Cổ Cò: “Gió thổi hiu hiu, nước xanh leo lẻo; rừng tre thâm thẫm, bãi cát sáng ngời; đã vui mừng gió thuận buồm xuôi, lại hớn hở gần ngày về nước. Tấc lòng khoan khoái, biết lấy chi cân... Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt... Kế lên thuyền, mở neo chưa bao lâu, mặt trời đã về tối. Thuyền do sông nhánh đi đường tắt, nước ròng cạn, bị thuyền lương ngáng đường, quân-nhân nhảy xuống bùn lầy, kéo đẩy không nhúc nhích. Nội-Giám giận đánh lung tung, quân-nhân nỗ lực vác thuyền đẩy đi. Qua canh hai, đến bờ Hội-An (tr. 146-147)”.
Mặc dù vào thời của Đại Sán sông đã có phần bị bồi lấp nhưng nó vẫn còn là một tuyến đường quan trọng nối Đà Nẵng và Hội An. Khi Christoforo Borri hay John Barrow đến, đều nhận ra vai trò quan trọng của sông Cổ Cò trong việc gắn kết Hội An và Đà Nẵng. Điều thú vị là, về mặt lịch sử, Hội An và Đà Nẵng được coi là một. Borri cho biết: “Hội An và Đà Nẵng là hai cửa biển khác nhau nhưng nối liền nhau nên giao thông với nhau dễ dàng, vì thế người Âu châu coi là một hải cảng duy nhất với hai ngã vào và gọi tên chung là hải cảng Quảng Nam (Port de la Province de Cacciam - hải cảng tỉnh Kẻ Chiêm)”. Bản đồ do Le Floch de la Carriere vẽ cho thấy sông Cổ Cò được ghi là Bras du Mer de Touranne a Fayfo - cánh tay nối tiền cảng Đà Nẵng với cảng thị Hội An. Về mặt lịch sử và địa lý, Đà Nẵng và Hội An đã tồn tại trong mối quan hệ vùng.
2. Trong bản Quy hoạch chung TP.Đà Nẵng thực hiện năm 2002 và trong bản Quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050 thực hiện năm 2013, vai trò của tuyến sông Cổ Cò được khẳng định lại và đề cao. Về phía tỉnh Quảng Nam, trong Quy hoạch chung khu đô thị mới Điện Bàn đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng đã ghi nhận vai trò quan trọng của dòng sông. Trong bản đồ định hướng này, tuyến sông cũng rất rõ ràng, thậm chí trong bản đồ khớp nối chi tiết quy hoạch Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, dòng sông được khẳng định rõ, phần đất đã đắp ven hồ sen của những dự án đô thị phải giải tỏa để trả lại mặt nước cho dòng sông. Tuy nhiên, không chỉ xem dự án khơi thông dòng sông Cổ Cò thuần túy như những dự án du lịch sinh thái khác, mà phải coi đây là một cơ hội phát triển vùng đô thị bắc Thu Bồn. Đặt Đà Nẵng và Hội An trong mối quan hệ vùng như nó đã từng có. Lời giải cho bài toán khó này là xây dựng giữa Hội An và Đà Nẵng một nơi vừa hấp thu áp lực phát triển cho Hội An vừa là một động lực kinh tế cho Đà Nẵng nằm trong toàn vùng bắc Thu Bồn và chú ý đến việc đấu nối mở rộng ra các khu vực khác khi phát triển.
Xây dựng một thành phố thông minh - theo tiêu chuẩn tiên tiến, môi trường bền vững, văn hóa - văn minh được chú trọng, nằm giữa hai đô thị Đà Nẵng và Hội An, tạo tác động qua lại, lan tỏa và tạo nên động lực phát triển kinh tế - xã hội chung cho toàn vùng bắc Thu Bồn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quy định quản lý kiểm soát phát triển đều xuất phát từ các nghiên cứu đánh giá tính khả thi và tác động môi trường - giao thông - kinh tế - xã hội. Quy định về quản lý quy hoạch - kiến trúc đều có căn cứ từ các đánh giá khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng. Quyền phát triển đất đai là quyền được tiến hành các hoạt động xây dựng, khai thác cả vùng không gian trên bầu trời, mặt đất và dưới mặt đất.
Trong thực tế quản lý nhà nước, các chức năng quản chế phát triển thông qua hệ thống phê duyệt, cấp phép xây dựng là công năng chính thể hiện tính pháp lý của quy hoạch đô thị, nhằm hạn chế tác động xấu từ hành vi xây dựng của tư nhân, đối với sự nghiệp chung không được tôn trọng thì quy hoạch sẽ bị phá nát. Nên các nhà hoạch định cần tìm và chọn phương án tối ưu, đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để chọn lựa các nhà đầu tư và doanh nghiệp có các nguồn lực dồi dào, bảo đảm hướng đến việc đầu tư bền vững và hài hòa với lợi ích cộng đồng, bảo tồn bản sắc cho không gian khu vực rộng lớn mà dòng sông di sản đi qua, để sông Thu Bồn vẫn luôn bao bọc và mãi mãi mang dòng phù sa bồi đắp cho vùng văn hóa - kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng.