Chung tay giữ lửa ấm êm
Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 năm nay có chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Điều này cũng nhằm hướng đến hạn chế nạn bạo lực gia đình (BLGĐ).
Thí điểm hiệu quả
Những năm qua, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, kế hoạch, chương trình phối hợp triển khai công tác gia đình và phòng chống BLGĐ. Các địa phương đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Gia đình, nhóm phòng chống BLGĐ tại các địa phương để hỗ trợ hòa giải kịp thời những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 314 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và Câu lạc bộ Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình đang hoạt động hiệu quả. Sở VH-TT&DL cũng đã in và phát hành hơn 12.500 cuốn tài liệu truyền thông về “Giáo dục đạo đức, lối sống và phòng chống BLGĐ”, “Sổ tay công tác gia đình”, “Hỏi đáp Luật Bình đẳng giới và xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ”, “Tài liệu thí điểm về giáo dục đời sống gia đình”; 7.000 tờ gấp tuyên truyền về đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng chống BLGĐ; nhân bản 244 bộ đĩa CD về tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng chống BLGĐ...
Từ năm 2011, Sở VH-TT&DL cũng đã triển khai mô hình phòng chống BLGĐ tại 4 xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ), Bình Tú (huyện Thăng Bình), Tiên Lộc (huyện Tiên Phước) và xã Ba (huyện Đông Giang). Thông qua các mô hình điểm này, nhiều vụ bạo lực đã được kịp thời can thiệp, hòa giải. Tại xã Tiên Lộc, sau khi được chọn triển khai thí điểm, mô hình Câu lạc bộ phòng chống BLGĐ tổ chức tại cả 5 thôn với hơn 100 gia đình tham gia. Các câu lạc bộ thành lập Ban chủ nhiệm và các cặp vợ chồng tham gia câu lạc bộ ký cam kết không để xảy ra BLGĐ. Các câu lạc bộ này tổ chức nhiều hoạt động phong phú như tọa đàm, hội thi, phổ biến kiến thức, nói chuyện về giới,… tập trung vào nội dung triển khai Luật Phòng chống BLGĐ nên đã tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực. Ông Đặng Công Dung - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tiên Phước cho biết: “Từ mô hình điểm tại xã Tiên Lộc, đến nay địa phương đã triển khai mô hình ở cả 15 xã, thị trấn. Lâu nay hầu hết người dân nghĩ rằng BLGĐ đơn thuần là chồng đánh vợ, nhưng qua tuyên truyền, hiện nay người dân đã hiểu rõ BLGĐ là hành vi đánh đập, chửi mắng, áp chế của bất cứ thành viên nào khác trong gia đình. Quan trọng hơn là ý thức cùng chung tay xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc”.
Triển khai đồng bộ
Cùng với triển khai điểm, ở nhiều địa phương, các đoàn thể cũng đã linh hoạt triển khai những mô hình phòng chống BLGĐ. Như Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng câu lạc bộ “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình không sinh con thứ 3”, Đoàn Thanh niên với Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng chống HIV/AIDS”, Hội Nông dân với phong trào “Phát triển gia đình bền vững”… Thông qua sinh hoạt, không chỉ đem đến cho các cặp vợ chồng những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích trong đời sống mà còn chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mái ấm gia đình. Đặc biệt, nhiều địa phương như Tiên Phước, Thăng Bình, Đại Lộc, Hội An, Quế Sơn… còn đưa hoạt động triển khai Luật Phòng chống BLGĐ vào tiêu chí bình xét gia đình, thôn, khối phố văn hóa…
Mặc dù đã có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ nhưng BLGĐ vẫn đang là vấn nạn nhức nhối của xã hội, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh xảy ra còn nhiều làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống và gây tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và tình hình an ninh trật tự xã hội. Theo số liệu thống kê giai đoạn 2013 -2018, Quảng Nam có 1.543 vụ BLGĐ, trong đó có 1.282 vụ nạn nhân nữ, 48 vụ trẻ em.
Phòng chống BLGĐ, Quảng Nam còn thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”, chia thành 2 giai đoạn (2012 - 2015 và 2016 - 2025) nhằm truyền tải thông điệp phòng chống BLGĐ đến người dân. Thực hiện đề án, toàn tỉnh đã cấp phát đến 244 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bộ đĩa CD của Bộ VH-TT&DL về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ, các cấp chính quyền cơ sở đã tổ chức hơn 2.911 buổi họp có lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật về phòng chống BLGĐ cho hơn 20.000 lượt người tham dự. Đồng thời tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động ở hơn 53 xã, trong đó ưu tiên trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện miền núi và tổ chức 12 đợt trợ giúp pháp lý dành riêng cho phụ nữ tại các huyện Duy Xuyên, Bắc Trà My, Núi Thành, Điện Bàn... Ngoài ra, thực hiện tư vấn cho 176 nạn nhân BLGĐ, trong đó 104 vụ việc hôn nhân gia đình và 72 vụ việc dân sự.