Những ngày đang khác…
Người ta bắt đầu nói về những đổi thay, khi đói nghèo và lạc hậu đã không còn là nỗi ám ảnh của vùng cao Nam Giang một thuở. Đánh thức động lực, tìm kiếm cơ hội và tự bước đi bằng những tính toán dài hơi hơn, nơi này, đồng bào đang được sống trong những ngày rất khác.
Ngay đến tận bây giờ, Giằng - cái tên cũ của Nam Giang vẫn gợi lên ký ức trong bao người về một thời gian khó. Từng như một “biểu trưng” của cách trở, của những hủ tục, đã có một quãng dài, câu chuyện giảm nghèo như một “bài toán” khó mà địa phương này phải loay hoay tìm lời giải.
Mở lối
Có một người tiên phong, thì sẽ có nhiều người tiếp nối. Câu chuyện ở vùng cao, khởi nguồn từ đặc tính “cố hữu” của đồng bào: ngại thay đổi, chậm thích nghi, chỉ làm theo khi nhìn thấy thành công từ người khác. Thế nên, Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy Nam Giang ra đời, như “phát dọn” một con đường mới để dẫn lối cho những chuyển biến trong tư duy cộng đồng. Cây chuối ở Cần Đôn (xã Chà Vàl) như là một minh chứng. Đã một thời, lao động sản xuất của người địa phương chỉ quanh quẩn nhu cầu tự cung, tự cấp. Mãi đến khi chủ trương hình thành một vùng chuyên canh chuối được triển khai, thứ cây trồng tưởng chừng quá quen thuộc biến thành sản vật để giảm nghèo.
Chủ tịch UBND xã Chà Vàl - ông Tơ Đên Sơn kể, ban đầu, nhiều người còn hoài nghi, không tin mình có thể hết nghèo bằng chuyện… trồng chuối. Bởi trước đây, ở vùng cao, chuối chỉ dùng để ăn và biếu. Nó chỉ có giá trị kinh tế đến khi trở thành hàng hóa. Mà, để làm được điều đó, chính quyền xã, thôn phải nhiều lần vận động, từng bước xóa bỏ nếp nghĩ cũ, mang tư duy sản xuất mới đến với từng hộ, từng nhà. “Bây giờ, không chỉ mở rộng về diện tích, nhiều vùng bà con còn biết cách tìm kiếm thương lái, rành rẽ chuyện buôn bán như nhà nông thực thụ” - ông Sơn nói.
Ngược lên vùng cao những năm sau này, chúng tôi không còn lạ với hình ảnh những sạp hàng đơn sơ bày bán nông sản dọc đường, thêm một sinh kế cho đồng bào. Thói quen sản xuất hàng hóa hình thành từ khởi đầu giản dị như thế. Hiệu ứng cứ thế lan tỏa lặng lẽ sang nhiều vùng khác, từ làng này qua làng kia, từ xã vùng thấp ngược lên biên giới. Nghị quyết 03-NQ/HU không là một điều gì đó xa lạ, bắt đầu bằng chuyển dịch giản đơn mà đầy hiệu quả. Chị Alăng Thị Phiếm (ở thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl) tâm sự, nhiều gia đình, bây giờ trồng hàng trăm gốc chuối, đem lại nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cuộc sống. Không chỉ vậy, đồng bào ở địa phương đã bắt đầu trồng kết hợp với dứa, ớt, gừng và rau rừng trên đất rẫy. “Hồi trước, không dễ gì kiếm ra đồng tiền, do bà con mình chưa quen mua bán. Nên có trồng nhiều cũng chỉ loanh quanh đổi cá thịt, mì chính. Đất rẫy thì làm một năm xong lại phải chờ vài năm tiếp theo mới canh tác lại. Từ khi được hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, nhiều nhà tận dụng đất rẫy để gieo ươm thêm keo giống, trồng cao su, bên cạnh trồng chuối trong vườn. Thứ gì cũng có thể bán, dần tích lũy để trả nợ, nuôi con cái ăn học” - chị Phiếm chia sẻ.
Năm ngoái, lần đầu tiên nông sản của bà con vùng cao được đưa đến hội chợ trong sự kiện Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi lần thứ 19. Ở các gian hàng, ngoài trưng bày thổ cẩm, vật dụng đan lát, ẩm thực truyền thống, đã xuất hiện đủ đầy sản vật đặc trưng của vùng. Khá nhiều du khách bày tỏ sự thích thú với những loại rau củ quả do chính bà con tự trồng. Chưa cần nhìn vào những con số tổng kết, chỉ chừng đó thôi, cũng đã thấy một “cuộc cách mạng” trong cách nghĩ, cách làm của đồng bào. Đã có muôn vàn lối đi khác được mở, thoát khỏi vòng luẩn quẩn tăm tối của một thời.
Khơi những mạch ngầm
Ông Chơrum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang nói với chúng tôi, rằng trước đây việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi vừa chậm, vừa lúng túng, vừa kém hiệu quả, chưa có sự chuyển biến rõ nét trong việc khai thác, đầu tư và sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn. Giải pháp đặt ra, bên cạnh nhân rộng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, khoanh nuôi bảo vệ các loại cây trồng đặc sản bản địa, gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện chủ động rà soát quỹ đất, đất sản xuất của từng địa phương, tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng xã, quyết không để đất hoang hóa.
Các xã, thị trấn đã xúc tiến phát triển nhanh, mạnh các mô hình kinh tế hộ, kinh tế vườn, kinh tế trang trại để hình thành các mô hình kinh tế tổng hợp theo hướng VACR (vườn - ao - chuồng - rừng), tạo ra các sản phẩm sản xuất và chăn nuôi, vận động bà con mạnh dạn thay đổi tư duy, nghĩ khác, làm khác. “Lợi thế về đất đai, lao động, công sức và nguồn vốn là có, vấn đề ở chỗ phải đánh thức được và tạo cơ hội phát triển tương xứng. Nghị quyết “3 cây, 3 con” chỉ là một trong rất nhiều quyết sách quan trọng mà địa phương đã đặt ra vì mục tiêu đó. Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung, Đảng bộ huyện đề ra từng nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, gắn với thực tiễn. Từng mô hình, cách làm hay, hiệu quả sẽ là tiền đề để nhân rộng sang nhiều địa phương khác, tạo bước đột phá từ những thay đổi nhỏ nhất” - ông Nhiên nói.
Những cố gắng không mệt mỏi và sự chỉ đạo đồng hành của Đảng, chính quyền giúp Nghị quyết 03 dần đi vào cuộc sống, chuyển hóa chủ trương thành hành động cụ thể. Chúng tôi còn nhớ, ở xã biên giới La Êê, chính quyền từng thực hiện một cuộc vận động khá “lạ”, là kêu gọi bà con… làm chuồng trại cho gia súc. Chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt và hiển nhiên ở đồng bằng, hóa ra lại mang đến hiệu quả không ngờ. Bởi, ở vùng cao thói quen chăn thả gia súc không chỉ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, làm trâu bò, heo chết vì lạnh vào mùa đông, mà còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có ở làng khi gia súc phá hoại hoa màu.
Lời giải chỉ đơn giản là thay đổi tập quán, chuyển sang chăn nuôi tập trung. Thành công của mô hình ngay lập tức trở thành bài học quý báu cho các địa phương lân cận, như một bước ngoặc đến từ công tác dân vận. Ông Lalim Hậu - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Giang kể, bây giờ ở vùng cao, đồng bào đã bắt đầu ưu tiên làm chuồng trại trước khi có ý định mua trâu bò về nuôi, phát triển kinh tế. “Như một hiệu ứng kép, mô hình phát triển kinh tế được gắn với công tác bảo vệ môi trường, vừa tạo bước chuyển trong nhận thức của đồng bào, vừa góp nên màu xanh mới nơi những ngôi làng vùng cao” - ông Hậu chia sẻ.
Nơi núi rừng xanh thẳm, một diện mạo mới đang dần hiện hữu. Bao khốn khó ngày cũ, cứ thế trôi xa theo dòng chảy mưa nguồn. Đổi lấy, là khát vọng, là những đổi thay ở vùng đất anh hùng đang từng ngày đổi khác.