Cần thiết xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm ở Hội An
(QNO) - Hội An nằm ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn nên mức độ thiệt hại mỗi khi có lũ lụt cũng nhiều hơn địa phương khác. Vì vậy, Hội An đang rất cần hệ thống cảnh báo lũ sớm để người dân chủ động phòng tránh lũ.
Trận lũ lụt cuối năm 2017, nhiều người dân trong khu vực phố cổ Hội An phải di tản đi nơi khác. Ảnh: L.X.T |
Từng có hệ thống tương tự
Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, giai đoạn 2016 - 2017, TP.Hội An được Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai tỉnh phối hợp với Trung tâm Thông tin di động khu vực 3 - Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam triển khai dự án “Tăng cường thông tin, nhắn tin cảnh báo thiên tai” với kinh phí hơn 700 triệu đồng. Theo đó, số liệu được cập nhật từ các trạm đo tại các hồ thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn được phân tích dự báo rồi nhắn tin đến Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai TP.Hội An và UBND các xã phường trên địa bàn.
“Tuy nhiên, dự án chỉ mới được triển khai khoảng 1 năm thì dừng do hết kinh phí. Đồng thời, nội dung tin nhắn cảnh báo lúc bấy giờ cũng chưa sát với tình hình thực tế do số lượng các trạm đo còn thưa thớt, số liệu cập nhật chưa chính xác. Thế nhưng, đã có hiệu quả ban đầu từ dự án mang lại, người dân được cảnh báo sớm và chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn mỗi khi có lũ lụt” - ông Tường khẳng định.
Dự án nhắn tin cảnh báo lũ sớm đã từng được triển khai áp dụng ở Hội An và phát huy hiệu quả. Ảnh: L.X.T |
Cũng theo ông Tường, cuối tháng 10.2018, Hội thảo Khởi động dự án hệ thống cảnh báo và dự báo lũ sớm lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được tổ chức; Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An - Quảng Nam được triển khai. Dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Theo đó, hội thảo bàn đến việc tăng cường một số trạm thu thập dữ liệu mưa, đo dòng chảy; xây dựng bản đồ ngập lụt mới cho vùng hạ lưu sông; xây dựng hệ thống cảnh báo về thiên tai, bão lũ bằng hình thức nhắn tin đến chính quyền địa phương, các cơ quan phòng chống thiên tai và các thôn, khối phố trưởng,…
Cần mở rộng thêm dự án
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, địa phương rất kỳ vọng vào các dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai tại Hội An. Hiện tại, dự án đang ở quá trình thu thập dữ liệu, cập nhật và xây dựng bản đồ ngập lũ mới nhất, bản đồ ngập lụt cũ được lập năm 2007 đã không còn phù hợp với thực tế.
Ngoài chính quyền địa phương thì người dân cũng cần nhận được tin nhắn cảnh báo lũ sớm khi hệ thống phát thanh bị hạn chế. Ảnh: L.X.T |
Ông Hùng cho biết, việc nhắn tin cảnh báo lũ sớm là rất cần thiết đối với một địa phương dễ bị ngập úng như TP.Hội An. Ngoài việc dựa trên số liệu từ các trạm đo ở các hồ thủy điện và lưu vực các sông như trước đây, dự án cũng cần cho Hội An tham gia bổ sung thông tin dữ liệu tại chỗ. Cụ thể là các số liệu về hướng - sức gió và mực nước dâng của thủy triều tại lưu vực các sông và cửa biển trên địa bàn TP.Hội An. Bởi đây là những số liệu quan trọng không kém so với dữ liệu từ các trạm đo có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình lũ lụt tại địa phương.
“Ngoài ra, nếu có nguồn lực, chúng tôi cũng đề xuất mở rộng đối tượng nhận được tin nhắn cảnh báo lũ sớm từ hệ thống. Không chỉ có chính quyền các cấp từ thành phố đến thôn nữa mà còn nhắn đến các tổ dân phố, thậm chí là người dân và du khách nằm trong vùng phủ sóng. Điều này là cần thiết vì lúc xảy ra lũ lụt, thiên tai thì hệ thống loa phát thanh cũng bị hạn chế. Đồng thời, ngoài việc nhắn tin thì dự án cũng có thể lập một phần mềm sử dụng trên điện thoại thông minh có khả năng định vị địa điểm của người dùng và cung cấp thông tin kịp thời cũng như dự báo tình hình lũ lụt trong thời gian tới. Như vậy, việc phát huy hiệu quả của hệ thống cảnh báo lũ sớm ở Hội An mới được rộng rãi và thiết thực” - ông Hùng nói.
PHAN VINH