Phát triển ngành cơ khí và cơ giới hóa nông nghiệp: Sẽ huy động mọi thành phần kinh tế
Là địa phương có lợi thế về phát triển ngành nông lâm thủy sản, song ngành cơ khí nông nghiệp ở Quảng Nam lại chậm phát triển, quy mô đầu tư nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra đơn điệu và thiếu sức cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.
Các doanh nghiệp cơ khí vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, vì vậy chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các nhà lắp ráp. Ảnh: Đ.H |
Thiếu nguồn lực đầu tư
Thời kỳ bao cấp, ngành cơ khí ở Quảng Nam được xem là chủ lực, chuyên cung cấp công cụ, tư liệu sản xuất cũng như tạo năng suất cho hầu hết lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng ở địa phương. Các sản phẩm cơ khí nông nghiệp như: chế tạo máy nông cụ, máy động lực nhỏ, xe cải tiến, dụng cụ sản xuất nông sản… đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt tiêu dùng của người dân. Hầu như, địa phương nào cũng đều thành lập HTX cơ khí chuyên sản xuất, sửa chữa các máy móc, thiết bị và sản xuất hàng tiêu dùng cho bà con nông dân. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường thì ngành cơ khí đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư công nghệ và thị trường tiêu thụ. Các HTX, các cơ sở sản xuất cơ khí không đủ mạnh để cạnh tranh gay gắt với nhiều sản phẩm cơ khí, máy móc của nước ngoài nhập vào, lấn áp thị trường; buộc các HTX sản xuất cơ khí, trong đó, ngành cơ khí nông nghiệp đành phải co cụm, sản xuất cầm chừng, bế tắc.
Trong những năm gần đây, ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh đang được khôi phục và phát triển mạnh. Theo số liệu khảo sát mới đây cho thấy, toàn tỉnh có 1.165 cơ sở sản xuất kinh doanh cơ khí; trong đó có 71 doanh nghiệp (có khoảng 30 doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp) và 1.094 cơ sở hộ cá thể. Phần lớn cơ sở cơ khí phát triển tập trung ở huyện đồng bằng như Duy Xuyên, Ðại Lộc, Ðiện Bàn, Núi Thành... chuyên gia công, sửa chữa các loại máy nông nghiệp, cơ khí xây dựng, cơ khí chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng... Mặc dù có những bước phát triển nhất định nhưng nhìn chung ngành cơ khí nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ lạc hậu, sản phẩm đơn điệu, chưa hình thành được nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Trong khi đó nhu cầu về các sản phẩm cơ khí, nhất là nhóm sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng, tiềm năng về thị trường là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về các máy nông cụ như máy gặt, máy cày, máy bừa, máy chế biến nông sản, máy sấy, nghiền… đang đòi hỏi số lượng rất lớn.
Tạo dựng “đầu tàu”
Được xem là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam, hiện Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã bắt đầu theo đuổi mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, mà cơ khí nông nghiệp là một lựa chọn. Lý giải cho việc “lấn sân” sang cơ khí nông nghiệp, theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco, là do nền nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, theo hướng công nghiệp hóa và tăng mức độ cơ giới trong sản xuất. Dù nói là lấn sân sang lĩnh vực mới nhưng trên thực tế, mảng cơ khí nông nghiệp này vẫn nằm trong cốt lõi ngành cơ khí của Thaco. Mục tiêu Thaco đặt ra là từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, nâng cao hàm lượng công nghệ, tạo ra các sản phẩm máy kéo có chất lượng cao, phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác từng vùng miền tại Việt Nam. Để triển khai chiến lược phát triển trong những năm đến, Thaco đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất máy nông nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai với công suất thiết kế 2.000 máy kéo, 1.000 máy gặt đập liên hợp và 3.000 bộ thiết bị canh tác/năm. Không dừng lại, mới đây Thaco đã khởi công các dự án, gồm Khu công nghiệp (KCN) nông - lâm nghiệp và KCN cơ khí và ô tô Thaco - Chu Lai mở rộng. Đây được xem là sự đầu tư hết sức chiến lược, kết hợp phát triển đa ngành giữa ngành công nghiệp cơ khí ô tô và nông nghiệp; trên cơ sở phát triển cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng, cơ khí thiết bị công nghiệp dựa trên nền tảng cơ khí ô tô, hướng đến sự hình thành trung tâm cơ khí đa dụng tập trung có quy mô lớn của khu vực miền Trung. Thaco ở Khu kinh tế mở Chu Lại đang được xem là con sếu đầu đàn, dẫn dắt, tạo động lực cho kinh tế vùng phát triển.
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cơ khí được xem là nền tảng, động lực chính để thúc đẩy cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp CNHT ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh có số lượng ít và không tập trung. Về năng lực công nghệ, ngoại trừ số ít doanh nghiệp cơ khí tại các KCN, Khu kinh tế mở Chu Lai được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, còn lại đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí trong tỉnh vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, vì vậy chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư, chủ yếu dừng lại gia công kết cấu thép, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
“Trong những năm đến, Quảng Nam sẽ tập trung ưu tiên đầu tư phát triển ngành CNHT ngành cơ khí. Trong đó, sẽ huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển CNHT ngành cơ khí, khuyến khích phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao năng lực sản xuất; chủ động liên doanh, liên kết để trở thành nhà cung cấp chi tiết sản phẩm, là mắc xích trong phân công sản xuất, phân phối sản phẩm, giảm thiểu gia công cơ khí đơn thuần” - ông Thử nhấn mạnh.
ĐẶNG HÙNG