Biến rác thành sản phẩm trang trí
Từ khúc gỗ trôi dạt trên biển, mảnh lưới rách hay đơn giản là đôi dép nhựa dạt trên bãi cát được tìm thấy, qua đôi tay tài hoa của anh Hồ Công Thắng (31 tuổi, thôn An Bàng, phường Cẩm An, Hội An) bỗng trở thành những sản phẩm trang trí độc đáo, mang lại thu nhập cao.
Độc đáo
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Thắng đã nhận ra niềm đam mê chế tác đồ phế thải và thường xuyên dành hàng giờ đồng hồ ngồi tỉ mỉ sáng tạo những vật liệu bỏ đi của gia đình, biến chúng thành những vật dụng hữu ích. Trở về Quảng Nam sau 3 năm xuất khẩu lao động ở Nhật, anh quyết định chọn Hội An làm điểm dừng chân khi nhận thấy đây là một thị trường đông khách du lịch phù hợp với những sản phẩm mỹ nghệ chế tác mà mình sẽ phát triển. Từ đó cửa hàng Art Garden Decor ra đời. Dù gặp nhiều trở ngại ban đầu do chưa từng qua các lớp đào tạo hay học nghề (thiết kế, mộc, mài, tiện...) anh Thắng vẫn mua máy về tự học.
Đến tham quan khu vực nhà xưởng của anh không khác gì lạc vào một vựa thu gom ve chai với đủ các loại phế liệu, từ bóng đèn, chai lọ, thùng sắt đến máy may bị hỏng, khung xe đạp cũ… được anh thu nhặt mang về chất thành đống. Với những chiếc lọ, anh mài bóng, sơn màu tận dụng làm chậu trồng cây; miếng ván cửa bỏ đi anh cắt thành nhiều con cá gỗ màu sắc bắt mắt, hay thiết kế bộ bàn ghế phá cách cho quán cà phê từ vài chiếc thùng sắt đã hoen rỉ. Đến nay, sản phẩm anh Thắng làm ra rất đa dạng, có thể kể đến như kệ tủ, vật dụng trang trí… chỉ cần khách hàng chia sẻ ý tưởng, anh sẽ phác thảo mô hình và thi công. Đặc biệt, sản phẩm cá ngựa gỗ do anh thiết kế hơn một năm trước đã tạo hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội, hiện số lượng đặt hàng tăng nhanh đến vài ngàn con. Dù vậy, mỗi sản phẩm anh đều chăm chút, tỉ mỉ vẽ thủ công, nên dù hình dáng giống nhau nhưng chi tiết đều có sự khác biệt để trở thành duy nhất. Bởi theo anh, trong nghệ thuật trang trí, nếu sản xuất theo kiểu công nghiệp rập khuôn sẽ giết chết sự sáng tạo. “Nếu biết tận dụng, tái chế và tạo ra một vòng đời luân chuyển mới cho rác thì rác cũng chính là tài nguyên” - anh Thắng chia sẻ.
Làm giàu từ rác
Khởi nghiệp “xanh” đang là xu hướng tích cực và bền vững khi tạo ra các sản phẩm bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng. Hiện tại, xưởng tái chế rác của anh Thắng luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất để hoàn thành đơn đặt hàng từ nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Phan Rang, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh... Doanh thu cửa hàng ổn định ở mức 100 triệu đồng/tháng. Không chỉ khởi nghiệp cho riêng mình, anh Thắng luôn mong muốn tạo nên giá trị có ích cho cộng đồng. Anh đang liên hệ với các trung tâm bảo trợ xã hội cùng phối hợp sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng nhằm tạo công ăn việc làm cho người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ sinh sống tại đây.
Qua những sản phẩm của mình, anh Thắng mong muốn cộng đồng cùng chung tay góp sức, tận dụng rác tái chế, nâng cao nhận thức về ô nhiễm rác thải nhựa đối với đại dương và các sinh vật biển. “Lợi nhuận rất quan trọng nhưng có những giá trị còn quan trọng hơn rất nhiều, nhất là các dự án vì mục đích cộng đồng, chúng tôi đặt giá trị cộng đồng lên trên giá trị kinh tế” - anh Thắng nói.
Bên cạnh đó, anh Thắng cũng tích cực đồng hành cùng các nhóm hành động vì môi trường, thi công những sản phẩm trưng bày mang ý nghĩa tuyên truyền. Hiện tại, mô hình cá bống Goby được làm từ khung sắt và lưới đánh cá đã được lắp đặt tại bãi biển An Bàng để người dân và du khách có thể bỏ rác thải nhựa vào trong miệng cá. Với hiệu ứng lan tỏa từ mô hình này, anh đang cùng tổ chức Globe Aware tiếp tục lên kế hoạch thực hiện mô hình cá bống Goby tiếp theo đặt tại biển Cửa Đại trong tháng 7. Mới đây, anh cùng các thành viên nhóm Mekong Aholics cũng đã thi công, lắp đặt con rùa khổng lồ tại Bãi Ông (Cù Lao Chàm). Đây là ý tưởng đạt giải Nhất giải thưởng nghệ thuật Tái chế đã được UNESCO và Quỹ Coca-Cola tài trợ. Sau khi thiết kế phần khung sườn, anh sử dụng lưới đánh cá, dây neo tàu, bao sợi đay nhặt được trên bãi biển, làm phần thân cho con rối tương đối bắt mắt và tạo nên hình ảnh thân thiện, lan tỏa hiệu ứng tích cực đến người dân và du khách. Không qua trường lớp đào tạo nhưng bằng niềm say mê và óc sáng tạo, anh Hồ Công Thắng tạo ra những sản phẩm tái chế sinh động và đầy hữu ích từ rác thải, góp phần vào mục tiêu làm cho môi trường xanh, sạch hơn.