Chấn chỉnh bất cập trong quản lý rác thải

TRẦN NGUYỄN 30/07/2019 10:48

Một số vùng nông thôn chưa xử lý tốt khâu thu gom rác thải do ngân sách địa phương eo hẹp và quản lý chưa thống nhất.

Do một số địa phương ngân sách eo hẹp nên chưa xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng rác thải. Ảnh: T.N
Do một số địa phương ngân sách eo hẹp nên chưa xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng rác thải. Ảnh: T.N

Cuối năm ngoái, xã Duy Hải (Duy Xuyên) nổi lên như “điểm đen” ô nhiễm rác thải, bởi suốt nhiều tuần liền rác ngập tràn khu dân cư nhưng chưa được vận chuyển đến các bãi xử lý. Nguyên nhân chính là xã này nợ tiền thu gom rác thải với Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam. Không riêng ở Duy Hải mà một số xã ven biển, đồng bằng khác trong tỉnh cũng có thời điểm rác thải ứ đọng liên tục trong suốt thời gian dài, do địa phương chậm thanh toán tiền xử lý rác với đơn vị tổ chức thu gom, vận chuyển. Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết, hiện các địa phương nợ tiền thu gom, xử lý rác thải lên đến 10 tỷ đồng

Còn theo Sở TN&MT, giai đoạn 2013 - 2018, tổng kinh phí thực hiện đề án quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn của tỉnh hơn 26 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ và nguồn ngân sách cấp huyện. Tỉnh hỗ trợ từ ngân sách mỗi xã điểm 20 triệu đồng, các xã còn lại 15 triệu đồng/xã để tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động người dân tham gia đề án quản lý, thu gom rác thải trên địa bàn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, địa phương nào triển khai công tác xã hội hóa nguồn thu phí rác thải tốt, thì địa phương đó thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường nông thôn rất tốt và ngược lại.

Bất cập ở hầu hết địa phương trong tỉnh là công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR) chủ yếu bằng hình thức chôn lấp. Mức thu phí vệ sinh hiện nay còn rất thấp nên chỉ bù đắp một phần chi phí thu gom, vận chuyển. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân thông tin, lượng CTR sinh hoạt phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38 nghìn tấn/ngày và tại khu vực nông thôn vào khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85%; khu vực nông thôn trung bình đạt khoảng 40 - 55%.

Trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt CTR sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã). Việc đầu tư các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ được thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn. Thậm chí, kể cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh vẫn xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp. Bộ TN&MT đề xuất, cần có chế tài mạnh như đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm, không chỉ định các công ty môi trường xử lý rác mà cần xã hội hóa công tác xử lý rác.

Liên quan đến CTR, ngày 3.2.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09, trong đó giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR trên cả nước; giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

TRẦN NGUYỄN