"Biểu tượng ì ạch"

N.H.Q 30/07/2019 10:11

Trên đường đi làm về, tôi thường đưa cái nhìn như theo dõi vào khuôn viên khách sạn Tam Kỳ, nơi được xem là mặt tiền đắt địa của thành phố, nhưng đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Và trên đường về quê biển Tam Tiến (Núi Thành) cũng vậy, tôi lại có thói quen theo dõi công trình trụ sở Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung, được khởi công xây dựng cách đây nhiều năm cũng rơi vào tình trạng dở dang...

Hẳn bạn cũng bắt gặp như tôi những công trình nham nhở, dở dang, hoang hóa... ở đâu đó mà giờ đây đã không còn lạ mắt nữa. Cách đây chưa lâu, công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại được dư luận xới lên với nhiều con số kỷ lục về đội vốn, chậm tiến độ và nhiều người còn chua chát rằng đây là “biểu tượng” của sự ì ạch. Khi nhìn vào những “biểu tượng” ấy, tôi tự nhủ chắc đã có một lý do đặc biệt nào đó mới bế tắc như vậy? Một nơi lưu dấu hành trình phát triển của TP.Tam Kỳ, lại được nhiều người biết đến và từng một thời kinh doanh nhộn nhịp như khách sạn Tam Kỳ, dù ai là chủ đi nữa thì cũng lấy làm xót xa khi nhiều năm bị bỏ hoang. Hay một công trình thiết kế kiểu nửa trụ sở, nửa khu du lịch án ngữ mặt tiền ven biển như Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung với mục tiêu “đa năng” từ đầu, vì lý do gì đã bị cầm chừng trong một thời gian dài? Còn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thì thậm chí tôi không với tới lý do nào, “biểu tượng” ấy chỉ còn là sự ngạc nhiên về sự tắc trách... Có thể có những lý do đặc biệt nào đó đã “giúp” các công trình ì ạch sống lây lất qua nhiều năm, nhưng sự trơ trọi của nó thì đã tạo ra xúc cảm về sự bất lực.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên chấp nhận những “biểu tượng” về sự ì ạch ấy như thế nào? Đó là mặt trái của quá trình phát triển không thể chối bỏ? Là khả năng quản lý xã hội còn hạn chế trong khi thực tiễn đòi hỏi quá cao? Là khát vọng tạo ra những điều kiện tốt nhất cho xã hội nhưng trục trặc bất ngờ? Còn gì nữa, liệu có lý do nào không trong sáng như kiểu đó là “sản phẩm đặc trưng” của tình trạng chạy dự án đang diễn ra lâu nay nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả? Hay đó là tình trạng toan tính vội vàng, là lợi ích chỉ một số ít người nhìn thấy rồi vẽ vời ra để hứng vốn, hiện vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời? Và hậu quả của nó là gì, người dân sẽ dần quen mắt với những ngổn ngang của nhiều công trình, dự án; sẽ quen tai nghe những lời hứa hão về tiến độ; sẽ mất dần niềm tin về sự minh bạch, nghiêm túc của những dự án có vốn từ ngân sách vẫn thường được kêu ca rằng rất hạn chế và luôn cân nhắc.

Xã hội đang đặt ra mục tiêu phát triển năng động và người dân đã nhìn thấy sự năng động đó qua tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng, dịch vụ. Chính vì vậy, “biểu tượng” của sự ì ạch đã trở thành những cái gai trong mắt góp phần triệt tiêu các động lực phát triển!

N.H.Q