Châu Âu gồng mình vì nắng nóng khắc nghiệt

QUỐC HƯNG 04/07/2019 15:14

(QNO) - Đợt nắng nóng bất thường đang thiêu đốt nhiều vùng ở châu Âu, dự báo kéo dài trong nhiều ngày tới.

Mặt trời lặn hiện lên màu cam đỏ - dấu hiệu nắng nóng khủng khiếp tại châu Âu. Ảnh: physics
Mặt trời lặn hiện lên màu cam đỏ - dấu hiệu nắng nóng khủng khiếp tại châu Âu. Ảnh: physics

Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời hiện lên màu cam đỏ kỳ lạ. Đó là dấu hiệu cảnh báo thời tiết nắng nóng gay gắt tại nhiều quốc gia châu Âu. Bà Silvia Laplana - nhà khí tượng học còn cảnh báo rằng “địa ngục sắp đến” với khu vực này.

Nắng nóng đến sớm hơn với nhiệt độ rất cao như trong những ngày này là điều chưa từng xảy ra vào tháng 6 tại châu Âu. Vấn đề gia tăng nhiệt độ cực đoan, xảy ra thường xuyên hơn đúng như dự báo của khoa học khí hậu, là do hậu quả của sự nóng lên toàn cầu.

Một nửa lãnh thổ Pháp đang được đặt trong tình trạng báo động khi nhiệt độ lên hơn 40 độ C phủ khắp. Trên đường phố Paris, các tổ chức từ thiện khẩn trương cung cấp nước cho người vô gia cư, trong khi chính quyền địa phương dành những nơi công cộng có máy lạnh để mọi người trú ẩn, tránh nóng.

Các hồ bơi công cộng và công viên tại thủ đô Paris sẽ mở cửa suốt ngày đêm giúp người dân giải nhiệt. Bộ trưởng Giáo dục Pháp - Jean-Michel Blanquer vừa thông báo dời thời gian của các kỳ thi tốt nghiệp quốc gia từ tuần này sang tuần sau vì nắng nóng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

Pháp lắp đặt một hệ thống cảnh báo nhiệt sau một đợt nắng nóng kéo dài vào tháng 8.2003, khi đó gây ra 15.000 cái chết liên quan đến nhiệt độ tăng cao.

Ở Đức, nhiệt độ hơn 40 độ C xảy ra trên diện rộng, phá vỡ kỷ lục 38,2 độ C được thiết lập tại Frankfurt năm 1947. Các dịch vụ cứu hộ kêu gọi mọi người cảnh giác với trẻ nhỏ, người già, người bệnh rất dễ bị tổn thương, thậm chí tử vong do sốc nhiệt.

Bang Brandenburg nói rằng nguy cơ cháy rừng là ở mức cao nhất trong những ngày tới. Ngoài ra, nắng nóng dẫn đến chất lượng không khí kém, một phần do khí thải từ xe hơi.

Nhiều người giải nhiệt tại hồ bơi công cộng ở Paris, Pháp. Ảnh:thelocal
Nhiều người giải nhiệt tại hồ bơi công cộng ở Paris, Pháp. Ảnh:thelocal

Trong khi đó, nhiệt độ có thể vượt quá 40 độ C bao phủ Tây Ban Nha đến Thụy Sĩ trong những ngày tới. Ở Tây Ban Nha, cơ quan thời tiết Aemet dự đoán nhiệt độ hơn 35 độ C ở nhiều vùng và hơn 40 độ C tại các trung tâm thành phố; 42 độ C ở các thung lũng Ebro, Tajo, Guadiana và Guadalquivir.

Chính quyền các nước kêu gọi trẻ em và người già nên ở trong nhà cũng như đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng chống mất nước và say nắng, tránh nhiệt độ cực cao và bức xạ tia cực tím.

Các chuyên gia cảnh báo người dân tại các vùng nắng nóng châu Âu tránh ở ngoài trời trong thời gian dài từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều khi không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó sử dụng kem chống nắng, kính râm và mũ chống nắng ngay cả trong bóng râm. Các nhóm bảo vệ động vật cũng cảnh báo chủ vật nuôi tránh để chó hoặc mèo trong xe hơi không có người trông coi.

Hiệp định Paris 2015 đề ra mục tiêu kiềm giữ mức tăng nhiệt độ trên trái đất dưới 2 độ C, và nếu được thì dưới 1,5 độ C, để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu như nóng bức, hạn hán, bão lụt, nước biển dâng cao... Trong đó, Liên minh châu Âu cam kết cắt giảm lượng khí thải các-bon xuống 40% dưới mức năm 1990 vào năm 2030.

Nhưng theo các kịch bản của Cục Khí tượng Pháp, nhiệt độ trên hành tinh có thể tăng thêm 2 độ C vào giai đoạn 2071 - 2100, thậm chí có thể tăng 4 độ C. Các đợt nóng sẽ gia tăng ngay từ năm 2021 và sẽ nhiều gấp 2 đến 3 lần từ đây cho đến giữa thế kỷ 21.

QUỐC HƯNG