Khi niềm tin bị lợi dụng
Vụ Công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam (sau đây gọi tắt là Asanzo) và thủ thuật xóa dấu vết “made in China”, gắn tem “xuất xứ Việt Nam” lên các mặt hàng điện tử trong loạt bài điều tra của báo Tuổi Trẻ lại một lần nữa chà xát lòng tin của người tiêu dùng trong nước.
Hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt, không phải mới. Người tiêu dùng vẫn chưa quên vụ KhaiSilk hô biến các sản phẩm lụa Trung Quốc thành tơ lụa Việt hay hàng nông sản Đà Lạt được hô biến bởi hàng Trung Quốc tuồn về. Mỗi khi có thêm một vụ bị phanh phui, thì niềm tin của người Việt vào hàng Việt lại thêm phần lung lay. Những nỗ lực của cuộc vận động 10 năm qua, về phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, càng bị đẩy vào khó khăn hơn, trong cuộc chiến không cân sức giành lại niềm tin của người tiêu dùng nội địa.
Phân khúc hàng của Asanzo chủ yếu hướng đến đối tượng trung lưu, người có thu nhập thấp, người tiêu dùng ở các vùng nông thôn vì giá thành rẻ. Và khi chiến lược truyền thông được chuẩn bị một cách tinh vi, đánh vào việc lợi dụng niềm tự hào dân tộc, thì rất nhiều đơn vị truyền thông cũng bị lợi dụng, trở thành con tin tiếp tay cho việc kinh doanh bất chính của Asanzo.
Năm 2017, khi Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cấp chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” cho Công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam; như bảo chứng thêm để sự lừa lọc có cơ hội tung hoành. Và ngày 22.6.2019, sau khi loạt bài trên báo Tuổi Trẻ khởi đăng, Hội đã ra thông cáo tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo. Nhưng, điều đó là bất khả, để người tiêu dùng có thể nói “đây chỉ là tai nạn, tôi không nghi ngờ gì”, ít nhất là cho đến khi mọi sự được đưa ra ánh sáng.
Như một sự chuẩn bị sẵn, khi ông chủ Asanzo trả lời hàng của công ty là “xuất xứ Việt Nam” chứ có ghi “made in Viet Nam” đâu. Cho nên sẽ còn rất nhiều việc mà các cơ quan liên quan phải làm, để có thể buộc tội doanh nghiệp, điều tra chứng minh các hành vi vi phạm pháp luật sau những “chỉ dẫn” từ báo Tuổi Trẻ.
Những bài viết PR doanh nghiệp, quảng cáo, cả những giảng dạy đạo lý, truyền cảm hứng khởi nghiệp từ ông chủ Asanzo, những ngày qua, lần lượt được gỡ xuống. Nó là nỗi đau và cũng là bài học đắt giá về trách nhiệm xã hội của những người làm truyền thông. Bởi, không chỉ có một Asanzo.
Đếm “tuổi đời” của Asanzo: 5 năm từ khi thành lập và đăng đàn chiếm lĩnh thị trường. Quá non trẻ cho chặng đường thường thấy để một doanh nghiệp có “số má” trên thương trường. Nhưng khi Asanzo “gài bom” khắp nơi, từ các cơ quan của bộ ngành ở trung ương đến địa phương, chẳng ai mảy may đặt một dấu hỏi cho sự nghi ngờ hay hỏi lại cho rõ? Thậm chí, nhãn hiệu này còn được quảng cáo dưới danh nghĩa đồng tài trợ cho một sự kiện cộng đồng thu hút đông đảo người dân và chính quyền tham gia. Người tiêu dùng ở phân khúc mà Asanzo hướng đến, liệu mấy người đủ thông thái lựa chọn trước những quảng cáo vô cùng êm tai, bắt mắt, giá cả hợp túi tiền. Phải chăng, kẽ hở của Luật Quảng cáo đã bị lợi dụng tối đa?
Nằm trong hệ thống các cửa hàng điện máy, siêu thị điện máy nội thất Chợ Lớn và siêu thị Điện máy xanh tại Tam Kỳ cũng đã bắt đầu ngưng kinh doanh hàng của Asanzo. Là nên. Nhưng cũng chỉ là chữa cháy cấp thời.
Thử nghĩ xa hơn một chút, khi “chiến lược” lừa người tiêu dùng của Asanzo thắng lợi vang dội ở thị trường trong nước; và sự vụ không bị bóc mẽ, thì trong cơn say chiến thắng, một ngày nào đó Asanzo nuôi mộng mang hàng Việt ra thế giới và bị lật mặt ở thị trường nước ngoài, thì sẽ thế nào? Không chỉ là niềm tin của người tiêu dùng Việt thôi đâu, những thiệt hại về kinh tế đối với nước ta, cùng với niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu đối với hàng Việt, những mất mát đó còn lớn gấp bội…