ASEAN chống rác thải nhựa đại dương
(QNO) - Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vừa có cam kết mang tính bước ngoặc trong cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 34 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan trong hai ngày 22 và 23.6, các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố Bangkok về chống rác thải nhựa, bảo tồn tài nguyên biển.
Rác thải nhựa hiện được xem là vấn đề “báo động đỏ” tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Rác thải nhựa được “nhập” vào ASEAN tăng 171% trong giai đoạn năm 2016 - 2018, cụ thể là tăng từ khoảng 834 nghìn tấn lên hơn 2 triệu tấn, chiếm hơn 25% lượng nhập khẩu chất thải nhựa của thế giới.
Trong khi chỉ có một lượng nhỏ trong núi rác thải nhựa đó được tái chế, số còn lại là rác thải nhựa sử dụng một lần, không qua xử lý được đốt, đổ vào các bãi chôn lấp, ra môi trường, đại dương gây nên ô nhiễm nghiêm trọng.
Ô nhiễm đại dương, đặc biệt từ rác thải nhựa tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, sức khỏe cộng đồng, các ngành kinh tế, du lịch đến y tế cộng đồng và xã hội. ASEAN lại là khu vực sở hữu các bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới nhưng có nguy cơ bị tàn phá nếu không kiểm soát được rác thải nhựa đổ vào đây.
Theo Tuyên bố Bangkok, các quốc gia ASEAN tăng cường các hành động ở cấp quốc gia cũng như thông qua hợp tác giữa các quốc gia thành viên khối trong việc ngăn chặn, giảm đáng kể rác thải nhựa vào đại dương.
Các nhà lãnh đạo ASEAN khuyến khích cách tiếp cận tích hợp trên biển cũng như đất liền để ngăn chặn rác thải nhựa. ASEAN tăng cường luật pháp quốc gia, hợp tác khu vực và quốc tế trong đối thoại chính sách và chia sẻ thông tin liên quan.
ASEAN thúc đẩy các giải pháp sáng tạo để tăng cường chuỗi giá trị nhựa. Như với sự đột phá về công nghệ, chúng ta thậm chí có thể biến rác thải thành tài nguyên, thực hiện hiệu quả các phương pháp tiếp cận 3R (giảm, tái sử dụng, tái chế).
ASEAN tăng cường năng lực nghiên cứu và ứng dụng kiến thức khoa học để chống lại rác thải nhựa trên biển, đặc biệt hỗ trợ chính sách và ra quyết định dựa trên khoa học. Khu vực tăng tốc vận động và hành động để giáo dục, tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, các lĩnh vực tư nhân trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.
Tuy nhiên, tuyên bố trên không bao gồm bất kỳ lệnh cấm nào đối với nhập khẩu chất thải nhựa mà tùy thuộc vào việc mỗi quốc gia thực thi ra sao để giảm rác thải nhựa.
Thư ký Thường trực của Bộ Tài nguyên và môi trường Thái Lan - ông Wijarn Simachaya nói với Reuters: “Tất cả các nước ASEAN đều nhất trí rằng rác thải nhựa trên biển là một vấn đề phổ biến mà chúng ta phải giải quyết khẩn cấp”.
Tuyên bố Bangkok về chống rác thải nhựa đại dương được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới tại Nhật Bản, nơi tập hợp 20 nền kinh tế lớn chắc chắn sẽ bàn về vấn đề khắc phục ô nhiễm nhựa đại dương.