Gian nan như lối đi trên cát

TRUNG VIỆT 02/07/2019 11:01

Câu chuyện đất, cát, nhà ở vùng  biển Duy Xuyên mấy năm qua trở nên rộn ràng, khi dự án Nam Hội An rục rịch. Quy lại là do tiền mà ra. Tiền để đền bù, giải tỏa, di dời. Tiền để dân đến nơi ở mới an cư, tạo ngành nghề mưu sinh.

Xã Duy Hải, Duy Nghĩa có truyền thống nghề biển, trong quy hoạch cần chú ý đến gốc tích văn hóa biển. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Xã Duy Hải, Duy Nghĩa có truyền thống nghề biển, trong quy hoạch cần chú ý đến gốc tích văn hóa biển. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

1. Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải, mỗi khi được hỏi, đều không giấu được lo lắng. Dân ở đây không gọi dự án đô thị Nam Hội An, mà họ gọi là sòng bạc Ma Cao. Bây giờ nó đã xây to chình ình rồi. “Quá to. Riêng Duy Hải, có hơn 1000 hộ bị ảnh hưởng với đất  giải tỏa là 600ha/985 ha. Hiện xã đã di dời hơn 300 hộ vô tái định cư rồi”. “Tôi đã về nơi bà con ở tái định cư, chưa ổn về hạ tầng…”. “Nước sạch được một phần; cây xanh còn nhỏ; điện đã kéo nhưng còn yếu…Tái định cư gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 và 2 và 79ha, còn giai đoạn 3 là 4ha tập trung ở Duy Nghĩa”. “Bà con làm biển thì sao?”. “Họ được bố trí gần biển để dễ sản xuất, không đáng lo, số hộ này gần 60%”. “Dân tái định cư thì làm nghề gì?”. “Trường Trung cấp Du lịch tỉnh đào tạo, Nam Hội An sẽ tuyển vô làm, nhưng với người lớn tuổi thì khó. Ai được nhận vô sẽ làm trong sân golf, tưới cây, bảo trì điện nước, dịch vụ khách sạn. Chủ đầu tư sẽ ưu tiên người địa phương…”. Tôi đã đến thôn Sơn Viên xã Duy Nghĩa, gặp ông Lê Văn Lục. Nhà ông đã được kiểm kê và chờ di dời. Ông cũng như bao người ở vùng cát, toan lo về ngày mai. Tiền sẽ có, nhưng rồi sau tiền là gì? “Cũng không biết nữa anh, mình chấp hành chủ trương ra đi để phát triển, nhưng tương lai để trụ vững, không chỉ là tiền…”. Có cơ hội cho người vùng cát này thoát khỏi ám ảnh nhãn tiền như bao vùng tái định cư khác, là tiền sẽ dẫn người ta đến chỗ rối tung không?

Những ngổn ngang lo lắng về lượng công nhân đến hơn 3 ngàn người đang ở đây, có cả công nhân nước ngoài, tệ nạn xã hội nhiều hình thức; rồi công việc làm ăn có ổn định lâu dài… đang bủa vây những người có trách nhiệm và dân địa  phương. Nhưng câu chuyện về sự phát triển không phải là bây giờ, mà tương lai, với hình hài một đô thị đang bắt đầu chuyển động, dễ bị những xe cộ, tiền tỷ từ đất, từ nhà chèn lên, lướt qua, bởi nó đang ngầm di dịch. Tôi khá bất ngờ nghe chuyện này từ ông Thống, là Duy Hải và Duy Nghĩa đang làm đề án để đến 2025 phát triển lên đô thị loại 5 theo Nghị quyết Tỉnh ủy. Thế là vào trận lớn rồi. “Đúng đó anh, nhu cầu về dịch vụ, văn hóa rất lớn; những tiêu chí bắt buộc về đô thị hơn cả 19 tiêu chí nông thôn mới; cơ quan hành chính, đường sá, nhà cửa… phải theo xu hướng hiện đại”. Hình như mối lo từ ông, mới chỉ là những phác thảo nổi. Dịch chuyển tâm thức bao thế kỷ làm nông dân, ngư nghiệp, lên thị dân, là hành trình gian nan hơn đi trên cát cháy…

Đề án cho một đô thị ven biển, mà cơ sở để hình thành nó, từ hạ tầng đến tâm thức đô thị chưa có gì, đối  với tư duy đô thị ở Việt Nam, làm để mà sau này không thấy sai lầm, không để tiếc nuối, không hề là chuyện giản đơn, bởi cái gì cũng có thể sửa sai được, nhưng quy hoạch thì không. Câu trả lời xương máu từ các đô thị Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh hiện bây giờ, sờ sờ ra đó.

2. “Đề án đô thị này, huyện đang xem xét. Rất khó anh à - ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên bày tỏ - nói thì đã khó, huống hồ là làm”. Cơ hội và thách thức đang đặt ra cho chính quyền, bởi ở đó là đời sống của dân, không phải chỉ bây giờ mà là tương lai: “Bàn tới bàn lui, nhưng chưa ngã ngũ. Làm gì trên phần đất của tỉnh quản lý, là tỉnh lo. Còn phần huyện, tất nhiên sẽ có ý kiến từ các nhà tư vấn, nhưng mình có một số phác thảo ban đầu”. “Tôi quan tâm đến câu chuyện văn hóa. Nói thẳng, để có bước đi từ tư duy và hành xử nông dân lên đô thị, phải mạnh mẽ  và dũng cảm, tất nhiên không thể một sớm một chiều, muốn là được, nhưng bệ phóng ban đầu rất quan trọng…” - tôi nói với ông Dũng.

“Ý mình thế này, ví dụ mình hỏi xã Duy Nghĩa: Quỹ đất còn lại, sau này xã để  lại 10ha để làm rau như làng rau Trà Quế ở Hội An được không? Bởi khi đô thị Nam Hội An hình thành, thì ở đây sẽ tấp nập khách. Cứ hình dung nhu cầu tham quan, sử dụng rau ở Trà Quế bây giờ ra sao, thì trong tương lai ở đây cũng như thế. Vậy tại sao ta không làm, họ làm được, ta làm được không? Tiếp, sẽ xác định du lịch là mũi nhọn kinh tế của Duy Xuyên trong vòng 10 năm tới, phần diện tích huyện quản lý, sẽ tính bài toán làm nông nghiệp.  Là làm nông nghiệp, công nghiệp, phát triển văn hóa, sản phẩm trên sẽ phục vụ cho du lịch, từ đó du lịch sẽ tác động trở lại. Giữ làng quê, phát triển nghề đặc thù ở làng quê, chính là giữ gốc văn hóa, bởi quên điều này là mất hết. Làm tơ lụa là thế mạnh ở nghề truyền thống Duy Xuyên, vậy có nên giữ một phần diện tích ở đây để trồng dâu nuôi tằm,  tạo sản phẩm phục vụ du lịch không?”.

“Những làng quê mang nét văn hóa biển đặc thù thì sao?”. “Ta phải kiên quyết giữ lại cảng thị Trung Phường, cảng cá, nhưng khi khách du lịch đông, nhất là phân khúc khách đến chơi sòng bạc nhất định là khách hạng sang, thì phải làm bến du thuyền. Vậy bến du thuyền ở đâu, cảng cá ở đâu, phải giải quyết xung đột ra sao  bởi cảng cá dễ ô nhiễm, phản cảm với khách? Duy Hải, Duy Nghĩa truyền thống làm biển, mà mình quy hoạch gạt hết gốc tích văn hóa  biển, là thất bại và có tội. Phải giữ, nhưng bàn làm sao cho hài hòa. Tôi ví dụ, chùa Phước Sơn, huyện và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã có tranh luận về vấn đề, là để khuôn viên chùa bao nhiêu mét vuông? Tất nhiên là không di dời, trừ trường hợp đặc biệt  khẩn cấp. Lúc đầu đưa ra quy hoạch chùa lên đến lên 6.000m2,  sau hạ xuống còn hơn 4.000m2 (hiện chùa có diện tích  2.000m2). Khách đến đây nhất định sẽ tìm hiểu văn hóa bản địa, thì chùa sẽ là một địa điểm thỏa mãn bởi nhu cầu văn hóa tâm linh của khách và điều quan trọng hơn là mình làm cho dân mình trước, bà con sẽ thấy chùa chiền gắn bó với đời sống mình không mất đi, dù có lên đô thị.  Mở rộng diện tích chùa, biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái”... Ông Dũng nói một hơi.

Không hoang tưởng, nhưng quy hoạch đô thị như thiết kế một ngôi nhà. Một ngôi nhà đẹp, không phải là lắm sắc màu, cao to, mà nó gợi cảm xúc đẹp, thích thú bởi không ngừng mở ra những liên tưởng. Khi đã chạm được đến tâm hồn, thì lúc đó chủ nhân thiết kế đã thành công. Nhưng nó mới là cái vỏ. Sự chuyển động bên trong, từ bề nổi đến chiều sâu, không đơn giản, thậm chí khắc nghiệt, cam go.

Câu chuyện đô thị hóa xứ mình, dễ rơi vô thất bại, bởi tư duy quản lý phát triển đô thị còn rất nhiều hạn chế. Không phải lắm tiền mà được. Nhà quản lý mà biết mình yếu và biết sợ, cân nhắc khi quyết định, là may mắn rồi. Đến 2025, chừng 5 năm nữa chứ mấy, quá nhanh và bộn bề cho vùng cát này. Giải bài toán đô thị hóa, đôi khi chấp nhận đánh đổi đủ thứ, nhưng đừng quên một điều, xu hướng văn hóa sinh thái đang và mãi mãi được đề cao. Mọi thứ ở Duy Hải, Duy Nghĩa mới ở trên bàn để luận xét. Chờ thôi. Nhưng chắc chắn sẽ thành hình và giấc mơ thay đổi diện mạo cả chất lẫn lượng, sẽ đến…

TRUNG VIỆT