Từ cửa sông ra biển

QUỐC TUẤN 02/07/2019 11:01

Hệ sinh thái tự nhiên luôn có mối liên kết mật thiết và cần sự ứng xử, tương tác phù hợp. Bảo tồn, kết nối vùng hạ lưu sông Thu Bồn ra biển Cù Lao Chàm cũng là mở ra lối đi bền vững trong việc phát triển có trách nhiệm hệ sinh thái quý báu này.   

Từ chỗ phản ứng gay gắt, hiện nay cộng đồng địa phương đã chung tay bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản. TRONG ẢNH: Người dân phối hợp cùng cơ quan chức năng thả rùa về biển. Ảnh: Q.T
Từ chỗ phản ứng gay gắt, hiện nay cộng đồng địa phương đã chung tay bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản. TRONG ẢNH: Người dân phối hợp cùng cơ quan chức năng thả rùa về biển. Ảnh: Q.T

Liên kết sinh thái

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vùng cửa sông Thu Bồn, trong đó chủ yếu là xã Cẩm Thanh đang sở hữu nhiều hệ sinh thái quan trọng với hơn 117ha rừng dừa nước (chưa tính 20ha trồng mới), 43/60ha thảm cỏ biển của toàn bộ khu sinh quyển, các vùng bãi triều tự nhiên mang tính đa dạng sinh học rất cao. Đặc biệt, mối liên kết sinh thái giữa hai trung tâm đa dạng sinh học quan trọng nhất của khu sinh quyển là quần đảo Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn đã được xác định khi có 10 loài cá trong tổng số 18 loài có quan hệ quần thể giữa hai khu vực.

Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng Ban thư ký Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, rừng dừa nước và hệ sinh thái đất ngập mặn vùng hạ lưu sông Thu Bồn chính là nơi khởi phát của 80% nguồn lợi thủy sản tại các rạn san hô ở Cù Lao Chàm và vùng biển ven bờ Quảng Nam. Sự tương đồng về tính chất thành phần loài giữa các phân vùng chức năng của khu sinh quyển cho thấy trong tổng số 1.667 loài đã được ghi nhận thì có 56 loài hiện diện ở cả 3 khu vực: hạ lưu, vùng chuyển tiếp và Cù Lao Chàm. Đáng chú ý có 10 loài cá có giá trị kinh tế được ghi nhận có sự phân bố ở cả trong khu vực hạ lưu sông Thu Bồn và Cù Lao Chàm.

Đổi thay cộng đồng

Cách đây hơn một thập niên, xã Cẩm Thanh và xã đảo Tân Hiệp vẫn còn là những địa phương khó khăn nhất của TP.Hội An. Chia sẻ tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Sự nói: “Trước năm 2009, nhiều hộ dân trên đảo còn đói nghèo quanh năm. Mỗi dịp tết về là 100% phải nhận trợ cấp gạo”. Với ngư dân ở Cẩm Thanh ngày đó, hiếm có mùa biển động nào họ không ra xã nhận cứu tế để sinh hoạt qua ngày. Nhờ mối liên kết phát triển bền vững giữa vùng lõi (khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) và vùng đệm (vùng cửa sông Thu Bồn), từ năm 2015 Cù Lao Chàm đã không còn hộ nghèo nhờ vào hoạt động bảo tồn, phát triển du lịch trong khi Cẩm Thanh đã trở thành địa chỉ ưa thích của du khách để khám phá du lịch sinh thái mỗi khi đến Hội An. Theo số liệu thống kê, trong quý I.2019 đã có hơn 278 nghìn lượt khách mua vé tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh) và Cù Lao Chàm.

Từ câu chuyện bảo tồn một cách bài bản từ cửa sông ra biển đã mở ra cơ hội cho cộng đồng địa phương “sống được” với những giá trị bản địa của mình. Du lịch học tập và du lịch cộng đồng là hai trong số các loại hình triển vọng nhất để phát triển tại Cẩm Thanh và Cù Lao Chàm hiện nay. Ông Lê Nhương - nông dân tại tổ sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông bộc bạch: “Trước kia chúng tôi chỉ sản xuất quảng canh vụ được, vụ mất, còn bây giờ vừa canh tác nông nghiệp quy củ vừa là hướng dẫn viên cho khách tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, tự nhiên ở địa phương”. TS.Chu Mạnh Trinh - Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói: “Từ chỗ phản đối gay gắt vì công tác bảo tồn tác động trực tiếp đến sinh kế, cộng đồng địa phương đã dần thấu hiểu được sự kết nối từ cửa sông ra biển, từ rừng dừa đến rạn san hô và “xắn tay” vào để cùng bảo vệ hệ sinh thái quý báu này”.

Cân nhắc tác động tài nguyên

Kết quả giám sát hàng năm của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho thấy, độ phủ rạn san hô toàn vùng Cù Lao Chàm đang có dấu hiệu tăng từ năm 2013 đến nay (từ 42% lên gần 51%), tuy nhiên mật độ các loài sinh vật sống trong rạn sạn hô ngày càng suy giảm, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế cao như trai tai tượng, tôm hùm, cá mú, cá hồng… Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông tin: “Trong khi cư dân địa phương tích cực chung tay bảo tồn thì ngư dân các nơi khác ngày đêm lén lút khai thác tận diệt dẫn tới nguồn lợi thủy sản bị tác động rất lớn”.

Do áp lực phát triển kinh tế - xã hội, chỉ trong vòng 12 năm (2004 đến 2016), diện tích hệ sinh thái tiêu biểu trong khu sinh quyển đã bị mất khoảng 112,5ha (gồm 77,1ha rừng dừa nước, 34,6ha thảm cỏ biển và 0,8ha rạn san hô). Việc mất đi một lượng không nhỏ rừng dừa nước và thảm cỏ biển ở vùng cửa sông Thu Bồn có khả năng tác động tiêu cực đến các quá trình sinh thái trong vùng cửa sông và đe dọa đến sự tồn tại các bãi ươm giống của nhiều đối tượng nguồn lợi thủy sản có giá trị cao (cá nâu, cá dìa, cua xanh…) trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy, để bảo tồn hiệu quả nguồn lợi thủy hải sản, hệ sinh thái của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ngoài chiến lược, giải pháp quản lý của ngành chức năng thì cả cộng đồng xã hội cùng chung tay, nâng cao ý thức giữ gìn và cân nhắc khi phải tác động đến tài nguyên.

QUỐC TUẤN