Báo chí đồng hành với phong trào khởi nghiệp
Báo chí, truyền thông có thể đồng hành với phong trào khởi nghiệp trong mọi giai đoạn chứ không chỉ viết về các điển hình start-up. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thy Nga - Giám đốc Công ty CP Đầu tư tổng hợp khởi nghiệp Việt (V-Startup) với phóng viên Báo Quảng Nam. Bà Nga là diễn giả trong chương trình “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” dành cho các nhà báo, phóng viên đến từ các tỉnh thành, do Trung tâm Dịch vụ tổng hợp (Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 6.
P.V: Thưa bà, là người hoạt động ở lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp và cũng tiếp xúc với báo chí, truyền thông, bà có thể đánh giá mối quan hệ giữa báo chí và phong trào khởi nghiệp hiện nay?
Bà Nguyễn Thy Nga: Truyền thông nói chung và báo chí nói riêng ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các vấn đề xã hội và trong đó có phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thời gian qua, báo chí gần như chỉ thông tin đơn thuần về các gương mặt start-up tiêu biểu khi họ đã đạt được những thành công nhất định nào đó. Những bài báo tốt đã tạo động lực cho các start-up tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và nhanh chóng tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và khách hàng. Hơn nữa, những bài báo như vậy còn góp phần tạo động lực cho những người đang có ý định sẽ trở thành một start-up. Thế nhưng, bên cạnh đó, vẫn có những bài báo đưa thông tin hơi “lố” về một start-up hay một sản phẩm start-up. Sau đó, các nhà đầu tư, khách hàng tìm đến start-up đó và nhận được thực tế không đúng như bài báo đã nêu. Kết quả là những phản hồi tiêu cực từ nhà đầu tư, khách hàng sẽ làm cho start-up đó chết yểu.
P.V: Vậy báo chí nên bắt đầu “chú ý” đến các start-up trong giai đoạn nào của họ?
Bà Nguyễn Thy Nga: Cá nhân tôi nghĩ báo chí nên bắt đầu ở một giai đoạn nào đó mà start-up đã thực sự sẵn sàng cho một chiến dịch truyền thông về cá nhân hay sản phẩm của mình. Ví dụ, một start-up đã vượt qua “thung lũng” khó khăn và tạo ra sản phẩm chuẩn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường về số lượng và chất lượng, chắc chắn họ cũng đang muốn truyền thông, quảng bá sản phẩm của mình. Vậy, báo chí có thể thông tin về start-up ở giai đoạn này, đi kèm với các sản phẩm khởi nghiệp thì sẽ tạo được động lực cho start-up đó và phát huy hiệu quả tuyên truyền trong quảng cáo sản phẩm, giúp đỡ start-up.
P.V: Nếu báo chí và truyền thông chỉ đưa thông tin khi các start-up vượt qua khó khăn hay gặt hái thành công thì câu chuyện thiếu tính hấp dẫn và thậm chí mang dáng dấp của thể loại “truyền thông quảng cáo”?
Bà Nguyễn Thy Nga: Những ý trên chỉ là đang nói đến quá trình báo chí viết trực tiếp về các start-up như thế nào cho hiệu quả. Ngoài ra, báo chí, truyền thông cũng có thể đồng hành với phong trào khởi nghiệp xuyên suốt cả quá trình đối với bất kỳ start-up nào bằng cách gián tiếp. Ví dụ lâu nay, trên các mặt báo hay các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đăng tải những vấn đề bất cập của xã hội như biến đổi khí hậu, thực phẩm bẩn, tồn tại trong quản lý khu chung cư… và chính những thông tin này đã thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp về giải quyết vấn đề xã hội. Thực tế cho thấy, đã có nhiều sản phẩm khởi nghiệp can thiệp và góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như hệ thống cảm biến xử lý nước thải công nghiệp, hệ thống cảnh báo thời tiết thất thường hay sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sạch và cả phần mềm quản lý chung cư bằng thiết bị điện thoại thông minh…
Không những vậy, trong quá trình các start-up khởi nghiệp, họ chỉ quan tâm đến chuyên môn của mình để tạo ra sản phẩm nên những vấn đề khác như cơ chế, chính sách, tìm kiếm nguồn vốn vay, tìm kiếm nhà đầu tư… họ rất ít quan tâm. Đây là điểm yếu của họ. Và báo chí hoàn toàn có thể giúp đỡ các start-up trong giai đoạn này bằng cách thông tin về các chủ trương, chính sách, cơ chế của Nhà nước, địa phương dành cho khởi nghiệp hay tổ chức diễn đàn cho các quỹ đầu tư, nhà đầu tư liên kết với các start-up để giúp đỡ họ về nguồn vốn cũng như các chuyên môn khác.
P.V: Thưa bà, như vậy là báo chí, truyền thông có thể đồng hành với phong trào khởi nghiệp trong tất cả giai đoạn của start-up?
Bà Nguyễn Thy Nga: Đúng vậy, báo chí và truyền thông thực ra có thể đồng hành với phong trào khởi nghiệp trong mọi giai đoạn chứ không riêng gì việc viết về các điển hình start-up đã thành công. Ngoài ra, báo chí cũng như các đơn vị truyền thông cũng cần xây dựng một kênh thông tin chung, đầy đủ, chính xác về khởi nghiệp cho cộng đồng khởi nghiệp tìm kiếm và tham khảo. Bởi vì hiện nay, việc tuyên truyền, thông tin về khởi nghiệp vẫn còn lẻ tẻ và tản mạn. Nếu hiểu rõ vai trò của mình, tôi tin các nhà báo, phóng viên, những người làm truyền thông về phong trào khởi nghiệp sẽ góp một phần rất lớn thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển, đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp như tinh thần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nói lâu nay.
P.V: Xin cảm ơn bà!