Mùa khô, về Nam Lào
Trở lại biên giới lần này, sau quãng 10 năm, Đắc Chưng (Sê Kông) thay đổi ngoài sức tưởng tượng, mặc dầu tin tức về vùng cao nguyên Boloven tôi vẫn cập nhật thường xuyên.
Đường bon bon từ cửa khẩu về phía đất Sê Kông, không lộc cộc vì đá cấp phối, cũng không lầy lội bùn đỏ như khi tôi “đu xe lam” theo đội thợ của Công ty Hữu Nghị Nam Lào đi xây trường học ở bản Đắc Tà Ọi.
Trước khi vào đất bạn, chúng tôi dừng lại bên này cây cầu bắc qua sông Sê Kông - cửa ngõ của thủ phủ tỉnh lỵ. Đã nghe những bạn đường reo lên: “Sabaidee Sekong! (Xin chào Sê Kông!).
Sabaidee Sekong!
42 độ C. Cái nóng như rang người trên chảo lửa. Những cánh đồng nứt nẻ. Cơn nóng hắt lên từ bụi đất đỏ. Đang là đỉnh điểm mùa khô ở vùng Nam Lào hay thường gọi là Hạ Lào nên dọc đường những gì tôi nhìn thấy là những cánh rừng khô khốc, cây trụi lá. Nắng nung trên những căn nhà sàn lúp xúp đầy bùn đỏ. Nếu không có những bảng hiệu bằng tiếng Lào, hẳn tôi sẽ nghĩ chỗ tôi đứng là Khâm Đức (Phước Sơn) bởi mọi thứ quen thuộc quá.
Lạ Màm. Chợ buổi sáng sớm, chen giữa tiếng Lào í ới ở các hàng rau, hàng hải sản, lọt vào âm lao xao giọng Quảng Trị của hai chị bán bánh mỳ. Loanh quanh chuyện giá thịt tăng, giá rau tăng, chuyện mấy đứa nhỏ học trường Tiểu học Hữu nghị Lào - Việt Nam hôm qua được cô dạy bài hát mới. Tôi hỏi “Sống ở đây lâu chưa?”. “Mười mấy năm chớ mấy!”. “Tôi hơn hai chục năm có lẻ”. Hai người nói với nhau và cũng để trả lời tôi. “Nhớ quê không?”. “Thi thoảng thôi. Nhớ mãi sao ở được đây lâu”. “Sống ở đây nhẹ nhàng, dễ chịu, mọi thứ đều hiền lành và chậm rãi, quen rồi, về mình khó. Cũng đã có quốc tịch Lào rồi”. Không biết tiếng Lào, tôi nhờ chị hỏi thăm người phụ nữ bán cá ven đường vào chợ. Một mẹt cá bé xíu với những con cá bé xíu được xếp ngay ngắn như… xếp hàng. Chị nói sáng nào cũng bán vậy, ít thôi, đủ ăn trong ngày là về. Hôm nay bán ít hơn mọi ngày, vì còn lo về chuẩn bị cho tết Bunpimay. Chị cười “Sabaidee!” (xin chào!). Tôi chào lại “Sabaidee Pymay”.
Bữa chiều. Dọc đường về chợ trung tâm tỉnh lỵ Sê Kông, thấy rất nhiều lò nướng đồ ăn vặt, quán nào cũng đông khách, nhưng không có vẻ nhốn nháo, ồn ào. Người Lào thích đồ nướng. Một xâu lòng chim đang nướng trên bếp giá 12 kip. Khá rẻ so với đồ ăn vặt kiểu này ở Việt Nam.
Điệu lăm vông
Tết Bunpimay là lý do lớn nhất để chúng tôi có mặt ở đây. Sang chung vui cùng bạn. Đó không còn là cuộc gặp ngoại giao giữa hai địa phương của hai nước, trong cái bắt tay thật chặt và nụ cười ấm áp của Sida Suvannasay - Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông với từng người trong đoàn chúng tôi. Đó là cuộc trở về của những người anh em thân thiết.
Đêm buông. Chúng tôi dự lễ buộc chỉ cổ tay. Bàn lễ rất sinh động dù khá đơn giản với trà rượu, hoa, trứng gà, xôi nếp; chỉ trắng được trang trí thành hình tháp và trên đỉnh cắm nến. Bên mâm khoẳn, ông Som Neuk - chủ lễ ngồi đối diện với chúng tôi, bắt đầu châm nến và đọc khấn. Những thanh âm rì rầm nhưng ở âm vực cao, thi thoảng đôi ba đoạn cao trào gọi người chung cuộc, nghe như thúc giục người nắm tay nhau cho điệu lăm vông.
Khămphiem - Phó Bí thư Thường trực tỉnh Sê Kông hát tặng chúng tôi bài “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”. Khămphiem có thể hát tất cả bài hát tiếng Việt bằng karaoke, và thuộc làu chừng vài chục bản dòng nhạc cách mạng. Khămve - Giám đốc Sở Ngoại vụ Sê Kông mời tôi nhảy điệu lăm vông với bài hát của Khămphiem. Senon - nữ chuyên viên Sở Ngoại vụ Sê Kông mời một người còn ngồi lại trong đoàn. Đôi mắt hút hồn trong điệu lăm vông của Senon như hơi rượu Lào, váng vất trong chuyện kể của bạn đường suốt cả chuyến đi.
Có thể không, một con đường?
Chúng tôi ghé căn nhà ở góc phố bản Nonmisay, thăm gia đình và thắp hương cho ông Lê Việt Muồng. Ông Bô Nhơn - Lê Việt Muồng (sinh năm 1928 tại xã Cẩm Nam, TP.Hội An, Quảng Nam), nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông. Ông mất hồi đầu năm 2018, thọ 90 tuổi. Bàn thờ đơn sơ ở góc nhà với di ảnh ông và đứa con gái duy nhất. Con trai thứ của ông, anh Sukdavan, nhìn mẹ bảo, lần nào có người Việt sang thăm bà cũng xúc động và luống cuống như vậy. Tôi không rõ anh nói mẹ hay nói mình, vì cả buổi nói chuyện, chẳng thấy anh ngồi, cứ lăng xăng chạy tới chạy lui, cố giấu niềm xúc động. Trong đôi mắt người đàn ông có nửa dòng máu Việt, tôi không thể tìm ra ánh nhìn “ngộ cố tri” của người tha hương. Tinh cha huyết mẹ của đất Lào đất Việt đã cho anh hai xứ sở ruột rà.
Hai Chính phủ Lào và Việt Nam đang xúc tiến mọi thủ tục liên quan, cho việc nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc thành cửa khẩu quốc tế. Trong cơn mông lung, tôi bỗng nghĩ đến chuyện hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông, cùng lấy tên ông Bô Nhơn (Lê Việt Muồng) đặt cho một con đường ở trung tâm tỉnh lỵ. Ông từng được chính phủ hai nước đánh giá là “người đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng Lào và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sứ mệnh lịch sử do Đảng, Nhà nước Việt Nam giao phó”. Một con đường mang tên ông ở cả hai vùng đất quê hương, tại sao không?
Đoạn đường dẫn về nhà Sukdavan, từ quán ăn dội lại những bản nhạc bolero (được thu theo dòng remix) thịnh hành thời những năm 90 của thế kỷ trước của miền Nam nước Việt. Đồng nghiệp cho tôi hay, đây là quán bún bò của chị chủ là người Việt.
Mơ về những chuyến bay
Nhìn trên bản đồ, đường Hành lang Đông - Tây như một gạch ngang đi qua bốn nước, có thể dễ dàng hình dung vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển vùng khu vực sông Mê Kông. Những cái tên khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn như Trạm kiểm soát liên ngành tại Lao Bảo - Dansavanh (Lào), Cầu hữu nghị (với sự hỗ trợ của Nhật Bản) qua sông Mê Kông nối Mukdahan (Thái Lan) và Dansavanh (Lào) thông toàn bộ tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc mà theo ông Khămve - Giám đốc Sở Ngoại vụ Sê Kông, thì Chính phủ Lào đã đồng ý và đang xúc tiến các thủ tục liên quan.
Đã từng có Biên bản ghi nhớ về áp dụng mô hình kiểm tra “một cửa - một điểm dừng” của Chính phủ Việt Nam - Lào tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Dansavanh nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho người và vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới. Hay Hiệp định ba bên (Việt Nam - Lào - Thái Lan) về phương tiện vận tải đường bộ qua lại trong các nước, các xe du lịch Việt Nam được phép chạy qua Lào, Thái Lan và ngược lại. Tất cả điều đó tạo thuận lợi rất lớn cho người Việt nói chung, doanh nghiệp của Quảng Nam nói riêng hoạt động trên đất Lào.
Ông Nguyễn Văn Trương - Giám đốc Công ty CP xây dựng TNXP tỉnh Quảng Nam nói tiếng Lào như người Lào. Trong câu chuyện kể về hành trình xin giấy phép để thành lập Công ty Phukongking (đóng tại Đắc Chưng, Sê Kông) cũng lắm gian nan, nhưng ông bảo, mình nhận được nhiều sự trợ giúp từ Chính phủ Lào. Ông đang mơ về giấc mơ ngày các sản phẩm của Phukongking (nước uống đóng chai, cà phê, nông sản, dược liệu) sẽ có mặt trên thị trường Sê Kông, Chămpasăc và cả Savanakhet.
Bữa ở chợ Chămpasăc, đồng nghiệp của tôi khá thạo tiếng Lào, vừa gọi mấy ly sinh tố, vừa làm quen “Noọng vạu pha sả Việt Nam đạy bò?” (bạn nói tiếng Việt được không?). Hai mẹ con chủ quán cười lớn: “Em là người Việt mà. Em ở Huế”. Ở chợ Chămpasăc khoảng 1/3 tiểu thương là người Việt. Cô bé bán sinh tố được sinh ra và lớn lên ở Champasắc, mỗi năm vài lần về thăm quê. Lời hẹn hò của cô “Hai tuần nữa em có việc về Đà Nẵng á” và “Gọi nhé” của bạn tôi như níu gần Chămpasăc hơn. Có lẽ chuyện sáng uống cà phê Chămpasắc chiều ăn cao lầu Hội An không chỉ là câu nói trên bàn ngoại giao, khi con đường Hành lang kinh tế Đông - Tây thông suốt, rút ngắn thời gian di chuyển từ Lào về Việt Nam. Và mong muốn hợp tác đào tạo đối với nguồn nhân lực du lịch, kết nối giữa hai tỉnh có di sản thế giới là Wat Phou và Mỹ Sơn, Hội An của lãnh đạo hai tỉnh trong chuyến viếng thăm hồi tháng 4.2019 hy vọng mở chương mới hơn về hợp tác quốc tế...
Còn tôi thì bây giờ ngồi đây và mơ về những chuyến bay giữa sân bay Chu Lai - Đà Nẵng - Pakse.