"Chạy..." cùng thời sự
“Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu làm vừa lòng mọi người” - nhà báo Hữu Thọ.
1. Đương thời khi nhà báo Hữu Thọ còn sống (ông mất tháng 8.2015), các giáo sư Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức đánh giá tiểu phẩm đời thường là một mảng đặc sắc trong sự nghiệp báo chí của ông và là sự cống hiến có bản sắc vào sự nghiệp báo chí thời kỳ đổi mới. Hữu Thọ là người khởi xướng và mở đầu chuyên mục “Bàn góp sự đời” trên báo Nhân Dân.
Với bút danh Nhân Nghĩa, ông từng viết: “Đất nước đang đổi mới với những biến đổi nhanh chóng trong đời sống vật chất và tinh thần. Nhiều điều mới mẻ đang diễn ra, có lúc sáng sủa, thẳng băng, có khi đen tối, ngoắt ngoéo. Cũng muốn góp một vài lời bàn những gì diễn ra trong cuộc đời, cùng nhau vươn tới chân, thiện, mỹ; đấu tranh với cái giả, cái ác, cái xấu cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn”. Đó chính là tuyên ngôn của nhà báo Hữu Thọ cho hơn 1.000 tiểu phẩm ông viết và in báo, trong đó có hơn 100 tiểu phẩm in trong cuốn sách có nhan đề “Chạy…” được ông viết sau Đại hội IX của Đảng tới Tết Giáp Thân 2004, đến nay đã 15 năm, song tính thời sự của nó vẫn còn nóng hổi, đáng để đọc và suy ngẫm.
2. Xin đi ngay vào tên đề cuốn sách cũng là tên một tiểu phẩm báo chí “Chạy...”.
Nhà báo Hữu Thọ dẫn thực tế: Bây giờ “chạy chọt” rất dữ; trên nhiều diễn đàn quan trọng, người ta phê phán công khai việc “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy dự án”, chạy tội”… Mọi việc đều có tiêu chuẩn, quy chế, điều luật rõ ràng, việc gì phải chạy cho tốn sức, tốn tiền, và mất tư thế con người phải khom lưng chạy vạy” - nhiều người chân chính vẫn đàng hoàng nghĩ như thế. Nhưng bẵng đi một hồi, thấy những người hăm hở “chạy” lại chạy được việc, họ muốn gì được đó. Thế là người không chịu chạy thấy thiệt thòi… Có người biết là thiệt nhưng cố giữ đạo đức, nhân cách cho nên không chịu chạy. Nhưng thấy nhiều người “chạy được” nên cũng sốt ruột “chạy” theo, thành ra cả làng chạy. Không phải chạy marathon bằng đôi chân của mình mà chạy bằng phong bì… bằng đầu, kể cả đầu gối và đầu trên cổ. Chạy kiểu ấy thì mạnh ai nấy thắng cho nên hỗn loạn trường đua, không có trọng tài nào phân xử.
Quả rất sâu sắc. Từng ý nghĩ, ý nghĩa, từng câu, từng từ đều có sức nặng của nó.
Tiểu phẩm “Nể” kể anh mới lên nhận chức lãnh đạo mà đã thấy nhức đầu. Cấp trên trực tiếp và những người đã từng giúp đỡ anh có đến cả chục người. Đồng chí nào trước khi về hưu cũng đòi hỏi cơ quan phải dành một chỗ làm việc cho con em mình… Giúp việc làm cho anh chị em suốt đời gắn bó với cơ quan cũng là chuyện tình nghĩa. Nhưng đâu chỉ có vậy. Đồng chí này nhắc nhở phải đề bạt con mình vào chức này; đồng chí kia nhắc nhở phải cất nhắc con mình vào chức kia, để con cháu “phát huy truyền thống cha ông”, anh đều nể lời gợi ý. Đùng một cái có dư luận “Lãnh đạo cơ quan bây giờ toàn con ông cháu cha”. Một số làm việc tốt, nhưng cũng có một số là đề bạt gượng ép, đáng lẽ phải đề bạt người khác có tài đức hơn. Thế là cái tội nể các cụ, bây giờ thành “tội” của anh trước đồng chí, đồng bào. Cũng chỉ vì nể thôi chứ ai dám nhận của các cụ chiếc phong bì nào.
Tiểu phẩm “Trọng dân”, trong một cuộc họp bàn về công tác vận động quần chúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mọi người đều thấm nhuần quan điểm “vì dân” của Người. Có người nói “dân là gốc” chứ không phải “lấy dân làm gốc” vì theo quan điểm của Đảng ta thì dân là gốc, là bản chất, còn lấy dân làm gốc có vẻ như ban phát “cái gốc” đó cho dân. Mọi người xem ra tán thành ý tưởng sâu xa đó. Thế rồi có bao nhiêu mỹ từ, bao nhiêu phương hướng phấn đấu nêu ra. Nào là “vì dân” thì phải “thương dân”, “gần dân” “hiểu dân”, có trách nhiệm với dân”… tưởng là có vẻ đầy đủ, nhưng lại có đồng chí nêu lên: Các đồng chí vẫn quên một từ, mà là từ quan trọng nhất, đó là “trọng dân”! Thế rồi đồng chí đó phân tích: Gần dân mà không trọng dân thì làm sao mà hiểu được dân; người ta nói thì như nước đổ lá khoai, nói trái ý lại ngủng nghỉnh. Có trọng dân mới có thể có trách nhiệm với dân. Không phải trách nhiệm theo kiểu bề trên, vì nếu không làm tròn dân sẽ bãi nhiệm. Trọng dân mới đúng tinh thần của Bác Hồ, vì Bác nói “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
3. Trong phạm vi một bài báo cũng chỉ nêu vài dẫn chứng vậy thôi, song một điều khi đọc xong tập sách “Chạy...” chắc rằng nhiều người có chung nhận xét, dường như chẳng có chuyện lớn nhỏ nào xảy ra trong xã hội hiện tại mà qua được con mắt sắc bén và nhanh nhạy của nhà báo lão thành Hữu Thọ. “Ông nhập thông tin vào mình rất siêu. Và ông xử lý thông tin thường là chuẩn, vừa đúng đường lối, vừa “thế thái nhân tình” không bao giờ cứng nhắc. Người ta chạy trời không khỏi nắng, ông đi đâu làm gì cũng vẫn máu thịt cùng những lo toan, trăn trở của người bình dân” (Hồng Thanh Quang).
Với “Chạy...”, nhà báo Hữu Thọ đã chỉ ra một căn bệnh rất nguy hiểm. Dưới ngòi bút chính diện sắc sảo, ông gieo vào người đọc niềm tin đầy lùi tiêu cực, tin tưởng vào những điều tốt đẹp, kiên trì và kiên cường tìm ra phương cách để chiến thắng. Như một lần trả lời phỏng vấn về phương thuốc cho “bệnh chạy” nhà báo Hữu Thọ trả lời rằng, để ngăn chặn được bệnh “Chạy” thì phải bịt các “cửa chạy”. Bịt các “cửa chạy” trước hết phải bịt bằng cơ chế. Không tạo ra những cơ chế có quyền ban phát kiểu “xin - cho”, không tạo ra cơ quan có thể ban danh, ban lợi cho người này, người khác. Hơn 100 tiểu phẩm trong tập sách “Chạy...” tác giả viết dưới dạng phiếm chỉ (mỗi câu chuyện không có địa chỉ, con người cụ thể) nhưng mỗi tiểu phẩm có sức ảnh hưởng nhất định tới dư luận về một hiện tượng xã hội. Như nhà báo Hồng Thanh Quang đã viết: “Ai đó đã nói, mực của học giả còn thiêng liêng hơn máu của kẻ tử vì đạo. Thời nào cũng vậy, những trăn trở suy tư của kẻ sĩ luôn là cống hiến lớn lao cho sự tiến bộ xã hội và những dòng tâm huyết mà kẻ sĩ viết ra dẫu không là “đòn xoay chế độ” (chữ của nhà thơ Sóng Hồng) nhưng luôn có thể trở thành điểm tựa để người ta bẩy tư duy chung đi lên thêm những bước dài. Hữu Thọ là nhà báo luôn biết bắt đúng mạch của tháng ngày ông hiện hữu...”.
Dịp 21.6 này nhớ ông, một nhà báo xứng danh “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.