Dấu ấn những cây viết trẻ
Khá nhiều tác phẩm chất lượng gửi về dự thi khiến ban giám khảo phải “cân não’ để chọn lựa tác phẩm xứng đáng, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XIII (năm 2018 - 2019) dự báo mang đến nhiều điều thú vị, rất đáng để chờ đợi tại lễ trao giải tổ chức vào ngày 21.6.2019.
Bội thu tác phẩm chất lượng
Vẫn tiếp tục tăng đều về số lượng tác phẩm và tác giả dự thi, đến thời điểm chấm chọn tác phẩm, đã có 259 tác phẩm của 171 tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm dự giải. Con số này vượt lên ở các loại hình báo hình, báo viết lẫn ảnh báo chí. Có nhiều cái tên khá mới mẻ đến từ các tờ báo điện tử như Zing.vn, Chinhphu.vn, Năng lượng mới, Lao động Online, báo điện tử Pháp luật TP.Hồ Chí Minh… Không chỉ là sân chơi, giải năm nay thực sự là một cuộc cạnh tranh “khốc liệt” của các tên tuổi mới và cũ, thoát ra khỏi “khuôn khổ” tưởng chừng hạn hẹp của một giải báo chí cấp tỉnh.
Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam, thành viên ban giám khảo chia sẻ, hầu hết tác phẩm dự giải đều đạt yêu cầu, tiêu chí trong thể lệ, xoay quanh nhiều chủ đề, đề tài liên quan đến đất và người Quảng Nam trong hành trình xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài những vấn đề nóng được người làm báo cần mẫn “đào xới” qua nhiều mùa như quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản, dịch chuyển lao động, biến đổi của đời sống xã hội, sinh thái, nhân văn hay bảo tồn văn hóa, biến đổi khí hậu và vấn nạn môi trường…, ở các tác phẩm dự thi còn nổi lên những đề tài mới như bán đất dự án khi chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, vụ đường cao tốc hư hỏng sau khi đưa vào sử dụng… “Nổi lên những câu chuyện hay về ngư dân vươn khơi, sự sát cánh của cảnh sát biển, bảo vệ môi trường sinh thái được nhiều người làm báo quan tâm phản ánh. Những tác phẩm báo chí dự thi đã phản ánh chân xác hiện thực đời sống Quảng Nam với bức tranh vừa rộng về chiều kích phạm vi đề cập, vừa có chiều sâu về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, khơi dòng chảy thời sự và cả những lắng đọng về nhân tình thế thái. Đây là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của mùa giải năm nay” - nhà báo Nguyễn Hữu Đổng nhận xét.
Người viết trẻ “ghi điểm”
Nhà báo Trương Vũ Quỳnh - thành viên ban giám khảo dành nhiều lời ngợi khen cho tác phẩm báo hình, báo nói tham dự giải năm nay. Theo đánh giá, các tác phẩm đã có sự vượt lên khá ấn tượng trong cách khai thác đề tài, ý tưởng, đạt đến trình độ cao trong sản xuất tiền kỳ và hậu kỳ. Các tác giả đã thể hiện tâm huyết, thai nghén ý tưởng và đầu tư công phu cho quá trình sản xuất, từ đó một số tác phẩm vượt trội hẳn nhờ khai thác tốt các chi tiết, làm kết cấu hợp lý, quay phim và dựng phim sử dụng nhiều thủ pháp thể hiện trình độ tay nghề cao. “Chúng tôi nhận thấy nhiều tác giả đã biết cách gìn giữ cảm xúc cho tác phẩm, lựa chọn cách kể chuyện phù hợp và kể một câu chuyện bằng góc nhìn vừa đa chiều, vừa sâu sắc của người làm báo. Đây là sự tiến bộ vượt trội của các tác giả, tác phẩm dự thi ở mùa giải năm nay. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khách quan rằng các mảng đề tài kể trên nếu được đầu tư nhiều hơn, tập trung thích đáng, triển khai sâu sắc và đầy đủ thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra, về mặt nghề nghiệp, có thể thấy một số lỗi nhỏ đã tồn tại qua nhiều mùa nhưng vẫn còn mắc phải như sự lúng túng trong tìm lối, phong cách kể chuyện cho đề tài và làm kết cấu cho tác phẩm”, nhà báo Trương Vũ Quỳnh nhận định.
Một mùa giải “bứt phá”
Ông Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Phó Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XIII cho hay, ba điểm nổi bật của giải năm nay là nổi trội về đề tài, nổi bật về số lượng tác giả tham dự và sự gia tăng đáng kể các cơ quan báo chí tham gia. “Năm nay là năm được mùa về ảnh báo chí lẫn ký báo chí thuộc thể loại báo viết, có thể nói là được mùa nhất từ khi tổ chức giải đến nay. Rất nhiều câu chuyện xúc động về tình người, lòng nhân ái, trao truyền cảm hứng và niềm tin về những điều tốt đẹp trong cộng đồng thể hiện xuất sắc qua các tác phẩm. Điều tiếc nuối, là sự trùng lặp đề tài của các nhà báo, nhiều vấn đề nóng được phản ánh khá kỹ song lại thiếu đi tính dẫn dắt thông tin, đề xuất giải pháp. Song, với lượng tác phẩm đồ sộ, chất lượng, chúng tôi tin rằng giải năm nay đặc biệt thành công, tiếp tục khẳng định được tên tuổi của một giải báo chí mà phạm vi đã không còn bó hẹp trong địa bàn tỉnh”, ông Nhi nhận xét.
Tin vui đến từ những người làm báo trẻ, khi một số tác phẩm lọt vào chung khảo được ban giám khảo đánh giá cao lại là cái tên khá mới mẻ, trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Trong đó, phải kể đến đề tài “Ngôi làng cô độc “bốn không” bên lòng hồ thủy điện A Vương” của tác giả Đỗ Vạn (Báo Lao động điện tử) thể hiện sự kỳ công phát hiện đề tài, hay “Đàn con vàng ở rừng nghèo Quảng Nam” của tác giả Thùy Trang (Báo Lao động) với cách kể chuyện khá thú vị. Nhiều tác phẩm dù trùng lặp đề tài với báo bạn nhưng vẫn “ghi điểm” nhờ cách thể hiện mới lạ, ấn tượng như “Ông già nghèo nhặt rác ở Hội An” của tác giả Trương Thanh Nhật (Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh)… Hay như loạt bài 5 kỳ “Tình trạng bát nháo trong cách làm du lịch ở khu vực rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An)” của tác giả Phan Vinh - Thanh Thắng (Báo Quảng Nam điện tử) đã thể hiện sự dấn thân, nghiêm túc theo đuổi sự kiện đến cùng và tạo được hiệu ứng tốt sau loạt bài. Ở thể loại báo nói, tác giả trẻ Long Phi (Đài QRT) được ban giám khảo đánh giá cao với tác phẩm phát thanh trực tiếp “Kiểm soát quyền lực và củng cố niềm tin trong nhân dân”, chọn đề tài khá “hóc búa” song đã thể hiện được xuất sắc những vấn đề nóng cần đề cập…
Ban tổ chức đã quyết định trao thưởng cho 44 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc 4 loại hình báo chí. Trong đó, tác phẩm “Nữ “kiểm lâm” dưới đáy biển” của tác giả Thái Bá Dũng (Báo Tuổi trẻ) đoạt giải Nhất thể loại Ký báo chí. Một tác phẩm khác cũng của báo Tuổi trẻ: “Hồi sinh từ làng mới Khe Chữ” của nhóm tác giả Phạm Tấn Lực - Lê Thành Trung đoạt giải Nhất phóng sự ảnh. Ngoài ra, ở thể loại phản ánh, tường thuật, xã luận, bình luận, chuyên luận, sổ tay phóng viên, loạt bài 05 kỳ “Tình trạng bát nháo trong cách làm du lịch ở khu vực rừng Cẩm Thanh (Hội An)” của tác giả Phan Vinh - Thanh Thắng (Báo Quảng Nam) đoạt giải Nhất.
Ở thể loại tin, phóng sự ngắn, tọa đàm trực tuyến của truyền hình và báo điện tử, loạt phóng sự “Nữ sinh 17 tuổi phụ hồ, nhặt rác gánh vác cả gia đình” của nhóm tác giả Huy Đạt, An Dy (Báo Thanh niên) đoạt giải Nhất. Tác phẩm “Những người bạn” của nhóm tác giả Đặng Ngọc Kết - Nguyễn Thanh Bình - Đỗ Phúc (Đài PT-TH tỉnh) đoạt giải Nhất thể loại phóng sự, phim tài liệu báo hình. Tác phẩm “Kiểm soát quyền lực và củng cố niềm tin trong nhân dân” của tác giả - Nguyễn Long Phi (Đài PT-TH tỉnh) đoạt giải Nhất phát thanh.
Ngoài ra, các ngành, địa phương liên quan cũng trao 7 giải chuyên biệt, gồm 2 giải báo chí về sâm Ngọc Linh cho tác phẩm “Độc đáo phiên chợ sâm vùng cao” (Truyền hình Nhân Dân) và loạt bài 02 kỳ “Thách thức bảo tồn và phát triển “quốc bảo” sâm Ngọc Linh” (Báo Sài Gòn giải phóng); 3 giải báo chí về Tam nông gồm “Khởi nghiệp của nông dân 4.0” (Hội Nông dân), chuyên đề “Dấu ấn tam nông” (Báo Quảng Nam) và “Những người tiên phong với lúa sạch” (Báo Tuổi trẻ). Hai giải báo chí về khởi nghiệp trao cho tác phẩm “Hai nữ sinh viên tài năng” (Báo Quảng Nam) và “Khởi nghiệp từ nuôi nấm Đông Trùng Hạ Thảo” (Đài PT-TH tỉnh).