Cam kết từ các huyện nghèo
Năm 2019, Quảng Nam ưu tiên dành nguồn lực cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chủ yếu là 6 huyện miền núi cao của tỉnh, nhằm giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Mỗi huyện mỗi cách làm
Năm 2019, huyện Nam Trà My có 517 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững (nhiều hơn chỉ tiêu giao 67 hộ). Để có được con số này, từ bí thư huyện ủy đến ban nhân dân thôn đều vào cuộc trong vận động, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, thay đổi tư duy của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thoát nghèo không chỉ là quyền lợi của người dân, mà còn vì lợi ích của cộng đồng. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Huyện tiếp tục duy trì phong trào 3 công chức, viên chức giúp 1 hộ nghèo; kể cả doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện cũng được huy động.
Huyện đã thống kê số hộ không có khả năng thoát nghèo, hộ neo đơn không có sức lao động để có cách trợ giúp khác. Còn những hộ có sức lao động đều phải có phương án thoát nghèo khi đăng ký. Đặc biệt, việc phát triển cây dược liệu, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập đang được người dân đồng tình và thực hiện quyết liệt. Với tính toán gắn kết dược liệu và du lịch, HĐND huyện đã thông qua nghị quyết quy định, nếu hộ dân nào trồng 3ha dược liệu gắn với du lịch sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí. Chúng tôi đề nghị tỉnh nên có đề án về dược liệu gắn du lịch trên toàn tỉnh để có thêm nguồn lực cho các huyện thực hiện”.
Với Nam Giang, huyện còn đến 3.045 hộ nghèo, đây là nỗi lo lớn. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nói rằng, năm 2018 đã không đạt chỉ tiêu tỉnh giao về giảm nghèo, là vấn đề nhức nhối, trăn trở nhất của huyện. Sau khi được tỉnh giao chỉ tiêu giảm 450 hộ nghèo trong năm 2019, huyện đã triển khai, quán triệt 12 xã, thị trấn tập trung cho giảm nghèo, giao chỉ tiêu cụ thể và gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cho chủ tịch mỗi xã cũng như chủ tịch huyện. Ông Mai cho biết: “Huyện gắn chỉ tiêu giảm nghèo với kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, bám sát chỉ tiêu 450 hộ trong diện phấn đấu thoát nghèo.
Nam Giang đã phân tích cụ thể số lượng hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, vốn sản xuất, thiếu việc làm ổn định, thiếu đất sản xuất. Huyện cũng kiến nghị tỉnh tăng nguồn vốn cho vay làm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18.8.2015, về hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo (trong đó có nội dung cho vay làm nhà ở), sớm phân bổ nguồn vốn sự nghiệp kịp thời cho các huyện thực hiện. Tỉnh cần có chính sách kêu gọi đầu tư đến khu vực miền núi trong lĩnh vực nông lâm nghiệp như trồng rừng gỗ lớn, cây ăn quả, dược liệu..., có liên kết với hộ dân, giúp hộ dân làm được và xuất được hàng hóa, đó mới là sinh kế lâu dài ở khu vực miền núi”.
Tập trung cho miền núi
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi còn đến 25,35% - một con số rất cao so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh (7,57%). Chính vì vậy, công cuộc giảm nghèo hiện nay của tỉnh chủ yếu tập trung cho khu vực miền núi. Sau nhiều đợt khảo sát đời sống của người nghèo ở miền núi, HĐND, UBND tỉnh đều xác định kế hoạch giảm nghèo năm 2019 đạt được hay không là phụ thuộc vào các huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phân tích: “Miền núi là nơi thiếu các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, nhiều tập quán còn lạc hậu, mật độ dân cư thưa thớt, phân tán; một số nơi, các hộ dân không đủ điều kiện để thoát nghèo như thiếu đất sản xuất, kiến thức, sức khỏe. Từ đó năng suất lao động chưa cao, chưa làm ra sản phẩm hàng hóa để tạo thu nhập thường xuyên, ổn định; các dịch vụ xã hội cơ bản như điện, sóng truyền hình, mạng internet, chăm sóc sức khỏe… còn rất hạn chế. Quảng Nam có giảm được tỷ lệ hộ nghèo hay không phụ thuộc rất lớn vào các huyện miền núi nên phải tập trung cho khu vực này”.
Mục tiêu năm 2019 đặt ra là hơn 5.000 hộ thoát nghèo bền vững, trong đó tỉnh xác định ưu tiên hộ nghèo thuộc diện người có công, hộ có đăng ký thoát nghèo bền vững để đầu tư nguồn lực. Với mục tiêu đó, Quảng Nam ưu tiên nguồn lực đầu tư cho huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, thôn và xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, an toàn khu, là những nơi có số hộ nghèo còn rất cao. Đầu tư cho người nghèo chỉ có thể bền vững khi xác định đúng nguyên nhân, tác động giảm nghèo đúng trọng tâm. Một điều quan trọng nữa là tránh chồng chéo nguồn hỗ trợ, vừa lãng phí vừa gây tâm lý ỷ lại cho chính chủ thể thoát nghèo.