"Người ở rừng" tử tế
Tôi đã nghĩ, sẽ có ít nhất là một lần im lặng trong suy tư của anh, về đi ở, chuyện xuống dưới xuôi để chọn một cuộc sống khác an nhàn hơn cho mình và gia đình sau quá nhiều năm ở núi. Nhưng, thay cho câu trả lời, anh chỉ cười. Hình như, ở quá lâu trên ấy, anh đã mặc định cho mình một lựa chọn, dù có phải đánh đổi bằng nhiều điều mà chỉ anh mới hiểu.
Những chuyến đi dài
Là Hoàng Thọ, người mà tôi và nhiều đồng nghiệp đã quen trong rất nhiều chuyến tác nghiệp ở vùng cao Nam Trà My. Làm một phóng viên đài huyện, anh cần mẫn đi, viết và quay, kể cả đích đến là đâu đó thâm u giữa lòng Ngọc Linh, hay những ngôi làng mà chỉ gọi tên thôi đã thấy rùng mình vì… mỏi. Anh đi suốt, tuổi trẻ là dấu chân để lại đâu đó giữa muôn trùng núi và núi. Đi nhiều, ở cũng nhiều, anh giao tiếp ngon lành bằng tiếng Ca-dong bản địa, và lắm bạn. Bà con ở trên ấy hình như quen mặt, thuộc tên, thừa yên tâm cho… đồng nghiệp khi đi cùng anh đến bất cứ vùng đất nào của Nam Trà My. Bất cứ, là 43 thôn, của 10 xã vùng cao ngày trước, mà hỏi thông tin, anh trả lời như thuộc lòng.
Hơn mười lăm năm ở núi, đủ để ghép nối và làm đầy thêm dữ kiện về vùng đất này trong anh. Anh nhặt nhạnh từng chút tư liệu, hình ảnh, những thước phim của năm tháng bằng dấu chân không mỏi qua các cánh rừng, ở làng, hay đâu đó trong vườn sâm. Nhưng, với đồng nghiệp, Hoàng Thọ lại là một tay cực kỳ “hào phóng”. Anh sẵn sàng san sẻ tư liệu “độc” của mình cho anh em, gợi ý những đề tài mình phát hiện, thậm chí cung cấp luôn thông tin chỉ mình mình có được khi mưa lũ, sạt lở cắt đường lên vùng cao. Nhiều lần công tác ở Nam Trà My, mà đi theo anh, chỉ có mướt mồ hôi trở lên, vì những đoạn đường dốc nối dốc, mỗi bước chân là một lần đầu gối chạm mặt. Trong đó, có những vùng “bất khả xâm phạm”, chỉ vào được bằng tấm “giấy thông hành” đặc biệt, là gương mặt Hoàng Thọ trong đoàn: những vườn sâm. Vào được vườn sâm, ngoại trừ những chuyến công tác được sắp xếp từ trước theo chân lãnh đạo huyện, tỉnh, gần như không có cách nào khác dễ hơn là đi với anh. Cộng thêm kho tư liệu “khổng lồ” về Nam Trà My, anh trở thành một ông “gu gồ” (google) của huyện, đến bây giờ!
Người quảng bá
Hình như, bất kỳ đồng nghiệp nào của chúng tôi cũng có riêng với anh một câu chuyện để kể, trong những chuyến đi cùng anh suốt mười mấy năm qua ở vùng đất này. Tôi biết, cũng qua những câu chuyện kể, rằng Thọ cũng thuộc hàng “ruột ngựa”. Đâu chừng gần chục năm trước, Thọ “dính” một tai nạn nghề nghiệp. Sau cuộc va chạm với một nhóm lợi ích ở địa phương bằng bài vở, mặt anh khắc lên vài vết sẹo. Nhưng hình như, bao nhiêu năm ở rừng, từ trong căn tính, sự bộc trực, thẳng thắn của anh đậm hơn, và vì thế, anh không sợ. Tôi tin, anh có cốt cách của một người làm báo giỏi, dù đôi khi hơi cực đoan, nhưng rõ ràng, cái gì ra cái đó. Nhiều người nhận xét, anh cũng là một tay làm truyền hình cứng, dựng phim giỏi, có nhiều góc nhìn khá hay chứ không chỉ đơn thuần là cầm máy lên và quay như một kẻ làm nghề hời hợt.
Nhưng có điều này có lẽ nên kể nhiều hơn, về anh. Với cây sâm, và với Nam Trà My, anh như một người quảng bá. Lặng lẽ và cần mẫn, anh tìm kiếm những cách thức tiếp cận và giới thiệu mới, đưa cây sâm ra khỏi đời sống cô đơn của chúng trong hàng dài những năm tháng trước đó. Youtube, facebook, cổng thông tin thực tế ảo du lịch vùng sâm và ứng dụng hỗ trợ du lịch dựa trên trí tuệ nhân tạo… anh nhập cuộc nhanh với những xu hướng của thời đại công nghệ 4.0, mở ra cánh cổng để nhiều người có thể “đặt chân”đến Nam Trà My, bằng công nghệ. Lễ hội sâm Ngọc Linh đều đặn hàng tháng giờ đã trở thành thương hiệu, trong đó có đóng góp lặng lẽ của anh, như một người “truyền thông” cho huyện nhà. Anh nói, mình vẫn trẻ, 35 tuổi, vẫn đủ sức đi và sống với núi, với bà con, đến ngày về hưu.
“Ở núi quá lâu, những điều mình đã đi qua vừa là trải nghiệm, vừa gieo lại một thứ ân tình. Mình chưa nghĩ đến chuyện rời đi, thậm chí, có thể vợ con sẽ về xuôi, nhưng nếu nơi này cần mình, mình sẽ luôn ở lại”, anh tâm sự. Năm 2017, khi “họa núi đè” phủ bóng ma tang tóc xuống Trà Vân, tôi nghe tin, anh đã cùng các lực lượng của địa phương cắt rừng vào với bà con, băng qua những quả đồi mà đất đá chực chờ đổ sập, rồi lao vào tìm kiếm thi thể người mất tích. Quãng thời gian sau đó, là hành trình miệt mài kết nối những tấm lòng, xin từ thùng mì tôm đến từng tấm tole lợp nhà cho đồng bào vùng cao. Trước đó nữa, anh kêu gọi từng người, gom góp từng chút một để lo cho 4 đứa trẻ mồ côi được tiếp tục đến trường. Để rồi, ở đâu trên đất này, anh cũng được đồng bào thương yêu, đón nhận như một đứa con xa trở về…
Tôi gọi. Anh vẫn đang vác máy quay đi làm, chia sẻ công việc với anh em ở đài khi mình đã là... lãnh đạo của đơn vị. Xin một cuộc hẹn, “gã ở rừng” lại cười, không từ chối. Chờ nhé, người anh em!