Đôi chân ấy đã ngừng đi
Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã từ trần ngày 16.6.2019 sau thời gian lâm bệnh. Sự ra đi của ông khiến bao người thương tiếc, đặc biệt khi ông vừa ra mắt cuốn hồi ký “Đi theo tiếng gọi non sông” và đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Từ ngôi nhà tuổi thơ
Sinh ra ở xã Điện Thọ (Điện Bàn) trong gia đình đông anh chị em, có cha và mẹ hết mực thương yêu con cái, Đại tá Lê Công Thạnh luôn dành tình yêu với mái nhà tuổi thơ. Đặc biệt cách dạy con đầy tính nhân văn của bậc sinh thành in dấu ấn trong ông sâu nặng. Cảm động nhất là những trang hồi ký ông viết về hai người em trai là liệt sĩ Lê Công Đoan và Lê Công Minh. Cùng đi bộ đội, cùng tập kết ra Bắc năm 1955, để lại phía sau hình ảnh cha mẹ già đưa tiễn dưới rặng tre làng. Nỗi đau khi ngày chiến thắng về thăm nhà, mẹ ôm vai ông và hỏi: “Hai em của con đâu?” cứ khắc khoải mãi trong trái tim người lính già đầu bạc.
Sinh ra khi dân tộc bị thực dân Pháp đô hộ, từ nhỏ, ông đã căm thù quân xâm lược. Tham gia Đội biệt động Khu 2 Điện Bàn, chàng trai Lê Công Thạnh không quản hiểm nguy vừa chỉ huy vừa trực tiếp đánh Tây. Năm lần bảy lượt bị thương, có trận cháy sém bên ngoài 1/3 cơ thể đến mức gia đình nhận không ra, ông vẫn hăng hái đi chiến dịch, góp sức đánh địch chi viện đồn Bồ Bồ (1954). Tập kết ra Bắc rồi học Trường Sĩ quan Lục quân, được giữ lại làm cán bộ khung, ông vẫn đau đáu trở về quê hương đánh Mỹ. Những lần đi diễu binh mừng Quốc khánh 2.9 được thấy Bác Hồ ở Hà Nội hay gặp Bác về thăm đơn vị luôn thấm đẫm trong ông niềm tin sắt đá vào ngày toàn thắng, Bắc - Nam sum họp và thôi thúc vượt Trường Sơn đi cứu nước.
Đồng hành với Sư đoàn 2 chủ lực của Quân khu, trên cương vị Trưởng ban cán bộ, đồng chí Lê Công Thạnh có mặt hầu hết trận đánh lớn của Sư đoàn giai đoạn 1965 - 1967. Đúc kết kinh nghiệm thực tiễn từ chiến trường, sau này về làm Phó phòng Cán bộ Cục Chính trị Quân khu 5 rồi phái viên ở Mặt trận 44, ông có nhiều ý kiến xác đáng trong bố trí công tác cán bộ hay theo dõi, chỉ đạo các đơn vị sử dụng lực lượng phù hợp với từng địa bàn, địa hình, đối tượng tác chiến.
Trong 4 năm làm Phó Chính ủy Mặt trận 44, ông cùng Đặc khu ủy Quảng Đà và Mặt trận 44 có những quyết sách quan trọng chỉ đạo phong trào đấu tranh, từng bước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Giải phóng Đà Nẵng, ông là chỉ huy đầu tiên của Bộ tư lệnh Mặt trận có mặt Tòa Thị chính trưa 29.3. Được giao làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản quận Nhất, ông kiên quyết mà uyển chuyển khi tham gia chỉ đạo các lực lượng tiếp quản Đà Nẵng, ổn định cuộc sống người dân. Lòng nhân ái, vị tha được hấp thụ từ cha mẹ từng giúp ông xử trí hàng chục trường hợp tù binh đúng chính sách đường lối khoan hồng của Đảng trong chiến tranh, nay một lần nữa cùng ông giải quyết sáng suốt hàng ngàn đối tượng chế độ cũ trở về sống dưới mái nhà độc lập.
Cương vị nào cũng chiến đấu
Làm Phó Chính ủy Bộ CHQS Quảng Nam - Đà Nẵng (sau này là Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị) cho đến khi về hưu, 14 năm ông đứng trên cương vị đầu sóng ngọn gió. Đất nước vừa hòa bình vừa có chiến tranh biên giới tây nam; cán bộ, chiến sĩ vừa xây dựng quân đội vừa làm nhiệm vụ quốc tế giúp Campuchia, đặc biệt Quảng Nam - Đà Nẵng còn là tỉnh hỗ trợ chuyên gia quân sự, kinh tế cho hai tỉnh Strung-treng và Battambang kết nghĩa; Đại tá Lê Công Thạnh cùng Bộ CHQS và Đảng bộ tỉnh lãnh đạo quân dân vượt qua mọi khó khăn chồng chất. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai, Huân chương Độc lập hạng Hai. Uy tín, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ dành cho ông vẫn còn lưu mãi đến mấy mươi năm sau.
Về hưu, ông không có thời gian để nghỉ dưỡng mà tiếp tục bận rộn với chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, tham gia xây dựng hội ngày đầu thành lập (1990), kết nối hàng ngàn cựu chiến binh vào một tổ chức uy tín, có tiếng nói quan trọng trong đời sống xã hội của địa phương. Với trí nhớ mẫn tiệp, tấm lòng cởi mở, ngôi nhà của ông ở số 10 Phan Bộ Châu, Đà Nẵng lúc nào cũng có cán bộ, nhân dân đến thăm hỏi, xin ý kiến hay mời tham gia các hoạt động của thành phố. Đặc biệt, ông là nhân chứng số 1 của phóng viên trong và ngoài nước khi muốn viết về Mặt trận 44 và ngày giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng.
Vợ ông, bà Phan Thị Hiên (đã mất) và cô con gái duy nhất Lê Thị Thanh Hương là báu vật đời ông. Thời chống Pháp, ông bao lần bị thương thì chừng ấy lần vợ đi tìm để chăm sóc. Khi ông vào chiến trường Khu 5, bà không quản bao lần bị địch bắt, vẫn dũng cảm dắt con đi thăm chồng. Rừng thiêng nước độc, bà ốm suốt, nên chỉ ở chừng một tháng rồi vào Sài Gòn. Ba tháng sau, đủ sức, lại tiếp tục hành trình cùng con lên căn cứ. Suốt mấy năm trời như thế, tình yêu mãnh liệt ấy dệt nên chuyện tình lãng mạn, cổ tích giữa núi rừng Trà My. Cô con gái của ông bà được làm quân giải phóng, rồi ra Bắc học tập, trở thành cán bộ cốt cán của ngành du lịch Đà Nẵng, tận tình chăm sóc cha mẹ, là điểm tựa hậu phương vững chắc để ông tiếp tục dấn thân vì đồng đội.
Cuối năm 2018, bệnh viêm phổi tái phát nặng sau chuyến đội mưa đi cùng đồng đội về Hội An thăm lại nơi chiến đấu, ông phải phẫu thuật đặt ống thở. Đến thăm ông, ai nấy không khỏi thắt lòng khi một ông lão với sức sống dẻo dai đến vậy, nay phải tạm giã từ vũ khí - giọng nói, từng tạo nên “thương hiệu” Đại tá Lê Công Thạnh. Những ngày cuối cùng của ông ở Bệnh viện C, UBND TP.Đà Nẵng liên tục cử người đến thăm, mua các loại thuốc có thể cứu ông, nhưng rồi nhân chứng đặc biệt của ngày giải phóng quê hương đã vĩnh viễn ra đi. 92 tuổi nhưng vẫn tràn đầy năng lượng cho đến phút cuối cuộc đời, mấy ai làm được như Đại tá Lê Công Thạnh.