Lan tỏa giá trị gắn kết cộng đồng
Hiệu quả từ việc phát huy vai trò gắn kết cộng đồng giữa đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong những năm qua đã giúp huyện Nam Trà My hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo nên dấu ấn đặc biệt trên hành trình giảm nghèo.
Tinh thần người vùng cao
Dưới chân núi thiêng Ngọc Linh - nơi ngụ cư lâu đời của đồng bào các DTTS Ca Dong, Xê Đăng, tinh thần gắn kết cộng đồng luôn được xem như một giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Cùng chung con rẫy, máng nước, họ sống với nhau thuận hòa, tạo nên nền tảng vững chắc trong suốt quá trình cộng cư.
Theo ông Nguyễn Thanh Luận - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân, sự gắn kết lâu đời giữa đồng bào Ca Dong, Xê Đăng và một số DTTS khác như Bh’noong, Co, Cơ Tu,… từ lâu đã trở thành “đặc sản” của vùng đất Nam Trà My, với nhiều cuộc hội ngộ lịch sử không thể nào quên. Trong đó, sự cố lở đất kinh hoàng xảy ra vào cuối năm 2017 làm “xóa sổ” một ngôi làng của đồng bào Ca Dong xã Trà Vân, là một ví dụ điển hình.
Trong nỗi đau thương ấy, đồng bào các DTTS ở Nam Trà My đã cùng nhau đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ di dân và hình thành nên ngôi làng mới trên cánh đồng Khe Chữ. Chính sự đoàn kết, đùm bọc và sẻ chia giữa những con người sinh sống trên dãy Ngọc Linh đã thắp lên ngọn lửa mới, giúp đồng bào Khe Chữ sớm ổn định cuộc sống.
Từ Trà Don, Trà Dơn, Trà Nam,… hàng trăm thanh niên của làng người Ca Dong, Xê Đăng đã cùng ăn, cùng ở và dựng lên những ngôi nhà mơ ước cho đồng bào mình ròng rã 2 tháng. Chưa kể, tấm lòng thơm thảo của già Hồ Văn Vàng - người hiến hơn 6.000m2 đất rẫy cho bà con làm nhà mà không đòi hỏi bồi thường của Nhà nước.
“Bên cạnh sự giúp sức của các cấp chính quyền, lực lượng quân sự và tấm lòng hảo tâm, Khe Chữ được hoàn thiện cũng là nhờ một phần sự chung tay, góp sức, cũng như tinh thần hỗ trợ, sẻ chia không mệt mỏi của đồng bào địa phương. Câu chuyện đẹp về tinh thần đoàn kết, giúp nhau vượt qua biến cố giữa cộng đồng miền núi Nam Trà My sẽ luôn được chúng tôi kể mãi, để nhắc nhớ con cháu không quên nghĩa tình mà đồng bào các làng khác đã giúp đỡ mình trong suốt thời điểm gian khó nhất” - ông Luận chia sẻ.
Như một sức mạnh tổng hợp, tinh thần gắn kết giữa đồng bào các DTTS huyện Nam Trà My còn được thể hiện bằng những hành động thiết thực và ý nghĩa, thông qua việc hiến đất làm công trình xã hội, góp sức xây dựng nông thôn mới, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng miền núi.
Giúp nhau thoát nghèo
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Trà My cho hay, cùng với phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, đồng bào DTTS tại địa phương còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là trồng cây dược liệu dưới tán rừng để đổi mới sinh kế, cùng giúp nhau thoát nghèo bền vững.
Qua 5 năm thực hiện “Quyết tâm thư” Đại hội đại biểu các DTTS huyện Nam Trà My lần thứ II, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt gần 10%; tổng thu ngân sách địa phương đạt hơn 1.249 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 70,89% (năm 2015) xuống còn 45,88% (năm 2018). Đến năm 2024, Nam Trà My phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS còn dưới 30%, bình quân mỗi năm giảm 4 - 5%; khoảng 95% số thôn có đường ô tô; đạt 100% diện tích đất lâm nghiệp theo quy hoạch, đảm bảo khoanh nuôi và trồng rừng phủ kín...
Trong đó, mô hình trồng và di thực sâm Ngọc Linh, cùng một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như sâm nam, đinh lăng,… đã thực sự làm nên “một cuộc cách mạng” lớn, mở hướng quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất mới hiệu quả cho đồng bào Nam Trà My.
“Từ việc mở rộng trồng sâm Ngọc Linh, đến nay nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã hoàn thiện dần quá trình di thực cây sâm, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần rút ngắn tỷ lệ hộ nghèo trong tương lai” - ông Bình kỳ vọng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Nguyễn Thế Phước cho rằng, mối tình gắn kết cộng đồng giữa người Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong,.. được viết tiếp bằng những câu chuyện đẹp về tinh thần giúp nhau trong cuộc sống. Bắt đầu từ việc trồng rừng và phát triển các loại cây dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh, nhiều hộ đồng bào khó khăn trên địa bàn các xã các xã Trà Dơn, Trà Leng, Trà Mai, Trà Nam và Trà Linh nhanh chóng thoát nghèo, trở thành những “đại gia chân đất” ở vùng cao Nam Trà My. Phát huy tinh thần vì cộng đồng, bên cạnh nỗ lực làm giàu cho bản thân, nhiều tỷ phú của làng đã thực hiện một số dự án hỗ trợ đồng bào khó khăn, thông qua việc nhận họ vào làm bảo vệ, chăm sóc các vườn sâm giống, với thu nhập ổn định mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng.
“Những năm qua, cùng với việc duy trì nhận con em người địa phương vào chăm sóc, bảo vệ tại các vườn sâm giống và nhân rộng mô hình di thực sâm, nhiều hộ trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện còn tích cực trong việc hỗ trợ cây giống giúp cộng đồng mở hướng phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững” - ông Phước nói.