Xung đột
Vụ án mạng xảy ra ở thôn Xuân Quý (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) gây rúng động dư luận trong mấy ngày qua. Nhiều tình tiết trong vụ án này làm người dân ngạc nhiên, sửng sốt như nguyên nhân ban đầu chỉ là mâu thuẫn của hai gia đình hàng xóm từ việc nuôi heo; kẻ gây ra cái chết cho nạn nhân là “người ngoài cuộc”; hai gia đình có quan hệ họ hàng. Và báo chí miêu tả những kẻ gây ra vụ án mạng này có đầy đủ tính chất của một băng nhóm giang hồ chuyên nghiệp, đến nhà nạn nhân đe dọa nhiều lần, cầm hung khí xông vào truy sát...
Tính chất côn đồ như trên cũng giống một vụ án mà Công an huyện Thăng Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhiều đối tượng về tội cố ý gây thương tích. Theo điều tra ban đầu, một nhóm người xông vào nhà dân đòi nợ rồi sau đó hành hung một phụ nữ ở xã Bình Minh (Thăng Bình) chấn thương sọ não. Camera nhà nạn nhân đã ghi lại cảnh nhóm người gân cốt lực lưỡng đánh đá tàn bạo, giật trang sức một phụ nữ ngoài 50 tuổi khiến nhiều người liên tưởng đến các tình huống vô pháp vô thiên chỉ có trên phim ảnh bạo lực.
Những vụ án này, mới nghe ngỡ chỉ xảy ra ở thành phố lớn, hoặc tại các địa bàn phức tạp chứ ít ai ngờ lại xảy ra ở vùng quê ven biển. Băng nhóm giang hồ, cờ bạc, tín dụng đen, đòi nợ thuê... giờ đây đã len lỏi về các vùng quê - và người ở quê, một số ít nào đó đã tham gia hoặc mang rước các tệ nạn về đây. Nhiều vùng quê giờ đây đã không còn vẻ thanh bình bởi tệ nạn xã hội như một nhát chém bất ngờ, rình rập, gây đứt gãy các mối quan hệ, giá trị văn hóa truyền thống làng xã đã từng làm thay một phần cho việc quản lý xã hội bằng công cụ pháp luật.
Sau sự việc xảy ra tại xã Tam Thăng, tại buổi tiếp xúc của đại biểu Quốc hội với cử tri tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết cảm thấy đau lòng và đáng tiếc vì sự việc lại đến mức nghiêm trọng như vậy. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đặt câu hỏi về trách nhiệm của bộ máy quản lý xã hội ở cơ sở, rằng “không biết đoàn thể, ban công tác mặt trận ở đây như thế nào, rồi chính quyền, chi ủy, chi bộ, đảng bộ ở đây như thế nào, lâu nay trường hợp hai nhà có mâu thuẫn, có phản ánh với chính quyền không?”. Một “mồi lửa” nhỏ như thế đã không được dập tắt kịp thời, để trở thành vụ án mạng gây hoang mang cho nhân dân, đã cho thấy tâm thế bị động của chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở.
Xung đột xã hội được nhìn nhận ngày càng phức tạp hơn, trong khi đó kết cấu cộng đồng tại các làng quê đã có sự “dịch chuyển” đáng kể, kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết kịp thời, hợp tình hợp lý. Câu hỏi đặt ra là bộ máy quản lý xã hội ở cơ sở tương thích ở mức độ nào?