Lắng nghe tiếng nói cử tri

VINH ANH 20/06/2019 09:37

Sáng qua 17.6, tại xã Tam Thăng, trong buổi tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm: Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội; Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri TP.Tam Kỳ nêu nhiều vướng mắc liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đời sống người dân.

Cử tri TP.Tam Kỳ phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với ĐBQH tỉnh. Ảnh: VINH ANH
Cử tri TP.Tam Kỳ phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với ĐBQH tỉnh. Ảnh: VINH ANH

Có đất nhưng không thể làm nhà

Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Văn Hiệp, cử tri xã Tam Thăng phản ánh thực trạng người dân có đất nhưng không có nhà để ở vì chủ trương tạm dừng phân lô, tách thửa, chuyển mục đất sử dụng đất theo tinh thần Chỉ thị 06 ngày 2.7.2018 của UBND tỉnh. Ông Hiệp nói: “Gia đình tôi hiện có hơn 1.000m2 đất nhưng chỉ có 200m2 đất ở. Trong khi nhà 4 - 5 anh chị em đều đã lập gia đình, có nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thì không được. Tôi kiến nghị thành phố thành lập đoàn kiểm tra, một phần để xử lý nạn “cò đất”, “cò sổ đỏ”, mặt khác cần rà soát, xem xét cho các gia đình có nhu cầu thực sự về xây dựng nhà ở thì tạo điều kiện cho họ được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất”.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, cử tri phường An Phú nêu tình trạng quy hoạch “treo” tại các dự án trên địa bàn phường, có những dự án quy hoạch 10 năm vẫn chưa triển khai, hay trên cùng một địa bàn có đến 3 công trình quy hoạch, nhất là dự án Làng Hoa Sen, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều gia đình có con cái lớn, lập gia đình, muốn tách hộ, tách thửa để làm cho con cái nhà ở riêng cũng không được. “Thành phố cần rà soát, làm việc với chủ đầu tư để xem tính khả thi của từng dự án. Nếu dự án nào chưa có khả năng triển khai, nên tạo điều kiện cho dân được xây dựng nhà” - ông Tuấn nói. Cùng phường An Phú, cử tri Trương Việt Hùng đề cập về “đất thổ cư”. Ông cho biết, khi gia đình ông làm thủ tục cấp đổi “sổ đỏ” sang “sổ hồng”, vốn dĩ gia đình có 1.000m2 đất ghi trong “sổ đỏ” là đất thổ cư, nay chuyển sang “sổ hồng” thì cơ quan thẩm quyền chỉ ghi cho ông có 200m2 đất ở và 800m2 còn lại là đất trồng cây lâu năm. Như vậy có đúng với quy định không hay có sự sai sót, nhầm lẫn nào trong cách giải quyết đất đai cho người dân.

Mong người dân chia sẻ

Liên quan đến vấn đề quy hoạch các dự án, ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, thành phố rất áp lực trong tình trạng xây dựng cơi nới nhà cửa, công trình tại khu quy hoạch dự án. Thành phố nhận khuyết điểm trong một số quy hoạch triển khai chậm ảnh hưởng đến đời sống người dân và đã cho rà soát cụ thể các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, đối với các dự án lâu dài chưa triển khai thực hiện trong một vài năm đến thì UBND thành phố có chủ trương giao cho các địa phương phối hợp với Phòng Quản lý đô thị rà soát từng trường hợp cụ thể và căn cứ vào nhu cầu của từng hộ dân để giải quyết cấp phép xây dựng nhà ở. Còn những quy hoạch mà thành phố đang triển khai thực hiện, chắc chắn phải thực hiện theo đúng quy hoạch. Về dự án Làng Hoa Sen, ông Quang cho biết thành phố sẽ làm việc làm chủ đầu tư để xem xét thời gian sớm triển khai xây dựng giai đoạn 2 (khu vực nhà dưỡng lão). Nếu chủ đầu tư chậm thì thành phố đứng ra giải tỏa trước, trường hợp sau này chủ đầu tư Làng Hoa Sen không đầu tư thì thành phố kêu gọi đơn vị nào đó vào đầu tư thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cử tri liên quan đến Chỉ thị 06 ngày 2.7.2018 của UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói, lãnh đạo tỉnh thấu hiểu tâm tư của bà con về việc tạm dừng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất tại vùng đông nam. Chỉ thị 06 được ban hành cũng nhằm chấn chỉnh tình trạng phân lô, tách thửa, mua bán đất, xây dựng trái phép diễn ra lộn xộn ở vùng đông nam, nhất là ở các địa phương Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Dương (Thăng Bình), Tam Thăng (Tam Kỳ). Tỉnh đang xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân khu quy hoạch vào vùng đông nam. Sau khi hoàn thành quy hoạch phân khu chi tiết, người dân sẽ biết được chỗ nào quy hoạch dân cư, chỗ nào quy hoạch du lịch, công nghiệp... Lúc đó, bà con nhân dân mới có thể tách thửa hay thực hiện các vấn đề trên phần đất đai của mình.

Cử tri Nam - Bắc Trà My kiến nghị chính sách cho miền núi

Ngày 17.6, các ĐBQH tỉnh gồm ông Nguyễn Đình Tiến - Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 5; Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có cuộc tiếp xúc cử tri các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My. Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Nam Trà My đề nghị trung ương, tỉnh xem xét, có hướng hỗ trợ nguồn vật liệu thay thế vật liệu gỗ cho bà con làm nhà; qua đó, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về sắp xếp, bố trí lại dân cư miền núi. Cử tri Trần Văn Tuấn (xã Trà Nam) phát biểu: “Với một địa phương miền núi cao, nếu không sử dụng vật liệu gỗ làm nhà thì bà con không biết sử dụng vật liệu nào thay thế. Còn thực hiện xây dựng nhà bằng các vật liệu gạch, cát, xi măng như miền xuôi vừa không phù hợp với phong tục tập quán, vừa đắt đỏ, nguồn vốn hỗ trợ theo nghị quyết sẽ không đủ để thực hiện. Ngành chức năng các cấp cần nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ người dân những vật liệu thay thế gỗ làm nhà, đáp ứng yêu cầu căn nhà làm mới phải sử dụng ổn định lâu dài”. Nhiều ý kiến cử tri Nam Trà My đề nghị trung ương, tỉnh xem xét, thực hiện bố trí nguồn vốn giảm nghèo bền vững theo hướng phân kỳ trung hạn để dễ thực hiện, bởi lâu nay nguồn vốn phân bổ hàng năm về đến cơ sở thì đã vào mùa mưa nên hiệu quả đầu tư không cao; có chính sách tiền lương đối với giáo viên miền núi nhằm thu hút được những giáo viên giỏi gắn bó lâu dài với với sự nghiệp trồng người ở vùng cao... Trong khi đó, cử tri huyện Bắc Trà My đề nghị trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng đập tràn qua sông Trạm để việc vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn; xây đập Bà Bình phục vụ tưới tiêu; sớm đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối huyện Bắc Trà My với Núi Thành tạo điều kiện giao thương, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cử tri cũng cho rằng, trung ương, tỉnh cần xem xét có chính sách ưu tiên cho việc thi tuyển giáo viên hợp đồng giảng dạy lâu năm ở miền núi...(NGUYÊN ĐOAN)

VINH ANH