Tam Kỳ - khát vọng từ biển
Kỳ vọng một hành trình phát triển mới dựa vào bản sắc văn hóa, những thế mạnh từ vùng đất. Chậm rãi, nhưng chắc chắn. Tam Kỳ cùng những đường bờ biển đẹp, cộng thêm sự chăm chuốt từ người địa phương, đã bắt đầu thu hút du khách....
Rộn ràng. Đầy sắc màu. Biển Tam Thanh đang trở thành “từ khóa” của những kiếm tìm cho các chuyến hành trình mùa hè của rất nhiều du khách.
FESTIVAL du lịch biển “Tam Kỳ - Hãy đến và khám phá”, khai mạc từ ngày 14.6 và kéo dài đến hết 18.6, với những sự kiện gắn với mục tiêu quảng bá các giá trị văn hóa lâu đời, các đặc sắc của cảnh quan vùng biển này, in sâu vào tâm trí mọi người.
Quảng bá du lịch biển
Nhiều người dân xã Tam Thanh, đến bây giờ vẫn chưa thôi nghĩ về những ngày mùa hè của 3 năm trước. Năm 2016, khi Làng bích họa Tam Thanh lần đầu tiên ra mắt với dấu ấn về một ngôi làng ven biển đẹp hoang sơ, thì cũng từ đây, tên gọi Tam Thanh bắt đầu được gợi nhắc nhiều hơn trên bản đồ du lịch. Để liên tục sau này là những cuộc hội hè trên biển mang tính chất quy mô hơn, đầu tư kỹ lưỡng hơn. Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng Phòng VH-TT TP.Tam Kỳ cho biết, dựa trên nền tảng của các tuần du lịch biển được tổ chức trước đây, Festival Du lịch biển “Tam Kỳ - Hãy đến và khám phá” lần này tập trung vào câu chuyện quảng bá tiềm năng du lịch biển, những sản phẩm du lịch cộng đồng mà vùng đất Tam Kỳ đang nỗ lực thực hiện.
Đi dọc bờ biển Tam Thanh, từ những làng Hạ Thanh, Trung Thanh, Thượng Thanh, tầm nhìn của người thưởng ngoạn không hề bị che chắn bởi những resort, khu nghỉ dưỡng cao tầng san sát như nhiều bờ biển khác. Tam Thanh được nhiều người nhìn nhận là vùng đất còn giữ cho riêng mình nhịp sống của những ngôi làng chài truyền thống, còn đó bãi cát trắng mịn chưa từng bị xới xáo bởi công trình bê-tông. Những bức bích họa trên khắp ngôi làng ven biển, con đường thuyền thúng đang nối dài bởi tài năng của nhiều họa sĩ khắp nơi, góp thêm một lựa chọn để người khắp phương về với Tam Kỳ hè này. Ông Nguyễn Văn Trung, người dân Tam Thanh nói, làng mình đâu có thiếu gì những điều cuốn hút khách thập phương. Giờ Tam Thanh có đội bài chòi biểu diễn thường xuyên nếu khách có nhu cầu, có những hoạt động du lịch cộng đồng của từng nhóm người, có homestay, có hàng quán đủ để níu chân khách ghé lâu.
Thêm lần nữa, người Tam Kỳ có quyền tự hào vì họ đang có biển Tam Thanh. Trong cuộc hội tháng 6 với rất nhiều hoạt động thú vị, từ lễ hội ẩm thực, giải bóng chuyền bãi biển quốc tế, giải bơi và lắc thúng tròn trên biển, biểu diễn nghệ thuật văn hóa phi vật thể bài chòi... người Tam Thanh kỳ vọng về những giá trị văn hóa đặc sắc của quê xứ mình sẽ được quảng bá rộng rãi đến du khách thập phương. Không chỉ có món ngon, có biển êm sóng lặng, Tam Thanh còn đó những làng nghề truyền thống lâu đời, những sinh hoạt truyền thống của người làng chài... Từng đó thôi, đủ để mang đến một bức tranh đầy sống động về vùng đất lành.
Tinh thần người làng biển
Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật của đêm khai mạc festival, bà Lê Đỗ Quỳnh Hương chia sẻ, để dàn dựng một đêm nghệ thuật chuyển tải được hết tinh thần của vùng đất, ekip thực hiện đã nhiều lần đến và ở lại Tam Thanh, cùng cảm nhận cuộc sống người dân nơi này. “Điều thật sự luôn chạm vào tim mình khi làm chương trình này, đó chính là sự gìn giữ một nét đẹp văn hóa và sự gắn kết tinh thần cộng đồng vô cùng mạnh mẽ, từ giọng nói, cách ân cần với người phương xa cho đến từng nụ cười hay lời hỏi thăm nhau. Nét đẹp lạc quan ấy càng tinh tế hơn khi họ chú trọng chăm chút đến từng cảnh vật, mà khu làng bích họa là điểm cho thấy rõ nhất tính cách vừa nghệ sĩ, vừa mộc mạc của những người dân làng chài nơi đây” - đạo diễn Quỳnh Hương thổ lộ.
Đêm nghệ thuật khai mạc Festival du lịch biển quy tụ rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Ánh Tuyết, Thanh Lam, Mỹ Tâm... với những bản tình ca đẹp về biển cùng những tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc của địa phương như bài chòi, hát bả trạo. Ngoài biểu diễn chính là hát, múa còn có biểu diễn thời trang, xiếc nghệ thuật, kết hợp trình diễn ánh sáng và âm nhạc tạo nên nét thu hút riêng cho chương trình. Các hoạt động trong suốt những ngày festival là Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế, Lễ hội ẩm thực biển, hô hát bài chòi và trình diễn hát bả trạo, giải bơi trên biển, giải lắc thúng tròn mở rộng trên biển, Hội thi mỹ thuật thiếu nhi thành phố...
Hội của người làng biển, dĩ nhiên họ sẽ là chủ thể. Những người dân vừa là người làm nên lễ hội, vừa là những người thưởng thức nó. Nếu các đêm hội bài chòi cho thấy sự gìn giữ và cặn kẽ của người làng biển trong từng câu hát, thì các trò thể thao trên biển mang đầy hơi thở của phương thức sinh kế truyền thống của dân làng chài. Hơi thở của địa phương là điều mà bất cứ một sự kiện nghệ thuật hay sự kiện cộng đồng nào đều mong muốn mình có được. Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ chia sẻ, festival lần này, trước khi là sự kiện để quảng bá du lịch, thu hút đầu tư về phía biển của Tam Kỳ, thì đầu tiên, phải là hoạt động để người dân sở tại biết tự hào và yêu quý quê hương thông qua những giá trị đặc sắc, đặc trưng được đánh thức. Từ chính sự trân quý này, họ sẽ có cách thức để làm giàu có thêm chính bản sắc của vùng đất mình. Festival du lịch biển lần này hướng đến 3 mục tiêu chính, từ nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, quảng bá du lịch và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế trên địa bàn. Người ở Tam Thanh đang nuôi một hy vọng về cuộc trở mình tiếp theo của vùng đất, từ những đoàn khách du lịch khắp nơi, từ những câu chuyện đầu tư giữa các tổ chức quốc tế đang tìm đến đất này ngày một nhiều thêm.
CHƯA LÀ ĐIỂM KẾT NỐI
Với vai trò là trung tâm du lịch phía nam của tỉnh, Festival Du lịch biển Tam Kỳ được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy, lan tỏa du lịch tại các địa phương lân cận. Tuy vậy, thực tế sự kết nối này vẫn chưa rõ nét, các hoạt động dường như còn mang tính riêng lẻ, cục bộ...
Chưa lan tỏa phía nam
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, trong sự kiện festival du lịch biển lần này, Tam Kỳ chỉ mời Câu lạc bộ Bài chòi của Núi Thành tham gia tiết mục hô hát bài chòi còn các hoạt động khác không mời. “Festival chủ yếu tổ chức ở biển Tam Thanh nên họ cũng không kết nối gì. Họ chỉ tổ chức độc lập thôi. Về phía Núi Thành cũng đã hỗ trợ Tam Kỳ tuyên truyền quảng bá sự kiện trên trang web địa phương” - ông An nói. Huyện Phú Ninh cũng chỉ được mời tham gia một hoạt động là hô hát bài chòi như Núi Thành.
Phía nam của tỉnh bao gồm 6 huyện, thành phố là Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My được đánh giá là hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch với các sản phẩm từ rừng xuống biển; văn hóa đến sinh thái, làng quê; trải nghiệm, mạo hiểm đến di tích lịch sử, cách mạng… Trong đó, TP.Tam Kỳ được xác định đóng vai trò trung tâm của các huyện phía nam. Bên cạnh lợi thế bãi biển đẹp, Tam Kỳ còn có hàng chục di tích, danh thắng có thể thu hút khách như địa đạo Kỳ Anh, Văn Thánh Khổng Miếu, công trình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng… cùng hơn 20 di tích lịch sử quốc gia và cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có thể kể đến hệ thống sông, đầm khá hoang sơ và nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng… Từ năm 2016, du lịch phía nam luôn được tỉnh quan tâm đầu tư từ hạ tầng dịch vụ đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ thuật nhằm thúc đẩy du lịch nơi đây phát triển.
Chỉ tính riêng TP.Tam Kỳ hiện có khoảng 16 cơ sở lưu trú (2 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 1 sao, còn lại là những cơ sở đạt chuẩn) với gần 700 phòng. Một số cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu của khách cao cấp. Có thể kể đến khách sạn Bàn Thạch (98 phòng, 7 vila cao cấp); Khách sạn Mường Thanh (230 phòng), Khu du lịch biển Tam Thanh (16 phòng tiêu chuẩn biệt thự)... Sự ra đời của nhiều cơ sở lưu trú tại Tam Kỳ đã chứng tỏ mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với tiềm năng vùng đất này nhằm đón đầu một lượng khách du lịch sẽ đổ về đây khi hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng vào đến Chu Lai, Dung Quất được thông suốt.
Nhiều sản phẩm dịch vụ điểm đến cũng đang từng bước được quy hoạch, đầu tư và đang dần khẳng định thương hiệu như hồ Phú Ninh, biển Tam Thanh, công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ), biển Rạng (Núi Thành) đã tạo nên điểm nhấn thu hút du khách và các nhà đầu tư quan tâm đến khu vực phía nam.
Theo ông Ngô Đức An, ngoài Công ty Đại Dương Xanh đã đầu tư xây dựng du lịch sinh thái ở Tam Hải, huyện cũng đã quy hoạch xây dựng xong khu du lịch biển tại Biển Rạng (bãi đỗ xe, chòi quan sát khu vực tắm, nhà tắm nước ngọt, nhà vệ sinh...) và quy hoạch Hố Giang Thơm, hiện những điểm này đã có sản phẩm và khách tham quan nhỏ lẻ. Đồng thời cũng đang tiếp tục tập trung kêu gọi đầu tư du lịch vào những điểm này. “Theo đề án 4137, tỉnh cũng đã hỗ trợ hạ tầng thiết yếu tại các bãi biển du lịch nhưng thật sự rất ít so với yêu cầu, chủ yếu là ngân sách của huyện và xã hội hóa. Riêng Sở VH-TT&DL hỗ trợ chuyên môn như tập huấn về nghiệp vụ cho người dân phát triển homestay, ứng xử, kinh doanh buôn bán tại điểm du lịch. Thời gian tới huyện sẽ tập trung làm hồ sơ công nhận công viên địa chất quốc gia cho các điểm Hòn Mang, Hòn Dứa, Bàn Than, sau đó sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch kèm theo. Nói chung, địa phương tự tính là chính còn việc liên kết giữa các địa phương phía nam nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch chung là chưa rõ nét lắm” - ông An nhìn nhận.
Doanh nghiệp du lịch đứng ngoài
Trong số hơn 10 nội dung hoạt động văn hóa thể thao biển được tổ chức lần này, nhiều hoạt động được đánh giá khá “hoành tráng” như Lễ hội Ẩm thực; Bóng chuyền nữ bãi biển quốc tế; Photo Tour, Ngày hội Blogger - Vlogger và Chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch Tam Kỳ... kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích về điểm đến với các công ty lữ hành và du khách. Tuy nhiên, hầu như rất ít doanh nghiệp du lịch trong tỉnh biết được thông tin sự kiện này.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận, nếu gọi là festival du lịch biển, thì đối tượng hướng đến đầu tiên phải là du khách và các doanh nghiệp lữ hành, còn không đó chỉ là một sự kiện xã hội thông thường phục vụ cộng đồng, nếu vậy sẽ không có hiệu ứng về du lịch như mục đích đặt ra. “Hiệp hội chỉ biết qua mạng và thông tin báo chí thôi chứ không có thông tin gì từ ban tổ chức, nên thật sự những thông tin về du lịch Tam Kỳ cũng như phía nam rất mờ nhạt” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, cái thiếu nhất hiện nay của du lịch Tam Kỳ và phía nam là chưa có một điểm đến rõ ràng để doanh nghiệp lữ hành tham gia. “Giả sử bây giờ nếu đưa khách tham quan Tam Kỳ sẽ chẳng biết điểm đến bài bản cụ thể. Giữa tiềm năng và sản phẩm là một khoảng xa, thể hiện ở chất lượng dịch vụ, con người phục vụ, hạ tầng, tiện nghi... nên trước mắt chúng ta phải xác định sản phẩm, đầu tư, quảng bá, kết nối doanh nghiệp du lịch... Do vậy, Tam Kỳ hay các huyện phía nam muốn làm du lịch thì phải lên một kế hoạch bài bản từ tuyên truyền, đầu tư đến đào tạo hay đúng hơn là xây dựng khả năng đón nhận và sức chống chịu với du lịch” - ông Thanh thẳng thắn.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Tam Kỳ tổ chức lễ hội quảng bá biển Tam Kỳ (trước đó là các chương trình Tam Thanh biển gọi) nhưng lượng khách đến thành phố vẫn chưa tương xứng. Ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty du lịch Jack Tran Tours (Hội An) cho rằng, bất kỳ lễ hội du lịch nào ngoài yếu tố truyền thông cũng cần có sự kết nối với công ty lữ hành, đây là điều rất quan trọng vì chính công ty lữ hành sẽ là người đưa khách đến. “Tôi không biết vì sao ban tổ chức không kết nối với doanh nghiệp. Một sự kiện quảng bá du lịch mà không có sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành thì khó thể nói là hiệu quả được. Bởi địa phương làm gì đủ sức kéo khách đến nếu không có vai trò doanh nghiệp lữ hành. Dĩ nhiên địa phương phải có sản phẩm tốt đã” - ông Khoa khẳng định.
Hẳn nhiên, để làm khát vọng phát triển biển thành hiện thực, Tam Kỳ còn cần rất nhiều điều phải làm trong thời gian tới.
TẬN DỤNG LỢI THẾ BIỂN
Có cảnh quan đẹp, sở hữu nhiều đặc sắc văn hóa, chưa hẳn có thể thu hút khách. Liệu Tam Kỳ còn thiếu những điều kiện gì để đưa tiềm năng du lịch biển trở thành động lực của phát triển kinh tế trong nay mai?
Thiếu sản phẩm thu hút
Bà Nguyễn Thị Sương – Giám đốc điều hành Tam Thanh Beach Resort - khu lưu trú lớn nhất tại biển Tam Thanh, cho biết, khách đăng ký lưu trú tập trung cao điểm từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, công suất phòng bình quân đạt khoảng 55%/năm. Theo bà, phần lớn là khách nhóm, gia đình từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nghỉ dưỡng, và lưu trú khoảng 2 - 3 ngày. Thỉnh thoảng vẫn có khách lữ hành và khách nước ngoài lưu trú, nhưng số này không nhiều. “Do hầu hết khách ở đây là nghỉ dưỡng nên ngoài tắm biển đa số quay về khách sạn ăn uống, nghỉ ngơi, ít ra ngoài, nếu có cũng chỉ khám phá làng bích họa thôi” - bà Sương cho biết. Cũng theo bà Sương, khách phản hồi tốt về biển Tam Thanh, thậm chí có khách còn khẳng định biển Tam Thanh là một trong bãi biển đẹp và còn hoang sơ nhất hiện nay ở miền Trung. “Rất nhiều khách đăng ký quay lại khách sạn lần sau vì họ nói thích không gian và biển nơi này, do đó những tháng mùa hè công suất phòng khách sạn luôn đạt 90 - 100%, bù lại cho những tháng mùa mưa” - bà Sương nói.
Bà Đặng Tuyết Lan – Phó Trưởng phòng VHTT TP.Tam Kỳ khẳng định, dù du lịch biển hiện chiếm khoảng 50% lượng khách đến Tam Kỳ (sau công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng) và khởi sắc qua từng năm, nhưng thẳng thắn nhìn nhận du lịch biển vẫn chưa phát triển như kỳ vọng và thiếu bền vững. Điều này được lý giải bởi năng lực của Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xã Tam Thanh hạn chế, dẫn đến không có khách. “Ngoài việc bổ sung 54 bức bích họa tại thôn Hòa Thuận (Thượng Thanh cũ) năm ngoái thành phố cũng không có sự kiện gì nổi bật. Du lịch Tam Kỳ hiện nay chủ yếu phát triển theo sự kiện nên lượng khách từ du lịch biển không cao” - bà Lan phân tích. Năm 2018 Tam Kỳ đón khoảng 200 nghìn khách tham quan lưu trú, đa số khách lẻ, đi tự do, khách đoàn du lịch, lữ hành rất ít.
Cần kết nối lữ hành
Liệu có phải TP.Tam Kỳ vẫn chưa xem trọng khâu tiếp thị du lịch biển của mình? Ông P. Huyn Dong - Giám đốc dự án của Công ty CG Việt Nam cho rằng, hiện nay có sự lệch pha về khâu quảng bá ở du lịch Việt Nam. Những nơi đã quá nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, không cần quảng bá thì khách cũng tự đến. Nhưng ở các vùng biển khác, du khách không thể tự đến, vì quảng bá không đến được với họ. “Địa phương cần để hãng lữ hành, du khách thấy được hạ tầng và những nỗ lực đầu tư. Cần đường sá thuận lợi cho xe tìm tới. Nghỉ, ăn, dịch vụ như thế nào? Phải chuẩn bị những điều này. Bây giờ phương tiện truyền thông, mạng xã hội… đều có thể sử dụng để quảng bá, nên phải tạo sự cạnh tranh để làm nên những điều khác biệt trong phát triển du lịch” - ông Huyn Dong nói thêm. Cùng với đó, một hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, bao gồm nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, các sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển sẽ được hoàn thiện để thu hút du khách trong tương lai, bên cạnh những bãi biển và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Có được những điều này thì mới thật sự thu hút và giữ chân du khách đến với bờ biển Tam Kỳ.
Sau kỳ festival này, TP. Tam Kỳ sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch xúc tiến, quảng bá cũng như kết nối với các hãng lữ hành. “Lâu nay, chương trình du lịch trải nghiệm của TP.Tam Kỳ vẫn có nhưng cách quảng bá còn mờ nhạt nên khách tới đăng ký trải nghiệm và kết nối tour chưa nhiều, chủ yếu khách lẻ nhóm, rất ít khách do công ty lữ hành đưa đến. Sau lễ hội, chúng tôi xác định công tác quảng bá xúc tiến sẽ cần được tăng cường thêm. Cụ thể, sau khi hoàn thành khôi phục con đường thuyền thúng, Phòng VHTT thành phố sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho đội ngũ làm du lịch ở Tam Thanh cũng như Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xã Tam Thanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến kết nối với lữ hành để đưa khách đến Tam Kỳ nói chung và biển Tam Thanh nói riêng” - bà Đặng Tuyết Lan chia sẻ.