Đồng hành với nông dân nghèo
Thời gian qua, hội nông dân các cấp huyện Thăng Bình đã đồng hành với hội viên trong việc vay vốn, hỗ trợ dạy nghề. Nhờ vậy, nhiều nông dân Thăng Bình đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trước đây, ba của anh Lê Văn Ân ở thôn Quý Hương (xã Bình Quý) từng chăn nuôi bò để cày ruộng nên không sinh lợi. Đầu năm 2013, anh Ân tham gia khóa học nghề chăn nuôi bò vỗ béo do Hội Nông dân xã Bình Quý tổ chức. Sau khi học xong, anh mạnh dạn đầu tư khoảng 150 triệu đồng, trong đó qua kênh Hội Nông dân xã vay 40 triệu đồng làm chuồng trại kiên cố và mua 6 con bò đực giống để nuôi. Sau 6 tháng nuôi nhốt chuồng, anh lãi ròng khoảng 15 triệu đồng/con. Thấy có tiềm năng, anh tiếp tục sử dụng 4 sào đất bỏ hoang của gia đình để trồng cỏ chăn nuôi. Ngoài việc cho ăn đủ 120kg cỏ cho 6 con bò/ngày, anh còn vỗ béo bò bằng cám gạo. Nhờ cho ăn đủ chất dinh dưỡng, nuôi 6 tháng, anh xuất bán bò. Nuôi một năm 2 lứa bò, anh có thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Đó là số tiền mà nhiều nông hộ khác mơ ước. Anh Ân cho biết: “Nuôi bò, quan trọng nhất là chọn con giống tốt, cho ăn đủ chất dinh dưỡng mới nhanh lớn. Hiện nay, bò trên thị trường đã có giá trở lại, tôi tin tưởng và tiếp tục giữ mô hình chăn nuôi bò vỗ béo để làm ăn phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững”. Ông Nguyễn Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Quý, cho biết, hiện toàn xã có 3.000 con bò lai, trong đó tập trung nhiều tại thôn Quý Hương. Thời gian qua, hội đã tạo điều kiện cho hội viên vay vốn chăn nuôi bò. Cạnh đó, nhận thấy tiềm năng chăn nuôi, hội đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi để bà con có kiến thức. Mô hình của anh Lê Văn Ân rất hiệu quả, cần nhân rộng...
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thăng Bình đã điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo, gặp gỡ để nắm rõ nguyên nhân nghèo nhằm giúp đỡ bà con thoát nghèo. Bên cạnh cách làm hay của Hội Nông dân xã Bình Quý, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện và các ngành chức năng tổ chức 116 lớp tập huấn với 4.600 hội viên tham gia; 55 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nghề như trồng nấm, chăn nuôi, dịch vụ thú y, trồng tiêu; 25 lớp nghề phi nông nghiệp. Các lớp dạy nghề được học với thời gian 3 tháng theo Quyết định 1956-QĐ/CP của Chính phủ rất thiết thực, hiệu quả, giúp bà con nông dân nắm vững kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi... Với phương châm “nông dân cần gì học nấy”, theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” là chính nhằm cung cấp kiến thức để nông dân hoạch định làm ăn vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện đã huy động được 2,7 tỷ đồng nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân và tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân hơn 137 tỷ đồng cho hội viên nông dân vay vốn.
Ông Huỳnh Quới - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình cho biết, qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đã tạo nhận thức sâu sắc trong cán bộ hội viên nông dân về công tác giảm nghèo. Hàng năm, hội đưa ra chỉ tiêu trong việc giúp đỡ hội viên nông dân thoát nghèo đối với từng cơ sở hội. Kết quả từ năm 2014 đến nay, các cấp hội đã trực tiếp giúp 342 hộ thoát nghèo.