Nguồn nước nhiễm phèn, mặn ở các xã ven biển: Khó tìm cách khắc phục
Tình trạng hàng nghìn hộ dân các khu vực xã Bình Nam (Thăng Bình), Tam Thăng (TP. Tam Kỳ) khát nước sạch do nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn và ô nhiễm là bài toán nan giải đối với các địa phương.
Nước nhiễm phèn, mặn nặng
Hàng trăm hộ dân thôn Nghĩa Hòa và thôn Phương Tân, Vịnh Giang (xã Bình Nam) đang đối diện với thực trạng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, phèn và ô nhiễm nặng. Dù xã có công trình đê ngăn mặn và đập bara ngăn mặn, song theo người dân tổ 6, các công trình này chỉ có tác dụng ngăn mặn cho nguồn nước mặt và đồng ruộng, không ngăn được mặn xâm nhập sâu vào nguồn nước ngầm của vùng.
Ông Hoàng Văn Tám (người dân tổ 6 - Bình Đông) cho biết: “Ngay tới cây lúa ở toàn bộ khu vực sát đê ngăn mặn còn bị vàng lá, cháy lá, huống chi là nguồn nước. Mặn kinh lắm. Nước bơm lên có màu tím đục, cục lọc qua 2-3 ngày là đen kịt, thiết bị lọc hư nhanh lắm. Nước lọc rồi nấu uống vẫn lợ rất khó chịu nhưng phải sử dụng vì chưa có nước sạch”.
Bà Trần Thị Yến (60 tuổi, tổ 6 - Bình Đông) cho biết thêm, tổ 6 có tới 70 hộ đối diện với nguy cơ nhiễm mặn, phèn và ô nhiễm nguồn nước do nằm quá sát khu vực nuôi tôm vùng triều ven biển và ven sông Trường Giang. “Độ mặn cao lắm, bơm nước lên đã qua lọc rồi mà tắm rửa vẫn rít rất khó chịu. Nước ăn uống thì mua nước bình nhưng cũng rất lo. Chúng tôi mong được cấp nước sạch sử dụng” - bà Yến nói.
Tình trạng nhiễm mặn, phèn tác động lên nguồn nước uống, sinh hoạt cũng là thực trạng ở Phương Tân, Vịnh Giang. Ông Phạm Đức Châu (thôn Vịnh Giang) cho hay, gia đình ông đóng giếng sâu 7m nhưng vẫn bị mặn, càng đào sâu độ mặn sẽ càng cao. “Nước ở khu vực quanh nhà tôi bị nhiễm mặn hết. Lọc tắm rửa, sinh hoạt còn khó chịu huống gì là ăn uống. Ở đây ai cũng bỏ mỗi tháng 500.000 đồng mua nước bình về nấu ăn, uống. Xoay xở nước nôi chật vật, khó khăn nên ai nấy mong chờ có nước sạch lắm” - ông Châu tâm sự.
Bà Trần Thị Phụng, bà Lê Thị Hiếu (trú cùng thôn) kể, không chỉ giếng nhà mình bị phèn mà hàng chục hộ lân cận cũng bị phèn đỏ, phèn vàng, hôi tanh khó chịu. Trong khi cách đó một xóm, giếng nhà ông Lê Vinh, bà Phạm Thị Hồng, bà Châu Thị Mãi thì lại bị nhiễm mặn. Người dân cho biết, nguyên nhân của tình trạng nhiễm mặn, phèn và ô nhiễm nguồn nước, có phần lớn do hoạt động nuôi tôm tự phát ở vùng triều và ven sông Trường Giang gây nên. “Người ta nuôi tôm xả thải trực tiếp ra biển, ra sông. Độ mặn của các hồ tôm vẫn còn nên nguy cơ gây ảnh hưởng tới nguồn nước mặt, nước ngầm của thôn rất lớn” - một người dân xã Bình Nam nói.
Mấy trăm hộ dân thôn Thái Nam (xã Tam Thăng) hiện vẫn “sống chung” với nguồn nước phèn và bẩn. Theo khảo sát, hầu hết người dân ở thôn đều sử dụng giếng đóng, giếng đào hút lên bể lọc, nhiều nhà dân nước bị phèn đỏ, phèn vàng, bể nước thường xuyên bị rong rêu rất bẩn. Ông Trần Thanh Hùng - Trưởng thôn Thái Nam cho biết, có tới 80% số hộ trong thôn phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn và ô nhiễm và ngày càng có xu hướng nặng hơn.
“Qua các kỳ tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị được cấp nước sạch nhưng vẫn chưa có kết quả. Thái Nam chỉ cách các thôn có nước sạch mấy trăm mét nhưng lại không có nước sạch. Ai nấy mòn mỏi chờ đợi nhà nước và phía công ty cấp nước kéo đường ống qua thôn để dân được hưởng lợi bởi không thể cứ mãi sống chung với nguồn nước ô nhiễm” - ông Hùng nói.
Mòn mỏi chờ cấp nước
Ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, thực trạng nhiễm mặn, phèn và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn 3 thôn của xã, bên cạnh nguyên nhân do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu công trình thủy lợi đẩy mặn... thì nguyên nhân lớn là do tình trạng nuôi tôm tự phát tràn lan, ồ ạt ven sông, ven biển. Địa phương đã tính tới chuyện quy hoạch nhưng không ai muốn vào vùng quy hoạch.
“Nguồn nước khu vực này nhiễm mặn rất cao, có thời điểm lên tới chục phần nghìn tới 17 phần nghìn (0/00). Có 40/153ha đất sản xuất lúa, màu sát chân đê phải bỏ hoang do vụ hè thu không đảm bảo nước tưới và lo ảnh hưởng bởi mặn. Còn nước sinh hoạt ở đây người dân tự lọc thô sử dụng, nước uống thì 90 - 100% hộ sử dụng nước đóng bình. Trước đây, xã có dự án BO, một doanh nghiệp về khảo sát nguồn nước và nhu cầu sử dụng của người dân, đề xuất giải pháp cấp nước từ đập Phú Ninh về xã. Tuy nhiên, sau khi cân đối chi phí đầu tư và lợi nhuận, đơn vị này xin rút” - ông Tốt cho biết.
Việc cấp nước sạch cho 3 thôn còn lại của xã Tam Thăng cũng là nhu cầu bức thiết. Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng thông tin, tại 3 thôn Tân Thái, Thái Nam và một phần Ngọc Tân có 1.000 hộ dân chưa được cấp nước sạch. Bên cạnh nguyên nhân do khu vực trên chưa có hạ tầng, chưa đầu tư công trình đảm bảo cấp nước, nhu cầu của người dân đăng ký dùng nước sạch còn ít, không chịu đóng góp chi phí bắt đường ống là nguyên nhân khiến việc cấp nước chậm hơn các thôn khác.
“Theo dự kiến, trong năm 2019, một doanh nghiệp cấp nước sạch của tỉnh sẽ đầu tư 19 tỷ đồng để xây dựng công trình cấp nước phục vụ 3 thôn còn lại và vùng lân cận. Tuy nhiên, cụ thể thời điểm nào người dân sẽ có nước sạch sử dụng thì xã vẫn chưa rõ” - ông Hùng nói.