Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam: Thống nhất cao việc ban hành Luật Thư viện

NHO TUẤN 14/06/2019 14:23

(QNO) - Chiều 11.6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thư viện. Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia góp ý nhiều nội dung của dự thảo luật này.

Sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh Thư viện, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận, mạng lưới thư viện công lập phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động thư viện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Do vậy, tham gia thảo luận về dự thảo luật này, đại biểu Phan Thái Bình tán thành cao việc ban hành Luật Thư viện và cho rằng Pháp lệnh Thư viện năm 2000 đến nay nhiều nội dung không còn phù hợp.

Về điều kiện thành lập thư viện tại Điều 8 quy định "có người làm thư viện đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu và quy chế thư viện", đại biểu Phan Thái Bình góp ý, quy định này là chưa phù hợp với thực tiễn vì hiện nay một số mô hình do cá nhân như cán bộ hưu trí, những người ham mê văn hóa đọc có nguồn sách phong phú tự thành lập hoặc do cộng đồng dân cư góp đầu sách, cơ sở vật chất để thành lập phục vụ cho cộng đồng, không vì mục tiêu lợi nhuận, đã và đang hoạt động hiệu quả và rất thiết thực. Do đó, các thư viện này không cần thiết phải có người làm thư viện, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu và quy chế thư viện. Có như vậy mới đảm bảo được mục đích và quan điểm của Chính phủ là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy nguồn lực xã hội trong hoạt động thư viện.

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập thư viện công cộng tại Điều 9 (Điểm a Khoản 1), đại biểu Phan Thái Bình đề nghị phân cấp thẩm quyền thành lập thư viện công lập do UBND cấp huyện. Cụ thể như sau: chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thư viện công cộng cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã. Việc phân cấp thành lập thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã do UBND cấp huyện nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như thuận lợi trong quản lý hoạt động thư viện cấp cơ sở.

Ngoài ra, về nội dung đình chỉ hoạt động thư viện tại Điểm b Khoản 2 Điều 11, đề nghị chỉnh sửa cụm từ "thư viện không đáp ứng đủ các điều kiện" thành "thư viện không còn đáp ứng đủ các điều kiện". Viết lại như sau: "sau khi thành lập và trong quá trình thành lập thư viện không còn đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 8 của luật này". Bởi vì không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 8 thì đã không được thành lập.

Theo đại biểu Phan Thái Bình, tại Khoản 5 Điều 11 quy định "người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập thư viện có quyền quyết định đình chỉ hoạt động thư viện" là không phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Bởi lý do: về hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, với tư cách là một biện pháp xử phạt hành chính được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt thì chỉ có một số chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn như chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, trưởng công an cấp huyện, giám đốc công an cấp tỉnh... Do đó, quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, có quyền đình chỉ hoạt động có thời hạn là không phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì rất nhiều, rộng hơn nhiều so với thẩm quyền áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn; đồng thời những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập thư viện có trường hợp có cả người nước ngoài được thành lập thư viện theo quy định tại Điều 5 của dự thảo luật, thì người nước ngoài này không có thẩm quyền áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về trách nhiệm của UBND các cấp tại Điểm d Khoản 2 Điều 49, đại biểu đề nghị cần có đánh giá cụ thể về tính khả thi của quy định "đối với địa bàn chưa có thư viện, tích hợp các nguồn tài liệu được trang bị từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối và sử dụng cơ sở vật chất sẵn có, lựa chọn bố trí địa điểm thích hợp tại trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa, thể thao xã, điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, nơi sinh hoạt chung của cộng đồng hoặc trụ sở cơ quan, thư viện ngoài công lập trên địa bàn để hình thành không gian đọc cho người dân". Vì khi hình thành một không gian đọc đòi hỏi có một số điều kiện cơ bản và tối thiểu như: không gian, tài liệu, nhân lực quản lý. Tuy nhiên, nội dung quy định này mới đề cập nguồn tài liệu là nguồn tài liệu được trang bị từ ngân sách nhà nước và không gian đọc nhưng không đề cập đến nhân lực quản lý. Như vậy, nguồn tài liệu đã huy động có được bảo quản giữ gìn, khai thác hiệu quả và phát huy tác dụng trong thực tiễn hay không, cần đánh giá thật kỹ vấn đề này.

Theo kế hoạch, sau khi lấy ý kiến góp ý tại kỳ họp lần này, dự án Luật Thư viện sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 10.2019).

NHO TUẤN