Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết

LÊ QUÂN 14/06/2019 14:03

“Vệ sinh nhà ở, phòng chống muỗi gây bệnh tại nhà bạn” là thông điệp được truyền đi rộng rãi nhân “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2019” (15.6). Tại Quảng Nam, các chiến dịch truyền thông hưởng ứng cũng như hoạt động nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng đang được đẩy mạnh…

Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: CDC
Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: CDC

Cảnh giác với dịch sốt xuất huyết

Cuối năm 2018, Quảng Nam bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH) với gần 2.500 ca. Trong đó, hình thành 89 ổ dịch nhỏ tại 42 xã, phường, thị trấn. Một số địa phương có số ca mắc tăng cao như Điện Bàn với 1.293 ca. Đặc biệt, Tây Giang là huyện lâu nay không có dịch SXH cũng xuất hiện 80 ca. Tiếp tục đến tháng 4.2019, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), huyện Phước Sơn phát hiện 50 ca nhiễm SXH. Điều đặc biệt, kể từ lần thứ nhất hồi năm 2004, đến năm 2019, địa phương này mới xuất hiện trở lại bệnh này.

Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, vì khoảng cách lần thứ hai cách khá xa lần dịch đầu, nên người dân còn chủ quan với tình hình dịch, trong khi điều kiện thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh lại phát triển. Đây là lý do được hầu hết các địa phương miền núi lý giải khi xuất hiện ổ dịch SXH, như tại huyện Tây Giang năm 2018 và tại Phước Sơn hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019 do Bộ Y tế tổ chức sáng 11.6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh cần phải truyền thông chủ động phòng chống dịch trước rồi mới đến chữa bệnh, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa hè, chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí về tình hình dịch và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh. Bộ Y tế khuyến cáo đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH hiệu quả với các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình theo mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có SXH”. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị SXH đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Long - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho hay, 50 ca SXH xuất hiện tại địa phương do người dân có phần chủ quan trong công tác phát hiện bệnh ban đầu, cũng thiếu kiến thức phòng bệnh. Do đó, khi có ca bệnh đầu tiên, người dân thường nhầm với sốt thông thường nên không điều trị kịp thời, dẫn đến bệnh lây lan thành dịch. Tính đến thời điểm này, Quảng Nam ghi nhận có 917 ca SXH, tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Ades aegypti và Ades albopictus, trong đó chủ yếu là do Ades aegypti.

Với điều kiện khí hậu Việt Nam, hiện lưu hành 4 tuýp vi rút SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh trước đó, năm nay vẫn có thể mắc lại. Người bệnh cũng trở thành nguồn lây truyền bệnh nếu sơ ý để muỗi đốt người bệnh SXH rồi lại đốt người khỏe mạnh. Do đó, khuyến cáo của ngành y tế,  người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.

Chủ động phòng bệnh

Với các lý do từ môi trường sống, như khan hiếm nguồn nước sạch ở các nơi, đặc biệt là vùng nông thôn khiến người dân có thói quen phải tích trữ nước sạch trong lu, bể dễ tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản. Không thường xuyên vệ sinh, thay nước trong lọ hoa, bể cây cảnh, cộng thêm điều kiện nhà ở, nhà trọ, lán trại, các công trình xây dựng, chuồng trại thiếu vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo ở các vùng ven đô… là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và nguy cơ gây dịch bệnh rất lớn. Đối với những nơi đã xảy ra ổ dịch, công tác phòng chống dịch cần khẩn trương và đồng bộ ngay từ khi phát hiện.

Bác sĩ Huỳnh Công Quang nói thêm: “Tại Phước Sơn, ngay đầu tháng 5 vừa qua, CDC Quảng Nam đã tham gia họp Ban chỉ đạo chống dịch của huyện Phước Sơn và các ban ngành đoàn thể địa phương để triển khai hoạt động phòng chống. Bao gồm thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trên địa bàn toàn thị trấn với sự tham gia của các ban ngành đoàn thể, phun hóa chất diệt muỗi tại nơi xảy ra dịch và các địa bàn lân cận. Ngoài ra chúng tôi tổ chức truyên truyền phòng chống bệnh SXH bằng xe cổ động, loa phát thanh trên toàn thị trấn, tổ chức tốt công tác điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới của Trung tâm Y tế huyện, không để xảy ra tử vong. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và báo cáo dịch hằng ngày”.

Cùng với Trung tâm Y tế Phước Sơn, CDC Quảng Nam đã tiếp tục cấp hóa chất, hỗ trợ máy phun, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật phun hóa chất, hỗ trợ tuyên truyền phòng chống dịch toàn diện nhằm khống chế dịch bệnh.

LÊ QUÂN