Mang yoga đến phụ nữ nông thôn
Gần 2 năm qua, chị Dương Thị Thanh, cán bộ dân số của Phòng Dân số (thuộc Trung tâm Y tế Thăng Bình) tranh thủ ngoài giờ hành chính để mang kiến thức yoga đến nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã Bình Quý, Bình Minh.
Năm 2016, chị Dương Thị Thanh (Bình Sơn, Hiệp Đức) công tác tại Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Thăng Bình, nay là Phòng Dân số, trực thuộc Trung tâm Y tế huyện. Đó là cũng là thời điểm chị Thanh sinh đứa con thứ 2. Khi ấy, thân hình của chị Thanh quá khổ. Vốn chỉ cao 1,46m nhưng chị Thanh tăng đến cân nặng 60kg. Sau thời gian tập luyện yoga, thân hình chị Thanh trở nên thon gọn và có ý tưởng mở lớp để truyền đạt những điều đã đọc được với nhiều phụ nữ khác.
Vào tháng 10.2017, chị Thanh quyết định mở lớp dạy yoga; trong đó không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất mà cả áp lực về tinh thần. Trong 6 tháng đầu, lớp yoga của chị chỉ có 10 thành viên tham gia học. Bởi khi ấy, phương pháp luyện tập này chưa phổ biến, mọi người còn chưa nhận thức hết được những lợi ích từ yoga mang lại. Hơn nữa, số tiền học phí của bộ môn này cao hơn các môn khác nên chị em còn khá e dè. Thế nhưng, những học viên ban đầu đã rủ dần bạn bè của chính họ đến với yoga. Đến bây giờ, con số ấy đã lên đến hàng trăm người với 7 cơ sở đặt tại thị trấn Hà Lam, Bình Quý, Bình Minh (huyện Thăng Bình) và huyện Hiệp Đức. Mỗi cơ sở, thời gian tập trong vòng 1 giờ đồng hồ, trong đó ca sáng từ 5h - 7h; ca trưa từ 11h - 13h và ca chiều từ 17h - 19h. Đến với cơ sở yoga Dương Thanh từ những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Kim Phương (thị trấn Hà lam) chia sẻ: “Lúc đầu khi luyện tập yoga rất khó khăn, nhất là những động tác đòi hỏi về kỹ thuật. Tuy nhiên lâu dần, yoga đã giúp tôi cải thiện được sức khỏe, nhất là về đêm ngủ sâu hơn”.
Ngoài công việc ở Phòng Y tế huyện, chị Thanh tranh thủ thời gian tham gia khóa học yoga nâng cao, tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng internet. Bởi theo chị, học yoga đã khó nhưng dạy yoga càng khó hơn. Phương pháp luyện tập này không phân biệt độ tuổi, giới tính, thành phần vì vậy mà học viên của chị rất đa dạng. Ở đó, có những em nhỏ chỉ từ 5 tuổi và có cả những cô trên 50 tuổi. Với mỗi lứa tuổi phải có một cách truyền đạt phù hợp. Và trên hết, tôn trọng học viên là điều được chị đặt lên hàng đầu. Để rồi, mỗi ai đến với lớp học yoga của chị không chỉ được rèn luyện sức khỏe mà còn có nơi để sẻ chia, để trải lòng những khó khăn trong cuộc sống. Chị Thanh cho biết thêm: “Hiện nay, điều chị mong muốn nhất là tạo được nguồn huấn luyện viên chuyên nghiệp. Bởi nếu muốn mở rộng thêm cơ sở thì những huấn luyện viên này sẽ thay tôi truyền đạt những kiến thức đến với học viên. Và chính những huấn luyện viên này sẽ thay tôi quản lý cơ sở”. Mở rộng thêm nhiều cơ sở, đặc biệt, hướng đến vùng nông thôn, chị Thanh đang ấp ủ mong muốn đưa phương pháp luyện tập này đến với đông đảo chị em phụ nữ. Và cách để lan tỏa mạnh mẽ nhất chính là hiệu quả luyện tập của học viên. Bởi vậy, mỗi lần lên lớp chị đều giảng dạy bằng cả tâm huyết.