Đường thơm

HỨA XUYÊN HUỲNH 11/06/2019 14:32

Lâu nay, tôi đọc và nghe kể về những tuyến đường hoa, nào có biết người ta đang nói về chính ngả đường thân thuộc của quê mình. Mà những ngả đường ấy, mới ngày nào còn bỏng rát chân và khô cằn gai bụi hai bên…

Một góc đường hoa trên tuyến đường liên xã Tây Trường Giang.Ảnh: H.X.H
Một góc đường hoa trên tuyến đường liên xã Tây Trường Giang.Ảnh: H.X.H

Những ngả đường hoa

Trồng hoa tô điểm làng quê, đường làng có hoa…, Báo Quảng Nam đã từng đăng tải những bài viết như thế về các “công trình” thú vị ở làng quê hẻo lánh. Từ làng cổ Tiên Phước, xuống Bình Nguyên (Thăng Bình) là những ngả đường hoa. Ra Duy Thành (Duy Xuyên), Quế Phú (Quế Sơn), Điện Minh (Điện Bàn) hoặc quanh lên Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại An (Đại Lộc)… cũng vậy. Và có lần tôi đọc lướt qua bản tin tương tự, viết về 3 tuyến đường hoa dài tổng cộng hơn 600m ở tổ 11, thôn Vân Tây, xã Bình Triều (Thăng Bình).

Để rồi đến đầu tuần này, sau rất nhiều chuyến dong xe về quê vội vã, tôi mới nhận ra: ở thôn Vân Tây có quá nhiều tuyến đường trồng hoa chứ không chỉ có vài trăm mét đường tiêu biểu vừa kể. Cả thôn có cả thảy 5 tổ, tổ nào cũng thấy đôi vệt hoa khoe sắc hai bên đường, bất kể đó là đường liên xã rộng rãi hay đường liên thôn chật hẹp. Đẹp nhất phải kể đến các ngả đường dẫn về phía đông, hướng cồn Bá Lang thuộc thôn 11. Rồi tuyến đường dẫn ra tổ 12, gần với thôn Phước Ấm. Các ngả đường khác men sâu vào vùng cát nóng, như dọc tuyến đường tây Trường Giang (tổ 10, tức đường liên xã) hay đường kẽ vuông góc lên phía trên (tổ 9), đường rẽ về phía sông Trường Giang (tổ 8)…, cũng tươi tắn hoa.

Vân Tây đang là thôn điểm của toàn xã Bình Triều cho một chương trình có tên gọi thoạt nghe có vẻ hơi “cứng nhắc”: Khu dân cư kiểu mẫu. Tất cả được khởi sự từ năm ngoái, khi địa phương hỗ trợ và vận động người dân chung tay trồng hoa để đẹp làng đẹp xóm. “Người dân phấn khởi lắm!” - ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã, nhớ lại những ngày đầu. Ông Ba, cũng là người ở ngay thôn điểm Vân Tây, tiết lộ địa phương có nhiều lý do để duy trì chương trình này nhưng chưa dừng lại ở đó, mà còn đang tính sẽ vận động người dân trồng hoa từ đường nối Cây Cốc xuống đến đường ven biển 129. Tất nhiên, dự tính mới cũng gói gọn trong địa phận của thôn.

Thoáng chút buồn, ông Ba bảo trận lũ năm ngoái đã “vùi liễu dập hoa” bao nhiêu mép đường có cây cỏ. Đến cây cầu trên tuyến liên xã thuộc đường Tây Trường Giang còn gãy đổ, đến giờ còn chưa sửa xong, huống hồ mấy cành hoa mỏng mảnh… Nhưng sau nửa năm, các vạt hoa cỏ đã kịp gượng dậy. Người dân đã chung tay sửa soạn lại. Chính hội viên phụ nữ đã đảm nhận xây dựng nhiều tuyến đường hoa, dưới tên gọi tổ tự quản “xanh - sạch - đẹp”. Các bác cựu chiến binh, các bạn đoàn viên - thanh niên cũng xắn tay vận động người dân ven đường “dời” chuồng trại ra phía sau nhà, lắp đặt hệ thống điện đường hay xới đất trồng cây…

Chào hoa!

Trải qua thời thơ ấu sống ở vùng cát phía đông Thăng Bình, mỗi lần nhìn thấy quang cảnh tươi mát phì nhiêu ở đâu đó mé trên Gò Nổi (Điện Bàn) hay cánh bắc Duy Xuyên…, tâm trí tôi không khỏi có chút xao động. Bởi làng mạc vườn tược nhiều nơi ngay chính xứ Quảng này sao trù phú, còn quê mình lại cằn cỗi đến thế kia? Để rồi cứ thầm ước, biết đâu có một ngày đường làng ngõ xóm ở quê cũ sẽ được “thay da đổi thịt”.

Những ngả đường quê dẫn sâu vào các nổng cát, mường tượng cứ như mạch máu li ti chảy men vào vùng cơ thể khô cằn. Từ lối đi đầu tiên đầy cát chật hẹp, đến ngày đường được “tráng” đất sét, rồi rải đá dăm, rồi được đổ bê tông... “Mạch máu” ngày càng dài rộng trên cơ thể rắn rỏi. Nhưng có thế nào, lề đường vẫn đầy bụi rậm, gai cỏ.

Ở thời nhỏ dại nhiều ao ước ấy, mỗi ngày ngang qua những ngả đường bít bùng gai cỏ, tôi cũng từng nhẩm đọc thơ Huy Cận: “Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm…/ Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm/ Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng” (Đi giữa đường thơm). Ấy vậy mà đến giờ, tôi thấy mình may mắn vì không cần “tưởng tượng” gì nữa cả. Hương hoa có sẵn đây rồi, hoa dại và mùi rơm đã làm thơm nức đường quê!

Làng giống cô gái biết ngắm mình trong gương mỗi sáng, để chăm chút vẽ một đường chân mày sắc nét. Đường thơm hơn, nhiều góc cua trở nên dịu dàng khả ái hơn, lại nhất cử lưỡng tiện: cư dân càng yêu quý từng mét đường đi về thôn xóm và càng không hề muốn làm cho phong cảnh xấu đi. Ai có thể thản nhiên vứt xuống vệ đường một bịch rác, vì bên dưới đã có những cụm hoa mười giờ, tý ngọ, sam… xinh tươi?

Dù muốn hay không, tôi bỗng dưng muốn đối sánh giữa đường làng với các tuyến đường ở phố xá, nơi gắn camera an ninh. Mỗi nơi có một nhu cầu về an toàn, trật tự riêng, và hình ảnh trích xuất từ camera an ninh đã giúp ích rất nhiều cho khâu quản lý, thậm chí là điều tra án như đánh giá của cơ quan chức năng. Nhưng thử nghĩ mà xem: Bạn cần một sự đón chào hân hạnh bởi một con đường xanh hoa lá, hay lúc nào cũng như đang cảnh giới?

Đôi khi, có những niềm vui nho nhỏ, những thay đổi nho nhỏ ở góc quê xứ nào đó bình dị, không cần quá “to tát” để diễn đạt về một cuộc vận động chỉnh trang và thay đổi diện mạo nông thôn mới. Nên đầu tuần này, khi dừng xe trước tấm biển nhỏ ghi dòng chữ “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch nơi công cộng là lối sống thân thiện với môi trường” ngay cạnh luống hoa tím đã tươi sắc lá trên con đường Tây Trường Giang dẫn ra hướng chợ Được, tôi biết mình đang gặp một người bạn mới và rất muốn mở lời chào.

Chào hoa!

HỨA XUYÊN HUỲNH