Quản lý nguồn thu từ du lịch di sản
Gần 20 năm kể từ khi khu đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, hoạt động du lịch nơi đây phát triển khá mạnh mẽ. Nguồn thu từ du lịch gia tăng đã góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn di sản thông qua kinh phí trích lại. Tuy nhiên, tại một số điểm hội quán, du lịch tâm linh Hội An việc sử dụng nguồn thu của các ban trị sự cũng đặt ra nhiều câu hỏi về sự minh bạch và hợp lý.
PHÁT TRIỂN ĐỂ BẢO TỒN DI TÍCH HIỆU QUẢ
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, mỗi năm đơn vị tiến hành tu bổ chừng 10 – 15 di tích, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 10 – 20 tỷ đồng. Kinh phí chủ yếu được trích từ tiền bán vé tham quan phố cổ.
Đủ tiền trùng tu di tích
Theo quy định của UBND tỉnh về quản lý sử dụng nguồn thu từ vé tham quan phố cổ Hội An, tổng số tiền bán vé sẽ được chia làm 3 phần. Cụ thể, trích lại 30% cho đơn vị quản lý bán vé tham quan là Trung tâm Văn hóa Thể thao - Truyền thanh truyền hình (VH-TT-TTTH) Hội An để thực hiện các hoạt động sự nghiệp (trình diễn, lễ hội, quảng bá…); 35% nộp ngân sách Nhà nước theo quy định điều chỉnh cải cách tiền lương của tỉnh; 35% còn lại được sử dụng vào các hoạt động tu bổ tôn tạo di tích, đầu tư kết cấu hạ tầng phố cổ, đầu tư các công trình hạ tầng du lịch… Thống kê sơ bộ của Trung tâm VH-TT-TTTH Hội An cho thấy, chỉ tính giai đoạn 2014 – 2018, tổng doanh thu từ vé tham quan phố cổ đạt khoảng 891,5 tỷ đồng. Riêng năm 2018 số tiền bán vé tham quan phố cổ hơn 275,5 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 doanh thu ước đạt hơn 303 tỷ đồng. Đồng nghĩa, mỗi năm khoảng 70 – 90 tỷ đồng được trích lại dành cho công tác bảo tồn các di tích Hội An.
Ông Nguyễn Chí Trung cho biết thêm, ngoài trích lại cho công tác bảo tồn di tích, nguồn thu từ vé tham quan cũng đóng góp rất lớn vào hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Hiện mỗi năm Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thu khoảng 8 tỷ đồng từ vé tham quan tại các bảo tàng và Chùa Cầu (những điểm do trung tâm quản lý), số tiền này được sử dụng vào các hoạt động sự nghiệp thường xuyên của đơn vị.
Tương hỗ bảo tồn và phát triển
Bảo tồn và phát triển luôn là hai vấn đề cần được giải quyết song hành ở bất kỳ di tích nào. Trong đó, bảo tồn sẽ tạo điều kiện để di tích phát huy tốt giá trị của mình, ngược lại phát triển du lịch sẽ giúp tạo nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn di tích hiệu quả. Tại khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên), trong một thời gian dài mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn dù không bộc lộ rõ nét nhưng đã ít nhiều lợn cợn. Thậm chí, từng có ý kiến đề xuất nên đóng cửa khu đền tháp Mỹ Sơn một khoảng thời gian nhất định để di tích “tĩnh”, hạn chế những tác động từ du lịch gây ra.
Năm 2015, lần đầu tiên Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn xây dựng Quỹ Đầu tư phát triển sự nghiệp bảo tồn di tích. Theo đó, mỗi năm đơn vị sẽ trích lại 30% - 32% nguồn thu từ hoạt động bán vé tham quan, dịch vụ… (sau khi hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước và trang trải các chi phí) để dành cho công tác bảo tồn (bình quân một năm khoảng 8 – 10 tỷ đồng). Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, từ nguồn quỹ này, hàng năm đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch trang bị, đầu tư hạ tầng, nhất là bảo tồn kịp thời một số hạng mục, dự án nhỏ tại khu di tích. Riêng năm 2018, gần 5 tỷ đồng đã được Ban Quản lý Mỹ Sơn chi cho công tác bảo tồn, trong đó, số tiền đối ứng vào dự án bảo tồn trùng tu 2 nhóm tháp K và H khoảng 2,8 tỷ đồng. Hiện tại, số dư dành cho quỹ đạt khoảng 30 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2019 hơn 20 tỷ đồng từ quỹ này sẽ tiếp tục được dùng triển khai vào 5 đầu việc quan trọng là trùng tu tháp F2; tháp D1, D2; di dời nhà biểu diễn ra khỏi vùng lõi và lập dư án điều chinh quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn mới. “Việc lập quỹ nhằm có nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, đầu tư phát triển cũng như bảo tồn trùng tu các tháp. Từ khi có quỹ này, những công trình, đầu tư như nhà dịch vụ đường sá, mua sắm xe điện… được trang bị nhanh chóng, qua đó phục vụ hoạt động du lịch tốt hơn” - ông Hộ chia sẻ.
Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di tích là hai mặt song hành không tách rời. Tại TP.Hội An cũng như Mỹ Sơn nguồn thu từ vé tham quan không chỉ giúp tu bổ tôn tạo lại những di tích nhà cổ, đền tháp mà còn góp phần phục hồi tốt các giá trị văn hóa phi vật thể như âm nhạc truyền thống, múa hát, lễ hội… qua đó làm phong phú thêm các hoạt động cho di sản, góp phần thu hút khách tham quan du lịch ngày càng nhiều hơn.
HƯỚNG ĐI KHÁC BIỆT
Trong lúc nguồn lực dành cho công tác bảo tồn di sản còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế vì việc trích lại nguồn thu từ hoạt động du lịch là cần thiết. Điều đó không chỉ thể hiện qua số lượng công trình được bảo tồn thành công hàng năm, mà phí tham quan còn được sử dụng hiệu quả vào việc phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Nhiều bên hưởng lợi
Hội An có hơn 1.400 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia, riêng khu phố cổ có khoảng 1.130 di tích bao gồm các công trình kiến trúc nghệ thuật và nhà ở, trong đó, nhà ở chiếm số lượng chủ yếu với 1.069 căn. Ngoài ra, còn hàng chục kiến trúc bên ngoài phố cổ có niên đại vài trăm năm. Tùy vào xếp loại và vị trí, các di tích sẽ có mức hỗ trợ kinh phí trùng tu cao thấp khác nhau, cao nhất là 75% đối với nhà loại đặc biệt trong kiệt hẻm, còn ở mặt tiền là 60%; thấp nhất là mức hỗ trợ 45% đối với nhà loại 4 trong kiệt, hẻm và 40% cho nhà mặt tiền. Những gia đình không đủ tiền, thành phố sẽ cho vay không tính lãi, trường hợp chủ nhà vẫn không đủ sức, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư 100% nhưng sau khi sửa xong sẽ cho thuê lấy tiền hoàn trả đến lúc đủ thì bàn giao lại nhà cho dân. Ông La Gia Hồng, chủ nhân ngôi nhà số 10 Nguyễn Thái Học cho biết, năm 2013 nhà ông được đưa vào dự án tu bổ với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 45%, gia đình chịu 55% và số tiền này được Nhà nước cho vay không lãi và trả dần trong vòng 3 năm, nhờ vậy ngôi nhà ông đã được bảo tồn trùng tu vững chãi.
Với cách làm này, từ năm 2009 đến nay ước tính hơn 100 tỷ đồng đã được thành phố phân bổ hỗ trợ các chủ di tích bảo tồn thành công nhiều ngôi nhà cổ. Tất cả số tiền này đều lấy từ nguồn thu vé tham quan phố cổ. Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, ngay từ đầu thành phố đã xác định bảo tồn phố cổ chính là bảo tồn phần xác và phần hồn. Trong đó, phần xác chính là các công trình của khu phố cổ, nên việc trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp luôn được chú trọng. “Nói để lại 35% tiền bán vé cho công tác bảo tồn nhưng thật ra số tiền này dùng vào rất nhiều việc như cải tạo hạ tầng phố cổ, trật tự đô thị, bảo tồn các làng nghề, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… Tất nhiên sẽ ưu tiên cho trùng tu nên nếu nói đủ tất cả cho công tác bảo tồn thì không bao giờ đủ nên phải tranh thủ các nguồn lực khác từ trung ương, địa phương” - ông Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, từ nguồn kinh phí này cũng đã giúp phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể hiệu quả. Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT-TTTH Hội An thông tin, trong số 30% tiền bán vé Nhà nước để lại cho đơn vị, trung tâm phải trích chừng 12% thanh toán cho các chủ di tích nhà cổ, hội quán; 1% cho xã phường; khoảng 17% tiền vé tham quan còn lại dùng vào trả lương nhân viên, quản lý bộ máy, duy trì quản lý hoạt động phố đêm, nhà biểu diễn, quảng bá du lịch, mở lớp dạy âm nhạc cổ truyền… “Tôi nghĩ nguồn thu từ vé tham quan là rất quan trọng đối với Hội An hiện nay. Nó không chỉ giúp thành phố có nguồn lực để đầu tư công tác bảo tồn, trùng tu di tích mà còn góp khôi phục, phát huy tốt các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó bài chòi là điển hình nhất của việc bảo tồn, phát huy hiệu quả phục vụ du lịch. Ngoài ra, còn có thể kể đến việc đưa nghệ thuật âm nhạc cổ truyền vào trường học, dạy dân ca trong phố đêm, kể cả các sự kiện lễ hội… Theo tôi, Hội An rất sáng tạo khi khôi phục các giá trị văn hóa phi vật thể, chính nó đã thổi hồn vào di sản, góp phần nâng giá trị các di sản phố cổ Hội An” - ông Phùng nhìn nhận.
Mô hình điểm
Có thể thấy, việc tỉnh đồng ý cho Hội An giữ lại 35% số tiền thu từ bán vé dành cho công tác bảo tồn di sản là một thuận lợi không phải địa phương nào trong cả nước cũng có, nhất là trong tình hình nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và Trung ương dành cho công tác bảo tồn di tích eo hẹp như hiện nay. Theo ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhiều năm qua Hội An luôn xác định bảo tồn di sản phải gắn với phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, trong công tác nghiên cứu, quản lý, tu bổ di sản văn hóa đều gắn với mục tiêu này, xem đây là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, trong đó hiệu quả từ việc tu bổ di tích mang lại không chỉ giúp các di tích an toàn hơn mà còn tạo điều kiện để phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch. Đến nay, thương hiệu du lịch Hội An ngày càng được khẳng định vững chắc trong và ngoài nước với lượng khách không ngừng gia tăng, riêng năm 2018 đạt gần 5 triệu lượt.
KTS. Đặng Khánh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, chuyện bảo tồn di tích và phát triển du lịch đã có mối quan hệ từ lâu, chỉ khác là lâu nay nhiều nơi chưa tạo được mối quan hệ tương hỗ. Do đó, việc Hội An lấy du lịch nuôi di tích là cách làm hay, kể cả Mỹ Sơn đang từng bước làm khi lấy kinh phí từ du lịch để hoàn thiện hạ tầng phục vụ nhu cầu tham quan, tạo cảnh quan di tích là đáng ghi nhận. Tuy vậy, cách làm này cũng chỉ đúng với Hội An do những đặc thù vốn có, như là một di tích gắn liền với cuộc sống người dân và nó vẫn liên tục phát triển nhưng với nơi khác thì khó thể áp dụng tương tự. “Đây là một lợi thế quan trọng của Hội An và điều này khác biệt với các di tích khảo cổ hay tôn giáo, kể cả kinh thành Huế, nên khó thể so sánh mô hình Hội An với các nơi khác được, vì mỗi nơi đều có cách tiếp cận khác nhau. Nhưng dù sao đây vẫn là một mô hình hiệu quả khi tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận từ phía người dân cũng như chính quyền địa phương” - KTS Đặng Khánh Ngọc nhìn nhận.
KHÓ MINH BẠCH NGUỒN THU DU LỊCH TÂM LINH
Dù du lịch tâm linh tại Quảng Nam chưa rõ nét, tuy vậy nguồn thu từ các hoạt động cúng dường và tiền vé tham quan hội quán, chùa, tịnh xá trên địa bàn TP.Hội An chủ yếu do các ban trị sự quản lý; chính quyền đứng ngoài việc kiểm soát này.
Ban trị sự quyết định
Những tháng cao điểm, bình quân mỗi ngày chùa Hải Tạng (Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP.Hội An) đón 1.000 - 2.000 khách tham quan. Tại chùa luôn có một thùng phước sương đặt giữa điện, phần lớn khách Việt sau khi viếng hương đều cúng dường vào thùng công đức này. Ông Trần Di Cảo – Trưởng Ban trị sự chùa Hải Tạng cho biết, hiện ban trị sự có 5 người, mọi việc túc trực, bảo vệ, tu bổ đều do ban trị sự quản lý. Bên cạnh tiền phước sương, khi nào muốn tu bổ sửa chữa lớn thì ban trị sự vận động Phật tử đóng góp. “Năm 2015 – 2016 làm nhà Đông Tây, nhà bếp, toilet… hơn 4 tỷ đồng cũng từ tiền quyên góp. Còn tiền phước sương chủ yếu dùng mua sắm hương đăng, hoa quả… cho khách viếng đốt, mỗi năm cũng hết hơn trăm triệu đồng, riêng tiền mua hương mỗi tháng cũng không dưới 5 triệu đồng” - ông Cảo liệt kê. Cũng theo ông Cảo, lâu nay thành phố không trích lại tiền bán vé tham quan du lịch Cù Lao Chàm cho chùa, mặc dù chùa Hải Tạng là một trong những điểm đến thường xuyên của du khách. Do vậy, việc mua sắm hay chi tiêu cho chùa đều do ban trị sự bàn với sư trụ trì thống nhất quyết định, chính quyền không can thiệp. “Thùng phước sương khi nào đầy thì người giữ chìa khóa và thủ quỹ cùng mở. Tôi cũng không quan tâm, chỉ khi nào quyết điều gì mới nói đến tiền bạc. Nói chung, có du lịch cũng đỡ nhưng không du lịch thì chùa không tốn kém tiền hương hoa” - ông Cảo chia sẻ thêm.
Ông Đinh Hùng – Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch TP.Hội An: “Hội quán thuộc quyền ở hữu tập thể nên việc giám sát chi tiêu nguồn tiền từ vé tham quan do các thành viên hội quán quyết định, Nhà nước không can thiệp sâu. Ngoài trích lại đúng số tiền theo ô vé tham quan, phòng cũng chỉ định hướng hội quán nên sử dụng nguồn tiền thế nào hợp lý, chẳng hạn như sử dụng vào trùng tu sửa chữa nhỏ thay vì Nhà nước bỏ tiền ra… chứ mình đâu có quyền gì nói họ chi tiêu cái chi, vì hội quán cũng giống như sở hữu tư nhân rồi ai dám can thiệp sâu, chỉ trong bang hội nếu thấy thắc mắc mới kiểm tra thôi nên mình chịu”.
Tương tự, tại các hội quán trong phố cổ Hội An, việc quản lý, sử dụng nguồn tiền trích lại của thành phố từ ô vé tham quan chủ yếu do ban trị sự hội quán quyết định. Theo ông Lê Phú Quang – thành viên Ban trị sự Hội quán Quảng Đông, hiện ban trị sự có 5 người được bầu từ nhiều năm trước. Hàng ngày, các thành viên trong ban trị sự sẽ thay phiên ra hội quán túc trực. Tại Hội quán Quảng Đông, ngoài tiền phước sương du khách cúng dường dùng để mua hoa quả, hương đèn, nguồn thu chính vẫn là tiền thành phố trích lại từ ô vé tham quan. Số tiền này được nhập vào một quỹ để dành cho những công việc lớn như cúng lễ nguyên tiêu (16 tháng giêng), vía Ông (24.6 âm lịch), sửa chữa, trùng tu hội quán; cuối năm làm từ thiện, cho con cháu, người già neo đơn trong bang… Ngoài ra, tiền này cũng được dùng để trả lương cho khoảng 10 nhân viên là con cháu bang hội đang làm việc tại hội quán với mức 4 – 5 triệu đồng/người. Ông Lê Phú Quang cho biết, trung bình mỗi tháng số tiền thành phố trích lại cho Hội quán Quảng Đông khoảng 200 – 300 triệu đồng, cao điểm có tháng 500 triệu đồng. “Nhà nước không dính vào hội quán, tiền của mình, muốn mua sắm chi tiêu, sửa sang gì là chuyện của mình. Cộng đồng trong ban cũng không ai ý kiến gì. Nói không công khai nhưng cũng là công khai vì 5 người trong ban trị sự cùng biết, chứ bang chúng biết để làm chi. Không có bang nào, hội quán nào đi nói cho dân biết mình thu bao nhiêu tiền cả” - ông Phú Quang quả quyết.
Khép kín
Trong số 5 hội quán bán vé tham quan ở phố cổ, ngoài Chùa Ông do Nhà nước quản lý, các hội quán còn lại đều thuộc quyền sở hữu tập thể của thành viên hội quán, nguồn thu từ ô vé tham quan hầu hết đều do ban trị sự quyết định, bang chúng không hay biết và cũng không quan tâm. Theo bà Phan Thị Ngọc – Nhân viên sát vé Hội quán Phước Kiến, cũng như tất cả bang chúng bà không quan tâm đến số tiền hội quán thu được mỗi năm bao nhiêu. Mọi chi tiêu do ban trị sự quyết. “Tôi chẳng để ý, mình làm đến tháng lãnh lương thôi còn ba cái chuyện đó của mấy ổng lo. Chuyện ai nấy biết. Con cháu trong bang cũng không thắc mắc quan tâm do làm ăn ở xa, đến ngày lễ tế của bang thì về tham gia cúng kính, xong rồi đi. Con cháu nghĩ có người thay mình lo hương khói ông bà là nhẹ nhõm rồi, đôi khi nó còn đóng góp vào nhiều hơn nữa, nên mấy cái khoản tiền này con cháu, bang chúng không quan tâm. Còn ai làm sai thì người đó nhận hậu quả với tổ tiên thần thánh” - bà Ngọc nói.
Hội quán Phước Kiến một ngày đón 600 – 1.000 khách tham quan, với mức tiền trích lại gần 4.000 đồng/ô vé, mỗi tháng tiền thành phố trích lại khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Bà Ngọc cho biết, tiền thu này sẽ được ban trị sự dùng chi trả các khoản như tiền điện nước, lương nhân viên, hương đèn... Riêng tiền sửa sang do con cháu trong bang đóng góp. Theo ông Lê Phúc Quang, Ban trị sự Hội quán Quảng Đông không có thành viên giám sát, số tiền chi tiêu tùy thuộc công việc hàng năm. “Mình cũng không quan tâm, năm nào trưởng ban nói chi 100 triệu thì mình hay 100 triệu, 200 triệu thì ghi vào 200 triệu. Nói chung là tự giác vì chuyện này là tâm linh mình cũng không quan tâm nhiều” - ông Quang nói thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, thành phố không can thiệp vào hoạt động chi tiêu của các hội quán. “Đâu có quy định nào can thiệp vào đâu, cái đó thuộc sở hữu tập thể nên họ sử dụng vào việc trùng tu sửa chữa di tích của họ. mình đụng vô chi tế nhị lắm” - ông Sơn thừa nhận.