Lang thang phố Huế...

HẠNH NGUYÊN TRANG 11/06/2019 14:20

Nhắc đến Huế, người ta nghĩ ngay đến một cố đô thơ mộng, cổ kính và đôi khi trầm lặng. Tôi thích Huế, hễ có dịp là tôi đến nơi ấy để trải nghiệm, khám phá văn hóa Á Đông và tìm sự thú vị của vạn vật vốn “có động trong tĩnh”…

Khu phố Tây ở Huế. Ảnh: H.N.T
Khu phố Tây ở Huế. Ảnh: H.N.T

Huế cách Đà Nẵng một cung đường “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” - đèo Hải Vân, nơi mà bất kỳ ai cũng đều dễ dàng xiêu lòng khi đi qua bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên. Du khách có thể lang thang, tận hưởng không khí biển Lăng Cô hiện đại, trẻ trung với những resort, khách sạn sang trọng trước khi đến gần hơn với Huế.

Quả thật, cố đô rất biết cách khiến người ta tạm bỏ lại những hối hả, xô bồ thường nhật mà thưởng thức cảnh vật bằng trái tim bình lặng và những xúc cảm êm dịu. Không chỉ thế, Huế còn là nơi lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử lâu đời, những lăng mộ, đền đài đều khiến người ta cảm thấy lưu luyến. Dĩ nhiên, Đại nội chắc chắn sẽ là cái tên mà bao người không khỏi bất ngờ, trầm trồ mỗi khi đặt chân đến nhờ vẻ đẹp cổ kính in dấu thời gian. Điều khiến tôi thích thú nhất là sự tách biệt vừa rõ ràng, vừa không giữa cây cầu Tràng Tiền chia cách khu Đại nội và sự huyên háo của thành phố. Nếu người ta vẫn cứ mặc định nơi vua chúa sinh sống thì phải tôn nghiêm, lạnh lẽo và u tịch thì nhầm to rồi đấy! Tư tưởng này đúng… vào các thập kỷ trước. Còn bây giờ, ngoài các công trình rất đặc sắc và lối kiến trúc như phác họa nét tính cách riêng của từng vị vua thì Đại nội đã vui tươi và có chút “hòa nhập” với hơi thở của cuộc sống ngày nay.

Có một TP.Huế rất khác qua lăng kính tại khu phố Tây – nơi văn hóa và con người Huế được gói gọn chỉ trong vài bước chân lang thang. Ba tuyến đường chính là Võ Thị Sáu, Chu Văn An và Phạm Ngũ Lão bắt đầu đông đúc, tấp nập vào khoảng 20 – 21 giờ. Dạo một vòng quanh khu này sẽ phát hiện ra nhiều thứ hay ho: các quán cà phê xinh xắn được décor theo phong cách mới, tươi tắn và hợp thời; những nhà hàng bars – pubs hiển nhiên sẽ không thể thiếu hay lòng đường được sử dụng để dành cho khách đi bộ kết hợp với việc tổ chức nghệ thuật đường phố; các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ là ý tưởng cũ nhưng không lạc hậu chút nào… Không giống như phố Bùi Viện huyên náo đến mức xô bồ ở Sài Gòn hay phố bia Tạ Hiên nhốn nháo của Hà Nội, phố Tây ở Huế dù sôi động nhưng đâu đó vẫn giữ được vẻ đẹp trầm mặc của cố đô. Tất nhiên là người dân Huế buôn bán với những bảng tên bằng tiếng Anh, trò chuyện cùng du khách bằng tiếng Anh, thậm chí phong cách hiện đại thanh lịch của người nước ngoài cũng rất dễ dàng nhận ra ở nơi này. Khi khu phố Tây xuất hiện, tôi nghĩ người ta sẽ có một cách nhìn mới về Huế cũng như cảm xúc của một chuyến đi sẽ thêm màu sắc hơn gấp bội lần.

Những chuyến đi thì không thể thiếu ẩm thực. Bún bò Huế, cơm hến, bánh bèo, bánh lọc… đặc trưng xứ Huế hay văn hóa cà phê vỉa hè trên phố Trương Công Định mỗi sáng là những điểm nhấn khiến người ta cứ nghĩ hoài về nơi đây. Huế đẹp, đó là chuyện không cần phải bàn cãi nữa rồi. Nhưng trong âm nhạc hay cả trên những lời văn tâm tình thì Huế vẫn đẹp một cách rất chân thật, nhẹ nhàng mà day dứt. Chợt nhớ về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người “lưu giữ” hình ảnh Huế không chút ồn ào và thừa sâu lắng với những con chữ tình cảm miên man trong “Thư tình gửi một người” làm trái tim tôi cứ bồi hồi, rung động. Với ông, chắc có lẽ cứ nhắc đến Huế là nhớ về người tình một thời “Huế đã bắt đầu mùa mưa chưa Ánh?”.

HẠNH NGUYÊN TRANG