Chênh vênh giấc mơ phố thị

QUỐC TUẤN 10/06/2019 15:51

Người nông dân luôn là đối tượng “đứng mũi chịu sào” trước bao được - mất khi làng “lên đời” phố thị. Ba xã Điện Thắng (Điện Bàn) rồi đây cũng sẽ sớm thành phường nhưng liệu có khỏa lấp đi được những ngổn ngang, bộn bề của cư dân địa phương hiện tại?

Khoảng hơn 8ha ruộng đất của người dân ở thôn Thanh Quýt 2 (xã Điện Thắng Trung) bị bỏ hoang nhiều năm nay do ô nhiễm. Ảnh: Q.T
Khoảng hơn 8ha ruộng đất của người dân ở thôn Thanh Quýt 2 (xã Điện Thắng Trung) bị bỏ hoang nhiều năm nay do ô nhiễm. Ảnh: Q.T

1. Mới nửa buổi sáng, trời đã nóng hầm hập. Trong cái chòi tranh chỏng chơ giữa cánh đồng, có hai người phụ nữ ngồi tránh nắng. Nghe tôi đề cập về chuyện dồn điền đổi thửa, bà Xuân - người có gương mặt sạm đen thủng thẳng kể: “Chủ trương cũng có lâu rồi, nhưng nghe phong phanh là ruộng nhà tôi không thực hiện dồn điền đổi thửa nữa vì đây là ruộng bậc thang rất khó cải tạo. Nên thôi cứ làm được chừng mô ăn chừng đó đã”. Ở làng Phong Lục, người ta hay ví von các thửa ruộng mấp mô chỗ cao, chỗ thấp của mình là ruộng bậc thang. Nghe tên thì mỹ miều nhưng vào mùa cày cấy, canh tác thì rất nhiêu khê mà năng suất thì thấp hơn rõ rệt so với ruộng phẳng. “Hết mùa lúa rồi, bọn tôi tranh thủ đi làm cỏ, săn sóc cho mấy ruộng rau diếp cá,  nhờ rứa mà có đồng ra đồng vô” - bà Xuân bộc bạch. Hóa ra thửa ruộng sình lầy chừng 2 mẫu này đã được người dân từ nơi khác đến thuê để trồng rau diếp cá hòm hòm cũng chục năm rồi bởi trước kia lúa ở đây lúc được, lúc mất, có mùa còn bỏ hoang cỏ mọc um tùm.

Ghé nhà ông Nguyễn Lang - nguyên trưởng thôn Phong Lục Nam, người mà mấy năm trước tôi đã hỏi thăm về chuyện nước sạch. “Vẫn rứa, đã có nước sạch để dùng mô chú ơi” - ông Lang rầu rĩ. Vuốt mái tóc đã bạc gần hết, ông Lang chỉ tay về phía cuối sân nơi có đống vỏ bình đựng nước 20 lít nằm chỏng chơ: “Mấy lần cơ quan chức năng kiểm tra nguồn nước ở đây thì đều ra kết quả ô nhiễm nặng. Rứa là từ năm 2014 đến chừ nhà tôi cũng khiếp, phải nghỉ luôn việc dùng nước bơm”. Thế là mấy năm nay, đều đặn hàng tuần, ông Lang cùng hàng chục hộ dân khác ở Phong Lục Nam đành lục tục ra gần quốc lộ chở nước về nấu ăn, còn nước uống thì đành phải mua nước bình. “Mà nhờ từ năm ngoái bên Phong Lục Đông một số chỗ có nước thủy cục nên ra đó chở về được chớ hồi trước còn phải lặn lội đi xa hơn kia” - ông Lang phân trần.

Tính sơ bộ, trong thôn Phong Lục Nam có hơn 20 giếng bơm, phần của UNICEF tài trợ, phần của người dân tự đào. Trước kia, đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân trong thôn nhưng hiện phần lớn bị bỏ hoang, số ít còn được người dân sử dụng thì cũng tắm rửa, sinh hoạt trong nỗi thấp thỏm bởi nhiễm phèn nặng. Bên vệ đường, một thợ hồ trung niên góp chuyện: “Chừ có nghèo thì cũng ráng dành một khoản tiền mà mua nước lọc về ăn, uống. Mấy ông bà già nhà neo người chở không nổi cũng phải ráng nhờ hàng xóm chở giúp, nói chi mình”. Sợ vẫn cứ sợ, tốn tiền vẫn cứ tốn tiền nhưng rồi người dân ở đây cũng đành bấm bụng chịu đựng vì không có cách nào khác. Quay xe ra quốc lộ, hai bên con đường lục cục, lởm chởm sạn của làng Phong Lục vắng hoe vì ngày mùa đã xong từ lâu…

2. Cách làng Phong Lục không xa là làng Thanh Quýt. Các ngôi làng có tuổi đời năm, sáu trăm năm này trước đây đều thuộc xã Điện Thắng cũ. Cái tên Thanh Quýt gắn chặt với đất, người nơi đây nên khi chia tách thôn, cả 6 thôn của xã Điện Thắng Trung đều mang tên Thanh Quýt và đánh thêm số thứ tự phía sau. Tuy nằm ở bờ bắc sông Thu Bồn nhưng phần lớn người dân Thanh Quýt hiện nay vẫn giữ từ ngữ xưng hô khá độc đáo, hao hao với ngôn ngữ nói của người dân vùng nam Quảng Nam. Các kiểu giao tiếp: “Mày - tao”, “chứ sao”, “sao vậy”… thay vì “mi - tau”, “chớ răng”, “răng rứa”… hiện vẫn phổ biến kể cả đối với giới trẻ ở địa phương. Nếu hiểu theo cách của nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú lý giải là bởi cư dân Chămpa tại một số ngôi làng ở đây mãi đến đầu thế kỷ 19 mới chịu chuyển sang sử dụng tiếng Việt trước áp lực từ triều đình nhà Nguyễn.

Chợ Thanh Quýt cũ đã được di dời vào nơi khang trang hơn nhưng nhiều nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đường quốc lộ đoạn qua xã Điện Thắng Trung vẫn hiện hữu. Ảnh: Q.T
Chợ Thanh Quýt cũ đã được di dời vào nơi khang trang hơn nhưng nhiều nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đường quốc lộ đoạn qua xã Điện Thắng Trung vẫn hiện hữu. Ảnh: Q.T

Thanh Quýt lâu nay được xem là “đất nhân tài” và “vựa lúa” của cả vùng Điện Thắng. Từ những cánh đồng đòng đòng bông lúa, trĩu nặng phù sa bên dòng Thanh Quýt, các tộc, họ trong làng qua các thế hệ nối tiếp đã sản sinh ra hàng trăm trí thức trong đó đặc biệt ở ngành y dược với các giáo sư, bác sĩ nổi tiếng đang làm việc ở cả trong và ngoài nước. Nhưng Thanh Quýt bây giờ thấy rõ sự đô thị hóa, các cánh đồng dần bị chẻ nhỏ bởi đường giao thông, nhà máy và dự án. Ông Trương Công Nghĩa - Trưởng thôn Thanh Quýt 2, nghe hỏi về chuyện đất nông nghiệp bị bỏ hoang không sản xuất được, túc tắc nói: “Đây đây, hỏi chuyện ông này nè. Ổng đất đầy ngoài Bàu Đưng mà không trồng cái chi được phải đi làm thợ”. Bỏ lửng cái bay cùng mớ xi măng, cát sạn, ông Nguyễn Văn Cư nói làu làu: “Hơn 60 chục tuổi rồi mà cũng phải đi làm thợ xây đây chứ lấy chi mà ăn. Ruộng ở ngoài Bàu Đưng tôi còn đâu 4 sào mà 2 - 3 năm nay rồi có trồng được cái chi mô. Cũng có mấy hộ dân cố làm vớt vát thì hạt lúa tuốt ra đen thui phải đổ cho gà ăn”. Hỏi ra mới biết, cánh đồng Bàu Đưng ngày xưa thênh thang, màu mỡ lắm. Sau do giải tỏa để xây dựng hạ tầng thì còn khoảng 10ha nhưng 5 năm nay mấy chục hộ dân trong thôn cũng không còn sản xuất được dần dần phải bỏ hoang vì ô nhiễm.

Theo chân ông Cư men ra bờ ruộng. Trước mắt chúng tôi chỉ là một bãi đất sình lầy cằn cỗi, từng mảng lục bình to tướng chen chúc nhau cùng những bụi mắt mèo vươn lên trên lớp váng nước hòa lẫn mùn đen kịt bốc mùi xú uế. Lúi húi tém mấy vạt bèo qua một bên, ông Cư than vãn: “Nước đen đục như nước ống cống. Nước thải quanh khu này từ nhà máy, lò mổ, quán xá đều ra đây thì ruộng lúa mô mà chịu nổi. Dồn dồn còn đâu gần 2ha là còn sản xuất được ở khu giáp với Điện Thắng Nam, đó là do ô nhiễm chưa lan tới thôi”.

Ông Nguyễn Hữu Lanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Điện Thắng Trung cho biết: “Dự án ở xã cũng không nhiều lắm, hiện có 3 dự án, trong đó dự án khu phố chợ đã hoàn thành. Đến bây giờ, Điện Thắng Trung cũng đã hoàn thành nhiều tiêu chí và cơ bản đáp ứng được yêu cầu trở thành phường vào năm 2020”.

3. Quá trưa, quán xá vắng ngắt, chỉ có mấy người đàn ông ngồi rì rầm to nhỏ chuyện đất đai, phố phường. Theo Đề án 05 của HĐND thị xã Điện Bàn, đến năm 2020, ba xã Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Bắc dọc quốc lộ sẽ lên phường. Bây giờ ở 3 xã này dự án ngổn ngang nên cơn “sốt đất” cũng lan từ vùng đông của thị xã lên tận đây. Bà Lan chủ quán nói vọng ra với đứa cháu cùng bạn đang lò dò qua đường chuẩn bị đi học: “Bây ngó đường mà qua cho đàng hoàng chớ lơn tơn, cà rỡn xe cộ hắn chạy như ong kìa”. Rồi quay sang tôi, bà Lan chép miệng: “Ở đây có một đoạn mấy trăm mét từ cầu Thanh Quýt ra nghĩa trang thị xã thôi mà hơn chục cái hẻm đường dân sinh đâm ra quốc lộ, người, xe va chạm, xây xát hoài. Hồi trước còn thêm cái chợ “chồm hổm” ngay bên đường, riết mới giải tỏa được nên đỡ hơn chớ không còn lộn xộn hung nữa”.  

Ngồi cà kê với người bạn từ hồi học phổ thông là dân địa phương, mới thấy vùng đất đang “chênh vênh” giữa làng và phố này còn lắm nhiêu khê. Đô thị hóa đang “bủa vây” 3 xã Điện Thắng với Đà Nẵng từ hướng bắc và Điện Bàn từ hướng đông và nam. Khấp khởi cũng có nhưng nỗi ưu tư, thấp thỏm cũng hiện hữu qua từng ngày. Đồng ruộng ngày càng bị thu hẹp, những người lớn tuổi đang vật lộn với nhiều nỗi lo sinh kế, trong khi lớp trẻ lại không còn tha thiết gắn bó với những cánh đồng khi nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ giải trí đã và đang từng ngày mọc lên ngay trên quê xứ…

QUỐC TUẤN