Mùi của người thương
Thi thoảng tôi rơi vào trạng thái bị mắc kẹt kiểu như con thú bị bẫy thợ săn. Ví như đang ngắm bức tranh “Lại điểm hai” của họa sĩ kiêm nhà sư phạm nổi tiếng người Nga Fyodor Pavlovich Reshiotnikov, vẽ năm 1952, được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Nga thì bất ngờ màn hình máy tính hiện lên bảng tin của một tờ báo miêu tả “khá nhiều người và một con chó chứng kiến” một gã đàn ông hung hăng đánh người nhưng không ai dám can thiệp vì sợ vạ lây. Là chưa kể một bản tin trên tivi tiếp đó còn nói rằng “cây cỏ là nhân chứng của một cuộc khảo cổ học”.
Con chó vui mừng chồm lên ngực chủ trong khi nó đang đau buồn tuyệt vọng trong “Lại điểm hai”, trong khi chị của nó, một Đội viên thiếu niên tiền phong quàng khăn đỏ đang nhìn nó với ánh mắt hình viên đạn và mẹ nó ngồi buồn rầu thất vọng về con, em nó nép vào mẹ vô tư cười nhìn nó như một kẻ xa lạ… là một ẩn dụ của cuộc sống. Nhưng con chó và cây cỏ chứng kiến trong những bản tin báo chí là tại sao?
“Tôi không thể nào đọc “Chiến tranh và hòa bình” nữa”. Một nhân vật của Nicholas Carr trong cuốn sách đình đám được xem như mồi lửa cho cuộc tranh luận dường như sẽ chẳng bao giờ chấm dứt về sức mạnh lẫn mối họa của công nghệ “Trí tuệ giả tạo: Internet đã làm gì chúng ta?” đã thốt lên như thế về cảm giác mắc kẹt của mình khi phải lựa chọn giữa sách in truyền thống và sách trên web.
“Tôi không thể nào đọc “Chiến tranh và hòa bình” nữa”. Nhân vật của Nicholas Carr sau đó còn cay đắng thừa nhận một thực tế: Internet không những cải biến suy nghĩ và thói quen, nhận thức của loài người trong vòng 20 năm trở lại đây mà còn cải biến cả văn phong trên báo chí, thậm chí cả văn chương truyền thống. Bằng chứng là ngày càng có nhiều ý kiến trên mạng chê câu chữ của các nhà văn là “khó hiểu”. Và chính họ là lực lượng thúc đẩy những tác phẩm văn chương, kể cả tiểu thuyết được viết bằng những câu ngắn rồi tải lên mạng bằng điện thoại di động thành best-seller!
Cũng như nhân vật của Nicholas Carr, tôi cũng đang không thể nào đọc được “Chiến tranh và hòa bình” nữa bởi bị mắc kẹt giữa một thời làm báo nghiêm túc, thời của những “cây bút có thẩm quyền” như cách nói của nhà báo Hữu Thọ và thời của những “khá nhiều người và một con chó chứng kiến một gã đàn ông hung hăng đánh người nhưng không ai dám can thiệp vì sợ vạ lây” và định hướng view là tất cả.
Những lúc ấy tôi hay nghĩ về những chuyện tình. Tôi tự hỏi hay là mình dứt người ấy đi và bắt đầu lại với một con người mới? Nhưng rồi vẫn là cảm giác mắc kẹt trong bẫy thú bởi nói như Sumer Kat trong một tiểu thuyết diễm tình đã đọc một lần nhớ mãi từ thời chưa có mạng. Rằng “có ba thứ mùi dễ chịu nhất trên đời là mùi món ăn mình thích, mùi của nhà mình và mùi của người mình thương”…
Nhớ mùi của người mình thương, đại ý Kat bảo ai trong đời, cũng sẽ đôi lần thắc mắc, rốt cuộc điều gì là quan trọng nhất trong tình yêu, điều gì sẽ níu chân người ta ở lại mãi và điều gì sẽ khiến người ta biết trân trọng nhau hơn?
Nhưng không phải ai cũng có thể trả lời được câu hỏi này.