Bánh ú tro làng Hoán Mỹ
Cận Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch), người dân làng Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) tất bật với việc gói bánh ú tro truyền thống. Năm nay, cả làng ai nấy đều phấn khởi vì lượng bánh được khách đặt mua khá nhiều.
Còn vài ngày nữa là đến Tết Đoan Ngọ. Vì thế, Hoán Mỹ - nơi có nhiều hộ dân làm bánh ú tro thơm ngon nổi tiếng của Đại Lộc, không khí thật rộn ràng. Người đem lá phơi, người xếp gọn gàng đống củi, khắp các hiên nhà của những hộ dân là hình ảnh lò đất được đắp bằng bùn tươi đã khô, chuẩn bị đưa vào nấu bánh. Bước vào ngõ bất cứ nhà nào, trước hiên chất đầy lá gói bánh được sắp phẳng, cột khéo léo phơi héo dưới cái nắng hè. Những chiếc nồi có sức chứa hàng chục ngàn bánh được mang ra chùi rửa sạch sẽ, củi khô chất đầy các gian bếp. Nguyên liệu, dụng cụ sẵn sàng cho việc gói bánh phục vụ tết.
Theo người dân Hoán Mỹ, nấu bánh ú tro rất đơn giản. Gạo nếp, nước tro (được lắng từ tro mè) hoặc đậu đen xanh lòng, đậu đen (nếu làm bánh tro có nhân). Lá đót cột bằng sợi dây cói được mua từ các vùng núi như Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang về được rửa hoặc lau chùi sạch sẽ, phơi héo để gói bánh. Công đoạn chuẩn bị lá gói, chuẩn bị nguyên liệu tới gói bánh, nấu bánh đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo.
Người làng Hoán Mỹ đốt thân cây mè để lấy tro, sau đó lọc lắng lấy nước màu vàng, rồi hòa nước tro với vôi ăn trầu, tiếp đến là chọn nếp (nếp đặc biệt), ngâm nước tro mè để bánh nấu lên sẽ có màu vàng. Có 2 loại bánh: bánh có nhân đậu đen xanh lòng và không nhân. Đậu đen đem luộc, bóc vỏ, xoay nhuyễn, vo tròn rồi đem thắng đường tán… sau đó mang phơi khô. Để chín bánh, phải mất 4 - 5 giờ. Từ mùng 1 tới mùng 3, cả làng, nhà nhà đều gói bánh, nấu bánh ú tro để có sản phẩm đem giao cho khách hàng vào mùng 3, mùng 4 và sáng mùng 5.
Bánh ú tro có nhân 40 nghìn đồng/chục (12 cái); bánh không nhân 11 nghìn đồng/chục (12 cái). Bánh ú tro có hương vị thơm ngon, tác dụng thanh nhiệt, rất hợp để thưởng thức trong thời tiết oi bức đầu hạ. Miếng bánh ú tro thơm mát được ăn kèm với đường cát vàng hoặc cát trắng (tùy ý).
Từ xưa đến nay, người dân làng Hoán Mỹ có truyền thống gói bánh ú tro phục vụ cho tết Đoan Ngọ. Song, đến nay, vẫn không ai lý giải được bánh tro có từ khi nào, không ai biết ông tổ nghề là ai mà cũng chẳng ai hay gốc tích nó từ đâu, chỉ biết rằng, nó đã trở thành nghề truyền thống của làng.
Hoán Mỹ hiện có hơn 70 hộ làm nghề gói bánh ú tro dịp tết Đoan Ngọ và các dịp ngày rằm, mùng 1 âm lịch hằng tháng. Song, dịp tết Đoan Ngọ và tết cổ truyền, lượng bánh tiêu thụ nhiều gấp 100 lần.
Ông Trần Phước Thiện, hộ có thâm niên làm bánh tro mè của làng cho biết: “Năm nay, nhiều người gọi điện cho tôi từ mấy tháng trước để đặt hàng, số lượng bánh đặt hơn 5.000 cái. Với mức này, như mọi năm, sau khi trừ hết chi phí tôi lãi được gần 10 triệu đồng”. Cũng theo ông Thiện, thường thì khách Hội An, Đà Nẵng hay đến đây mua bánh về bán, bỏ mối.
Ông Lê Phước Thảo - dân làng Hoán Mỹ, cho biết, năm nay, khách đặt hàng với ông 50.000 bánh để bỏ các nhà hàng, các chợ ở khu vực Hội An, Đà Nẵng. Còn ông Trần Phước Anh cũng là người làng Hoán Mỹ, tâm sự: “Nếu đặt trễ quá thì không có bánh để mua. Nhiều người ở làng làm bánh bán sỉ, chỉ giữ ít để bỏ mối cho khách quen và sử dụng trong gia đình. Cứ mấy ngày gần Tết Đoan Ngọ, tôi phải thuê người gói bánh mới kịp giao cho khách. Mặc dù bận rộn nhưng ai nấy đều hào hứng vì bánh rất hút hàng. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể gói bánh được, làm nhiều hóa quen tay thôi. Do lượng đặt hàng lớn nên tôi chỉ làm trong khả năng của mình, nhiều người đặt thêm, tôi không dám nhận”.
Những chiếc bánh ú tro không chỉ là món ăn lạ miệng ngày Tết Đoan Ngọ ở vùng Đại Lộc nói riêng, xứ Quảng nói chung. Nghề nấu bánh ú tro được lưu giữ, tiếp nối qua bao thế hệ cư dân làng Hoán Mỹ như nét văn hóa độc đáo.