Chờ đợi
Tôi ghét phải chờ đợi, nhất là chờ với tâm lý thụ động. Như hôm xem khai mạc bắn pháo hoa ở Đà Nẵng vừa rồi, dù lịch thông báo là diễn ra lúc 20 giờ nhưng từ 18 giờ 30 đã thấy nhiều người tập trung về cầu Rồng để chọn vị trí đẹp.
Dòng người đổ về đứng bên lan can cầu ngày một đông, đến khoảng 19 giờ thì chật như nêm. Ai cũng cố giữ vị trí của mình và chờ đợi. Đúng 20 giờ vẫn chưa thấy gì, ráng chờ đến 20 giờ 30 vẫn chưa thấy, tiếp tục chờ thêm đến 20 phút nữa vẫn im bặt. Dù được an ủi rằng pháo hoa sắp nổ rồi, do lễ khai mạc hơi mất thời gian nhưng tôi hết kiên nhẫn được nữa, luồn qua lớp lớp người và rời khỏi cầu. Vừa đi và trộm nghĩ, có thể một phút nữa thôi người người sẽ rạng rỡ khi chứng kiến những tia sáng đẹp đẽ trên bầu trời, riêng mình vào giờ chót đã bỏ qua giây phút ấy, nhưng thôi kệ, cảm giác được “giải phóng” mình khỏi đám đông chờ đợi cũng không đến nỗi tệ.
Chờ đợi đôi khi là một biểu hiện tốt của đức tính kiên nhẫn, nhưng chờ mệt nghỉ, chờ theo thói quen “văn hóa dây thun” thì thật khổ sở. Thói quen ấy đang phổ biến đến mức khiến nhiều người có thể tự xoa dịu mình bằng sự hoan hỉ, rồi đến lượt, cũng bắt người khác chờ đợi vô tư theo kiểu có qua có lại nên kết quả cuối cùng là cứ “ôm nhau” mà chờ. Đám cưới cũng chờ, họp cũng chờ, khi làm các thủ tục hành chính thì chờ đã đời, đến nỗi đi ăn vừa chờ vừa nghe chửi cũng ráng chịu đựng... thì thật vô lý. Thậm chí nhiều dịch vụ có giờ giấc rõ ràng như đi tàu hỏa, máy bay, dù xem khách hàng là thượng đế nhưng vẫn để xảy ra thường xuyên cảnh la liệt ngồi chờ; có trường hợp, khách hàng buộc phải đến trước khá lâu và ngồi chờ để... tiện cho nhà cung cấp dịch vụ. Mấy ngày qua dư luận còn bàn tán vụ 200 hành khách lên máy bay phải chờ một hành khách vì nhà cung cấp dịch vụ muốn thế, khiến người ta cứ tò mò hành khách ấy “tuổi gì” mà được ưu ái như vậy. Biểu hiện thiếu chuyên nghiệp qua sự vụ này thì đã đành rồi, nhưng điều mà dư luận bức xúc là lối hành xử tùy tiện của nhà cung cấp dịch vụ.
Ai cũng hình dung chờ đợi sẽ khiến “năng lượng” của con người và xã hội hao hụt như thế nào nhưng vẫn cứ muốn dắt nhau vào nỗi khổ sở chung. Tự thoát khỏi cảnh chờ đợi đôi khi rất hợp lý trong tình huống cụ thể nhưng không phải lúc nào cũng là cách để mỗi người có thể lựa chọn. Nên nếu được, có thể bớt đi sự nhàm chán trong lúc chờ đợi. Ví dụ hãy biến những cuộc họp “hấp dẫn” hơn về nội dung để nhiều người không phải chán ngấy vì chờ đợi, điều này cũng nhằm ngăn ngừa sự chậm trễ của đại biểu dự họp bởi tâm lý tới đó càng sớm thì chờ càng lâu. Rồi bớt những phát biểu vô bổ, vô duyên, rườm rà trong các lễ hội, sự kiện để người khác không phải ngáp ngắn ngáp dài. Và thêm điều nữa, phải biết áy náy, hối hận khi để người khác phải chờ đợi bởi đó được xem là lời hứa sẽ khắc phục sự chậm trễ...