Lại rượu bia
Theo ghi nhận của Báo Tuổi trẻ, phần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến một số nội dung tại dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, ngay cả ở lần biểu quyết thứ hai, phương án “cấm uống rượu bia khi lái xe” vẫn không nhận được quá bán ý kiến tán thành: chỉ 44,21% đại biểu đồng ý và 43,8% ý kiến không đồng ý đưa vào dự thảo luật nội dung “cấm uống rượu bia khi lái xe”. Có 15 người không tham gia ý kiến.
Tôi gửi tin nhắn cho bạn làm nhiệm vụ tại một đoàn đại biểu Quốc hội đang tham gia họp ở đó: “Có thể biết được danh sách các đại biểu/đoàn trong số 43,8% không đồng ý không?”. Bạn chần chừ: “Để làm gì?”. “Chỉ là để kiểm tra lại xem họ đại diện cho cử tri của địa phương nào thôi”. Và bước tiếp theo là xem thử ở đó có bao nhiêu nhà máy bia, đóng góp ngân sách cho địa phương mỗi năm bao nhiêu? Ở đó có bao nhiêu người thương vong do say bia rượu gây tai nạn giao thông mỗi năm, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu tội phạm liên quan tới rượu bia? Hy vọng số đó cũng nằm trong danh sách mười mấy tỉnh thành còn lại trên cả nước không có nhà máy bia. Để tôi tin rằng không có sự tác động của việc lobby chính sách hay lợi ích nhóm chi phối; mà chỉ vì những lý do khác, như sự xem xét cẩn trọng giữa các luật liên quan, hay những phân tích chuyên sâu về y khoa đối với người sử dụng rượu bia, v.v.
Nhưng có lẽ, cách tìm kiếm theo kiểu “địa phương hóa” này cũng không cần thiết lắm vì cứ lấy con số trên cả nước, thì có thể dễ dàng lý giải được. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó nguyên nhân hàng đầu là sử dụng rượu bia khi lái xe. Con số này nhảy múa tùy theo cách tính số người chết tại hiện trường tai nạn hay chết sau khi đưa vào bệnh viện. Và gánh nặng hơn nữa là hàng chục nghìn người thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông.
Theo số liệu của WHO tại Việt Nam, tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu bia ở Việt Nam là 250 tỷ đồng/ngày và mỗi năm thiệt hại kinh tế tương đương 2,9% GDP/năm (tổng sản phẩm trong nước - GDP theo giá hiện hành năm 2018 đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng). So với con số đóng góp của ngành rượu – bia – nước giải khát nộp vào ngân sách năm 2017 là 50 nghìn tỷ đồng, liệu có đáng để các đại biểu Quốc hội hạch toán lỗ - lãi, được – mất cho nền kinh tế và tương lai đất nước không?
Hãy khoan tính tới việc thực thi luật, và những công cụ hỗ trợ luật khác để kiểm soát hoàn toàn chuyện anh đã uống rượu bia thì chớ lái xe. Nó làm tôi nhớ tới một việc tưởng chừng rất đơn giản, là cấm hút thuốc nơi công cộng. Đơn giản vậy nhưng cũng khó bói ra một người đã bị xử phạt vì hút thuốc nơi công cộng.
Và đây chỉ mới là bước lấy ý kiến, chưa phải là phiếu thông qua dự thảo luật. Nên, cũng tự dỗ dành mình, rằng từ đây đến cuối kỳ họp, vẫn còn thời gian để các đại biểu cân nhắc lại lá phiếu của mình, để có sự “đồng thuận trong đại biểu và đồng thuận với nhân dân” về việc “cấm uống rượu bia khi lái xe”.