Cấp thiết tiết kiệm năng lượng

VIỆT NGUYỄN 04/06/2019 15:41

Tiết kiệm năng lượng (TKNL) được xem là giải pháp thích ứng để hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh trạnh của sản phẩm trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Công ty CP Cẩm Hà tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí sản xuất. Ảnh: QUANG VIỆT
Công ty CP Cẩm Hà tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí sản xuất. Ảnh: QUANG VIỆT

Thích ứng

Đổi mới công nghệ là một trong những cách thức doanh nghiệp sử dụng để TKNL. Theo ông Dương Phú Minh Hoàng - Giám đốc Công ty CP Cẩm Hà (sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở TP.Hội An), chi phí sản xuất ngày một tăng cao khi giá điện tăng mạnh trong thời gian qua. Giá xăng dầu mặc dù có giảm nhẹ nhưng ở mức cao khiến cho các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất cũng rất cao. Bởi vậy, không có cách nào khác, doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải thích ứng. Thay vì hàn thủ công như trước đây, Công ty CP Cẩm Hà đã mạnh dạn sử dụng rô bốt để hàn tự động.

Ông Văn Đỗ Hữu Sáng - quản đốc phân xưởng cơ khí của Công ty CP Cẩm Hà cho biết, từ khi hàn tự động bằng rô bốt, năng suất tăng gấp nhiều lần so với thao tác của lao động trước đây nhờ tính liên tục, tốc độ nhanh, tuần hoàn và có thể hàn nhiều chi tiết sản phẩm cùng lúc. Cùng với tăng sản lượng sản phẩm hàn, doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhờ TKNL. Rô bốt làm việc theo lập trình nên công việc thông suốt, tiền điện nhờ vậy được giảm thiểu tối đa.

Ngày 13.3.2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (giai đoạn 2019 - 2030). Theo đó, chương trình đặt mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Quảng Nam đang hưởng ứng chương trình này bằng đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện TKNL; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về TKNL...

Ông Phạm Văn Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai (sản xuất bao bì xuất khẩu ở Khu Kinh tế mở Chu Lai) cho hay, để TKNL doanh nghiệp luôn chú trọng loại trừ các nguyên nhân gây gia tăng phụ tải khi vận hành máy móc, thiết bị cũng như sử dụng công nghệ mới tốn ít năng lượng.

“Đầu tư hệ thống giám sát năng lượng, bổ sung thiết bị và phần mềm điều khiển sẽ giúp giảm tiêu hao năng lượng. Đồng thời thực hành, vận hành linh động thiết bị ở mọi thời điểm, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ là những cách thích ứng của chúng tôi để TKNL, giảm giá thành sản xuất, tăng năng lực cạnh trạnh sản phẩm xuất khẩu” - ông Đào nói.

Để TKNL, Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ Phú Hiển Lighting (phường Trường Xuân, TP. Tam Kỳ) đang phối hợp với nhiều địa phương trên toàn tỉnh lắp đặt đèn đường năng lượng mặt trời PH Lighting.

Ông Phạm Phú Hiển - Giám đốc công ty cho biết, thiết bị tiết kiệm điện năng, không tốn chi phí tiền điện, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời có hiệu suất cao đồng thời chủ động nguồn năng lượng, giảm lượng phát thải CO2 ra môi trường.

“TKNL đặt ra ngày càng cấp thiết. Chúng tôi cung ứng, lắp đặt các thiết bị đèn chiếu sáng TKNL có thể tự động sáng khi trời tối và tự tắt khi trời sáng, dễ kiểm tra, lắp đặt nhanh, dễ mở rộng, nâng cấp và di chuyển hệ thống dễ dàng” - ông Hiển cho hay.

Cần vào cuộc

Theo ông Doãn Trọng Lân - cán bộ phụ trách TKNL của Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương), từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã tiến hành kiểm toán năng lượng ở nhiều ngành nghề khác nhau của các doanh nghiệp như cơ khí, dệt may, vật liệu xây dựng, sản xuất thép hoặc kiểm toán năng lượng tòa nhà.

Công ty CP Kính nổi Chu Lai - Indevco hằng năm tiêu tốn khá nhiều năng lượng để sản xuất kính xây dựng. Qua kiểm toán, doanh nghiệp đã ứng dụng nhiều giải pháp để TKNL như chú trọng quản lý, cải tạo hệ thống chiếu sáng, đổi mới công nghệ hay sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời.

Với 10 giải pháp kỹ thuật được thực hiện tốt, công ty đã tiết kiệm gần 4,5 tỷ đồng/năm và giảm được 7.136 tấn C02 ra môi trường, tương đương TKNL hơn 1,1 triệu KWh và khoảng 21 tấn gas.

Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép như Công ty Liên doanh sản xuất thép Việt - Pháp, các biện pháp cải tạo hiện trạng tiêu thụ điện năng quá lớn chưa đem lại hiệu quả. Qua kiểm toán năng lượng, đơn vị đã nhắc nhở doanh nghiệp nên chú trọng TKNL để giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh trạnh hàng hóa trên thị trường.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu cho rằng, trong điều kiện chi phí điện năng, xăng dầu dùng cho sản xuất và các mặt của đời sống ngày càng tăng cao thì vấn đề TKNL đặt ra với mọi nhà, mọi ngành, mọi doanh nghiệp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ dần hình thành thói quen, lan tỏa TKNL trong cộng đồng. “Mỗi người nên TKNL và là sứ giả tuyên truyền TKNL ở các khu dân cư. TKNL hôm nay sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các thế hệ mai sau” - ông Phúc nói.

VIỆT NGUYỄN